Hàng ngàn đối tượng sa lưới trong đợt truy quét tội phạm 'việc nhẹ lương cao' ở Đông Nam Á

23/10/2023 - 16:39

PNO - Đường dây lừa đảo qua mạng internet ở các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar đã lôi kéo hàng ngàn người châu Á vướng vòng lao lý.

 

Cảnh sát Myanmar bàn giao 5 nghi phạm trong đường dây lừa đảo công nghệ cao cho cảnh sát Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Yangon, Myanmar vào ngày 26/8/2023 – Ảnh: Tân Hoa Xã
Cảnh sát Myanmar bàn giao 5 nghi phạm trong đường dây lừa đảo công nghệ cao cho cảnh sát Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Yangon, Myanmar vào ngày 26/8/2023 – Ảnh: Tân Hoa Xã

Cảnh sát Trung Quốc (TQ), phối hợp cùng lực lượng chức năng các nước Đông Nam Á, đã truy quét đường dây tội phạm trực tuyến lôi kéo hàng chục ngàn người vào các vụ lừa đảo, đa số là người gốc Hoa, nhưng các chuyên gia an ninh lo ngại gốc rễ của các băng đảng vẫn chưa bị loại trừ, theo bản tin của AP ngày 23/10.

Một trong số những người gốc Hoa bị lôi kéo là Trương Hồng Lượng (Zhang Hongliang), cựu quản lý nhà hàng ở miền Trung TQ, đã làm nhiều công việc khác nhau trong và ngoài Hoa lục, sau khi thất nghiệp trong đại dịch COVID-19. Thông qua AP, anh này kể lại chuyện bị đưa vào đường dây lừa đảo ở Đông Nam Á.

Trương cho biết, vào tháng Ba, anh đang làm việc ở Thái Lan và xin visa sang Lào thì gặp người đàn ông họ Cao (Gao), tự nhận là nhà môi giới và đại lý du lịch cho người TQ sống ở Thái Lan. Cao đề nghị Trương làm việc tại nhà hàng ở Myawaddy, bang Kayin, miền Đông Myanmar, dạy đầu bếp địa phương cách nấu món ăn TQ, thù lao gấp đôi số tiền Trương kiếm được ở quê nhà.

Chỉ khi đến Myanmar, Trương mới nhận ra đã bị lôi kéo vào một tổ chức lừa đảo. Gia đình Trương đã chạy vạy khoản tiền khoảng 40.000 nhân dân tệ (5.472 USD) để trả món nợ mà Cao đòi anh phải trả.

Để trốn thoát, Trương phải bơi qua sông Moei để sang Thái Lan, nơi anh đầu thú với cảnh sát địa phương và liên lạc với Đại sứ quán TQ. Trương trở về TQ vào cuối tháng Sáu và bị cảnh sát thẩm vấn nhưng không giam giữ. Trương chia sẻ câu chuyện của mình trên Douyin, bản tiếng Trung của TikTok: “Chúng tôi ra đi với cảm giác hy vọng tuyệt vời, rồi bị thực tế tát thẳng vào mặt”.

Vụ việc của Trương tương đồng với nhiều trường hợp thanh niên bị dụ dỗ đến Campuchia hoặc Myanmar để làm “việc nhẹ lương cao”. Các tổ chức cứu hộ cho biết, nạn nhân thường xuyên bị đánh đập hoặc tra tấn về thể xác, nếu họ không nghe lời bọn tội phạm.

Tháng Tám năm nay, lực lượng chức năng các nước TQ, Thái Lan, Lào và Myanmar đã thành lập trung tâm điều hành cảnh sát chung, nhắm đến hệ thống đường dây tội phạm lừa đảo công nghệ cao trong khu vực. Đến ngày 10/10, Bộ Công an TQ thông báo, “Chiến dịch Mùa hè” đã đưa thành công 2.317 nghi phạm lừa đảo từ miền Bắc Myanmar về TQ.

Theo đó, các đường dây tội phạm có trụ sở tại Myanmar, Lào và Campuchia, được điều hành bởi các ông chủ TQ cấu kết cùng thế lực ngầm ở địa phương. Chuỗi “sào huyệt” này ký sinh vào các khu vực mà Chính phủ TQ tài trợ cho những dự án xây dựng lớn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Jason Tower, chuyên gia về tội phạm xuyên quốc gia của Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) cho biết, khu vực biên giới Myanmar từ lâu đã trở thành nam châm thu hút tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, vì an ninh lỏng lẻo, thường do các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số kiểm soát.

Thứ Hai tuần trước, Bộ Công an TQ thông báo “kết quả đột phá” nhờ phối hợp với chính quyền Myanmar, hồi hương thêm 2.349 người gốc Hoa, nâng tổng số nghi phạm nước này lên hơn 4.000 người.

Trường An (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI