Hà Nội đang chuẩn bị kỳ thi viên chức, cũng là lần đầu tiên tổ chức tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ. Tất cả giáo viên hợp đồng muốn tiếp tục đứng lớp đều phải đăng ký dự tuyển và nếu thi không đỗ, hợp đồng của họ sẽ chấm dứt. Rất nhiều giáo viên trong số đó đã có trên dưới hai mươi năm cống hiến, không ít người là giáo viên dạy giỏi, nhưng họ đang đứng trước nguy cơ bị đẩy khỏi bục giảng.
Nhọc nhằn nuôi nghề giáo
Tại cổng Trường THCS Vật Lại (xã Vật Lại, H.Ba Vì, TP.Hà Nội), một cậu bé phấp phới khăn quàng đỏ hớt hải chạy theo chiếc xe máy cũ. Cậu kéo áo cô giáo đang dắt xe, giọng khẩn khoản: “Cô ơi, sang năm học mới, cô dạy lớp em đi!”. Cô Thúy sững lại, nhoẻn miệng cười hạnh phúc, trìu mến nói: “Cô không dám hứa đâu, nhưng bất cứ khi nào muốn hỏi gì về môn sử thì cứ gặp cô nhé”. Cậu bé nhảy chân sáo, hớn hở ra về. Cô Thúy thì đỏ hoe đôi mắt.
Nhìn vóc người bé nhỏ, ăn mặc giản dị và cái dáng đi tất tả của cô, bất giác tôi nhớ đến hình ảnh những cô giáo làng gần ba mươi năm trước của mình. Cô Thúy về nhà mẹ đẻ ở xóm Bắc, thị trấn Tây Đằng (H.Ba Vì). Cháu Bông con gái cô rụt rè chạy lại, tay cầm xấp giấy khen nhòe nhoẹt, ngập ngừng nói: “Hôm trước, mẹ vứt ra vườn rồi đi trả hàng. Lúc con nhặt vào thì trời mưa. Con đã phơi khô, nhưng mực nhòe hết chữ rồi mẹ ạ”. Cô Thúy hạ chiếc cặp, ngồi bần thần nhìn mớ giấy khen.
Tốt nghiệp sư phạm năm 2000, cô Thúy gắn bó với nghề giáo đến nay đã gần hai mươi năm. Cô đã nhiều lần đi thi và đoạt giải giáo viên dạy giỏi môn lịch sử cấp huyện. Có năm, học sinh của cô còn giành giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh (Hà Tây cũ), cô cũng không ít lần là chiến sĩ thi đua. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà phần lớn là khách quan, từ ngày đi dạy đến nay, cô Thúy vẫn là “phận” giáo viên hợp đồng.
Cùng huyện với cô Thúy, cô giáo Phan Thị Hằng đang là giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường tiểu học Tản Lĩnh. Hơn hai mươi năm trước, cô là giáo viên tiếng Anh thứ hai về dạy tại trường này. Bây giờ, sau trên dưới hai mươi năm cống hiến, cả cô Thúy và cô Hằng đều đang đứng trước cánh cửa vô cùng hẹp là kỳ thi tuyển viên chức sắp tới do TP.Hà Nội tổ chức theo Nghị định 161/2018 của Chính phủ.
|
Hạnh phúc giản dị của cô giáo Thúy là được học sinh háo hức nghe mình giảng dạy kiến thức lịch sử |
Không riêng gì mấy trăm giáo viên hợp đồng của huyện Ba Vì, những giáo viên hợp đồng của toàn TP.Hà Nội đều đang mất ăn mất ngủ vì kỳ thi này. Nếu họ không vượt qua kỳ thi đó, thì cái “suất” giáo viên hợp đồng lương ba cọc ba đồng cũng sẽ bị cắt.
Bốn mẹ con cô Phan Thị Hằng đang sống nhờ gian nhà cũ của vợ chồng tốt bụng trong thôn Vĩnh Phệ (xã Chu Minh, H.Ba Vì). Gia đình cô từng có mái ấm trọn vẹn, nhưng chồng dần sa chân vào cờ bạc, hút sách. Cô Hằng dạy học về, nay thấy mất bộ bàn ghế, mai thấy mất cái ti vi. Đến lúc nhà cửa cũng bị chồng bán sạch thì mấy mẹ con tha nhau đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác. Một nách ba con, mà nhiều năm nay, lương giáo viên hợp đồng của cô Hằng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng (đã bao gồm phụ cấp). Lương thấp đến độ, cả cái xe máy cũ để cô đi dạy cách nhà hơn 10km cũng do cha mẹ đẻ của cô mua cho, khi họ còn sống.
Để nuôi ba đứa con ăn học và nuôi cả… nghề giáo, cô Hằng làm đủ mọi việc: đan giỏ hoa thuê, làm vàng mã, quản lý quán ăn… Bất cứ việc gì chân chính và có tiền là cô lăn vào chẳng nề hà. Dạo làm quản lý quán ăn, cô làm đến tận 1-2 giờ sáng, sớm hôm sau lại chạy vào xã núi đồi Cẩm Lĩnh để dạy đám học trò. Mấy năm nay, cô phải nghỉ làm ở quán ăn để ở nhà theo sát hai con gái đang tuổi lớn. Không đi làm xa được, cô mang việc đan giỏ hoa, làm vàng mã về nhà để cả bốn mẹ con cùng cặm cụi duy trì cuộc sống.
|
Rất nhiều thầy cô đang lo lắng, bất an, xen lẫn bức xúc trước nguy cơ bị cắt hơp đồng trong nay mai |
Cô Hằng hài hước so sánh đầy chua chát: “Lương phụ hồ bây giờ thấp nhất còn được 200.000 đồng/ngày. Lương đi làm nửa tháng của họ đã bằng cả hai tháng lương giáo viên hợp đồng như tôi”.
Còn cô Thúy, những lời tâm sự cứ như đá tảng đè nặng tâm trí chúng tôi: “Tới đây, nếu bị cắt hợp đồng, tôi chưa biết sẽ tính tiếp ra sao, chỉ rõ ràng một điều: tôi là đứa con bất hiếu. Cha mẹ nuôi lớn, cho ăn học để mong con cái có công ăn việc làm, gia đình êm ấm. Hợp đồng mà bị cắt thì tôi hoàn toàn không có gì, công việc không có, gia đình cũng không…”.
Hơn mười năm nay, gia đình tan vỡ, một mình cô nuôi con. Xót xa, nguyên nhân vợ chồng chia tay, một phần lại đến từ sự… nghèo của cô. Cả gia đình nhà chồng đều khinh rẻ, coi thường, thậm chí xúc phạm đến cả nghề nghiệp của cô.
Mức lương và phụ cấp hiện tại khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, cô Thúy cũng đi làm thuê đủ nghề: trông trẻ thuê, dọn nhà theo giờ, chăm sóc người già ốm, may gia công quần áo, dán áo mưa… “Đồng nghiệp trong trường cũng tạo điều kiện, ở nhà cần thuê người làm việc gì là họ đều dành để gọi tôi. Có khi học sinh của tôi đến học thêm ở nhà cô giáo dạy toán, lúc tôi đang lau dọn, vệ sinh cho người mẹ già của cô giáo ấy”.
Giáo viên hợp đồng bị vắt chanh bỏ
Nhiều thầy cô còn được tuyên dương là công dân ưu tú của thủ đô, đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh giỏi. Nhiều thầy cô là tổ trưởng tổ bộ môn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, nhưng rất có thể, họ cũng sẽ mất việc sau kỳ thi này. |
Ở H.Sóc Sơn, cô giáo Nga, người đã có mười hai năm đứng trên bục giảng, kể lại ngọn nguồn câu chuyện liên quan đến kỳ thi tuyển sắp tới ở địa phương mình: “Ngày 9/1, huyện gửi công văn về các trường yêu cầu rà soát lại các thầy cô đang dạy hợp đồng trên toàn huyện. Điều kiện là phải có bằng đại học đúng với vị trí mình công tác và có thời gian giảng dạy trên 5 năm”.
Cô Nga cho biết, hầu hết giáo viên đều đáp ứng đủ điều kiện đó nên vẫn yên tâm công tác. Sau đó, “có một công văn của Sở GD-ĐT gửi xuống, chúng tôi không nắm rõ nội dung vì thấy không ảnh hưởng đến công việc”. Nhưng “gần đây, huyện ra công văn, ghi rất chung chung trích dẫn công văn của sở. Công văn của huyện dùng từ “xét tuyển” nên chúng tôi không lo lắng gì. Vài tuần sau, huyện lại ra tiếp công văn đính chính là do lỗi đánh máy của văn thư nên sửa từ “xét tuyển” thành “thi tuyển”.
Sau đó, các giáo viên có gửi kiến nghị lên huyện và được mời làm việc. “Trong cuộc họp, huyện cũng thừa nhận là sai nhưng nói kèm theo: sai là do chúng tôi đã quá nhân đạo. Đúng ra, chúng tôi đã cắt hợp đồng của các cô từ nhiều năm trước. Nghe nói thế, chúng tôi đều rất bức xúc” - cô Nga kể.
Nhiều thầy cô giảng dạy hơn hai mươi năm biết trước dù có thi cũng trượt, cũng bị cắt hợp đồng. Những thầy cô trẻ còn cân nhắc có nên tham gia kỳ thi hay không. Bởi các thầy cô nghĩ đến lòng tự trọng của người thầy. Thi hay không cũng bị cắt hợp đồng, nếu họ thi thì chắc chắn sẽ có những phụ huynh mỉa mai rằng thi công chức còn không đỗ mà đi dạy con cái họ.
Điều các thầy cô giáo bức xúc nhất là huyện đã phủ nhận mọi công lao, cố gắng, thành tích và cả cống hiến của không ít giáo viên. Và điều khiến họ lo lắng chính là sự minh bạch. Bởi, “trước đây đã nóng vụ chạy công chức tại Sóc Sơn do Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh. Chúng tôi là người trong ngành, chúng tôi biết và thừa nhận có hiện tượng này” - cô Nga nói. Giáo viên khác bức xúc: “Như trường tôi, số giáo viên cả hợp đồng và biên chế mới vừa đủ chỉ tiêu của huyện. Nhiều người đã có 27 năm là giáo viên hợp đồng, mà trong 27 năm đó huyện chưa một lần tổ chức thi công chức”.
Tự nguyện thanh lý hợp đồng mới… đủ điều kiện thi viên chức
Theo tài liệu chúng tôi có được, trước khi ra mẫu văn bản đề nghị giáo viên hợp đồng ký, Phòng Nội vụ H.Mỹ Đức đã gửi email thông báo cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện với nội dung: “Giáo viên hợp đồng dự thi làm hai bản cam kết (theo mẫu gửi kèm), một bản nộp tại trường và một bản nộp về Phòng Nội vụ huyện. Nhà trường có giáo viên hợp đồng dự thi phải thu đủ bản cam kết rồi cử người nộp về Phòng Nội vụ chậm nhất ngày 13/4/2019”.
Còn nội dung bản cam kết mà Phòng Nội vụ huyện này soạn ra, ngoài thông tin cơ bản của giáo viên hợp đồng, họ phải cam kết hai điều: một là chấp hành đầy đủ nghiêm chỉnh nhiệm vụ do hiệu trưởng phân công. Hai là sau khi có kết quả kỳ thi tuyển (thì phải) có trách nhiệm: báo cáo kết quả về ban giám hiệu nhà trường đồng thời tự nguyện xin thanh lý hợp đồng lao động ký kết với nhà trường theo quy định.
|
Ở H.Mỹ Đức còn có một bản cam kết do Phòng Nội vụ huyện soạn thảo gửi các trường, trong đó có nội dung: giáo viên tự nguyện thanh lý hợp đồng sau kỳ thi tuyển viên chức. Bản cam kết này được “ngụy trang” với danh nghĩa là do giáo viên tự nguyện viết, gửi lên UBND H.Mỹ Đức và ban giám hiệu nhà trường.
Cô giáo Phương Anh kể, gần nửa tháng trước cô mới biết thông tin có một bản cam kết từ huyện gửi xuống các trường, nhà trường phát cho giáo viên hợp đồng điền thông tin và ký. Nhưng “tôi không ký vì danh nghĩa là giáo viên tự nguyện ký cam kết nhưng thực ra là chỉ thị từ huyện - ai muốn đủ điều kiện để thi viên chức thì phải… ký bản cam kết này, ai không làm thì không được thi. Như vậy là ép buộc” - cô Phương Anh nói.
Một số giáo viên hợp đồng của H.Mỹ Đức cho rằng, bản cam kết đó là cách để huyện tránh những lùm xùm như việc đã xảy ra ở H.Sóc Sơn, cũng là cách để huyện thanh lý hợp đồng của giáo viên “êm đẹp”. Cách làm ấy không được giáo viên chấp nhận, bởi chẳng ai lại đi tự hủy hợp đồng của mình trong khi đang rất muốn được đi dạy. Thế nhưng, cũng không ít giáo viên đã làm xong bản cam kết tự hủy hợp đồng của mình và gửi nhà trường. Dù “hầu hết các thầy cô đều bức xúc nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ đụng chạm” - một giáo viên tiết lộ.
Có thể thấy từ nội dung bản cam kết đó, dù ký hay không thì cuối cùng giáo viên cũng bị thanh lý hợp đồng. Và dù có “vẽ ra” bản cam kết tự nguyện đó như H.Mỹ Đức, hay không có cam kết như H.Sóc Sơn, H.Ba Vì… thì sự thật vẫn chỉ có một: hàng ngàn giáo viên hợp đồng ở Hà Nội đang bức xúc vì phải đứng trước nguy cơ mất việc.
Nếu không vì yêu nghề…
Cô Thúy bảo mình sẵn sàng làm thuê đủ việc để ngày ngày được lên lớp giảng những bài học, lấp được phần nào lỗ hổng kiến thức lịch sử của bọn trẻ hiện nay. Hạnh phúc của cô là được nhìn học sinh dưới lớp há hốc miệng nghe mình phân tích những trận đánh, những chiến dịch; háo hức nghe cô giáo kể Búp sen xanh (tiểu thuyết viết về Bác Hồ của nhà văn Sơn Tùng).
“Nếu không lên lớp, thì có lẽ tôi đã mắc chứng tự kỷ từ lâu rồi. Bởi khi gia đình tan vỡ, tôi sống khép kín, thậm chí không dám nói chuyện với người khác giới dù chỉ một câu để tránh dị nghị, hiểu lầm”. Lặng im một lúc lâu, cô Thúy nói tiếp: “Nếu đi dạy chỉ cho có công việc đã đành, đằng này tôi yêu nghề tha thiết, nỗ lực đến từng bài giảng, nếu mất việc, tôi cũng không biết mình có vượt qua được cú sốc đó không”.
Cô Thúy, cô Hằng và nhiều giáo viên khác đều bảo, nếu không vì yêu nghề thì các cô đã không đằng đẵng bằng ấy năm chỉ để nhận mức lương ít ỏi ấy, “nếu chỉ để mưu sinh, thì chúng tôi đã bỏ nghề từ lâu, như rất nhiều người khác”.
|
An Vũ - Uông Ngọc