Hàng ngàn sinh viên nước ngoài đã rời Trung Quốc giữa làn sóng lây nhiễm đầu tiên của đại dịch COVID-19 - đang phải đối mặt với khó khăn và sự không chắc chắn, bởi Bắc Kinh chưa đưa ra thông báo nào về việc họ có thể quay lại trường.
Đối với Muhammad, giấc mơ đã trở thành hiện thực khi anh giành được học bổng toàn phần với khoản tiền tiêu vặt hàng tháng để học cả thạc sĩ và tiến sĩ tại Trung Quốc. Giờ đây, Muhammad chỉ muốn thức dậy sau cơn ác mộng và ước mình đã chọn học ở một nơi khác.
Muhammad trở về nhà ở đông bắc châu Phi vào tháng 2/2020, khi các đại sứ quán sơ tán sinh viên nước ngoài khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh hủy bỏ tất cả các thị thực vào tháng 3/2020 và đưa ra các hạn chế trên toàn quốc để kiềm chế sự lây lan của đại dịch.
Trung Quốc tự hào rằng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt là lý do dẫn đến thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, nhưng cái giá phải trả bao gồm chính sách ngoại giao quyền lực mềm mà Bắc Kinh xây dựng suốt nhiều năm.
Muhammad (tên nhân vật đã được thay đổi) là một trong số 6.500 sinh viên quốc tế đã ký vào bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi Trung Quốc mở cửa biên giới cho họ. Họ cũng đã tổ chức một chiến dịch trên mạng xã hội, sử dụng hashtag #TakeUsBackToChina.
|
Nhiều du học sinh rời Trung Quốc khi đại dịch vừa bùng phát và không thể quay trở lại để học tiếp |
Chiến dịch quyền lực mềm của Bắc Kinh
Đối với sinh viên từ các nước đang phát triển như Muhammad, Trung Quốc là một điểm đến du học phổ biến, với chất lượng tốt, giá cả phải chăng - và nguồn học bổng dồi dào, nhờ vào lợi ích quyền lực mềm của việc chào đón sinh viên nước ngoài.
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số sinh viên quốc tế được chính phủ tài trợ đã tăng gần 6 lần trong 10 năm qua. Năm 2016, 40% tổng số sinh viên quốc tế mới nhập học nhận được tài trợ từ chính phủ Trung Quốc.
Số lượng sinh viên du học chính thức mới nhất ở Trung Quốc là 492.000 người vào năm 2018, theo dữ liệu được công bố vào tháng 6/2019. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 được dự kiến lên đến 500.000 trước đại dịch.
Yang Rui - giáo sư tại khoa giáo dục của Đại học Hồng Kông - đã dành nhiều năm nghiên cứu việc sử dụng sức mạnh mềm của Trung Quốc thông qua giáo dục đại học. Theo ông, chỉ riêng về con số lượng, nỗ lực thu hút sinh viên nước ngoài đã thành công.
Tuy nhiên, ông Yang nói thêm, trải nghiệm văn hóa đầu tiên của sinh viên khi sống ở đất nước này là rất quan trọng nếu Trung Quốc muốn đạt được các mục tiêu quyền lực mềm của mình, và "đại dịch rõ ràng đã ảnh hưởng đến việc thúc đẩy quyền lực mềm thông qua giáo dục".
Đối với các du học sinh hiện nay, lợi ích của việc học tập ở Trung Quốc đã nhường chỗ cho sự thất vọng. Trong số 10 sinh viên trả lời phỏng vấn của tờ South China Morning Post, chưa đến một nửa nhận được thông báo chính thức từ trường của họ rằng học kỳ mùa xuân sẽ bao gồm các lớp học trực tuyến cho sinh viên nước ngoài.
Tương lai không xác định
Đối với Muhammad, thời gian đang cạn dần. Chàng trai đã gặp khó khăn về tài chính kể từ khi trường học ở Trung Quốc cắt giảm khoản chi tiêu. Muhammad chia sẻ: “Tôi đã ngồi ở nhà kể từ tháng Hai, không có việc làm và không có tiền trang trải cuộc sống”.
Ngoài việc phải vay mượn tiền của người thân để sống qua ngày, Muhammad cho biết việc cố gắng tiếp tục học trực tuyến là một cuộc đấu tranh hàng ngày, với kết nối internet kém khiến việc truy cập tài liệu rất khó khăn.
Muhammad thất vọng: “Họ không chịu trách nhiệm và bạn không thể tin tưởng đặt tương lai của mình vào tay họ một lần nữa… Tôi đang muốn từ bỏ”.
|
Trung Quốc sử dụng giáo dục như một quyền lực ngoại giao mềm để thu hút du học sinh đến với đất nước và tiếp thu văn hóa bản địa |
Nhưng không phải tất cả học sinh đều thất vọng. Chính phủ Hàn Quốc đã đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh vào tháng 7, theo đó mở lại thị thực du học cho công dân nước này.
John Dopp, một sinh viên Mỹ đang học năm thứ tư ngành tài chính tại Đại học New York Thượng Hải, được trường thông báo vào tháng 10 rằng anh sẽ có thể nhận được thị thực từ Tổng lãnh sự quán Trung Quốc.
Dopp (22 tuổi) đã quay lại Trung Quốc vào giữa tháng 11 và thực hiện cách ly trước khi tiếp tục chương trình học. Dù vậy, cậu mô tả khoảng thời gian chờ đợi trước khi nhận được tin tức là cực kỳ “căng thẳng”.
Một cơ sở giáo dục chung khác giữa Mỹ và Trung Quốc, trường Tianjin Juilliard, cũng có thể tiếp nhận 39 sinh viên từ 11 quốc gia trong năm 2020 do được chính phủ cho phép cấp thị thực đặc biệt.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không tiết lộ có bao nhiêu sinh viên bị ảnh hưởng bởi chính sách thị thực hiện tại, hoặc thời gian họ có thể quay trở lại.
Trung Quốc đưa ra tuyên bố: “Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng đến việc bảo vệ quyền hợp pháp của sinh viên nước ngoài tại Trung Quốc, và đã yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục đại học giữ liên lạc chặt chẽ với sinh viên bên ngoài biên giới, sắp xếp các lớp học trực tuyến một cách hợp lý và xử lý các yêu cầu từ sinh viên.
Trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh và an toàn, Trung Quốc sẽ tổ chức cho học sinh nước ngoài trở lại trường học, và mở rộng giao tiếp với tất cả các bên liên quan”.
Ngọc Hạ (theo SCMP)