"Mẹ ơi năm nay nhà mình gói bao nhiêu chiếc bánh chưng?", câu hỏi này chẳng hiểu sao con cứ thầm hỏi mãi mấy hôm nay mẹ ạ. Ngày xưa còn ở quê nhà, năm nào tết nhất con cũng bận bịu giúp mẹ rửa lá dong, gấp khuôn bánh, đãi gạo nếp... Giờ làm dâu trời Tây, con có muốn những công việc rộn ràng đúng nghĩa đó trong những ngày cận tết, cũng thành ra khó mẹ ơi. Lệch nhiều thứ lắm mẹ có biết không?
|
Con nhớ kỷ niệm chiều 30 tết, cùng mẹ tíu tít chọn cành đào và trang trí trong ngày tết. Nguồn: Internet
|
Lệch lịch mặt trăng, lịch mặt trời. Con sang làm dâu xứ người đã năm năm, đồng nghĩa với năm năm trang trí cây thông Noel theo lịch tết của người bản địa. Nhưng sao con không "cảm" được cái chất thiêng liêng từ trong nguồn cội ý nghĩa của hành động con làm. Vì trong huyết quản con, dòng máu Việt còn chảy quá mạnh mẽ. Con làm vì muốn trọn phận "dâu Tây", không phải vì cảm xúc thiêng liêng xuất phát từ cội nguồn dân tộc như ngày xưa con giúp mẹ trang trí cành đào chiều 30 tết.
Có sự tíu tít của tình mẹ con, có sự vất vả lo toan của ngày cùng tháng tận trong năm nhưng rộn ràng đúng nghĩa. Còn cuộc sống trời Tây, nhà ai biết nhà đó. Đến thăm nhau phải đặt lịch trước đó hàng tuần. Con không phải chịu cảnh làm dâu mà sao không thấy "thở phào", chỉ thấy buồn vời vợi.
Vì lệch lịch mặt trăng, mặt trời mà cái tết của người bản địa trôi qua đã lâu, trong khi nhịp sống bên này trở lại bình thường thì giờ ở quê nhà mới là cái tết cổ truyền rộn ràng. Con sợ những ngày này lắm mẹ ạ. Vì con rơi vào cảnh "ốc mượn hồn", thân một nơi nhưng hồn một nẻo. Bao giờ thời điểm này trong năm con cũng ốm. Chồng con đều lái xe chở con đi bác sĩ. Họ không tìm ra bệnh cụ thể mà chỉ kết luận "suy nhược cơ thể do suy nghĩ lao lực nhiều". Nhưng con biết bệnh của mình, đó là bệnh "ly hương".
Nếu thời điểm này, con mua được vé máy bay và đặt chân ở sân bay thôi là con khỏe trở lại, chân lại bước phăm phăm, thiệt đó mẹ ạ. Con không ốm giả vờ, không làm mình làm mẩy để chồng con phải sợ đâu mẹ. Đó là tình cảnh thật của con. Cái liều thuốc tinh thần này hiệu nghiệm lắm.
|
Con tự làm cho mình bận rộn bằng cách đi chợ châu Á và gói bánh chưng, nhưng khi mọi sự bận rộn qua đi và phút giây lắng đọng lại chỉ càng làm nỗi nhớ quê nhà thêm phần da diết. Nguồn: Internet
|
Con cố làm cho mình bận rộn để lòng thôi không hướng về quê nhà nữa. Nhưng hình như càng dối lòng mình, khi những giây phút lắng lại, con càng cảm thấy cô độc nhiều hơn. Con đi chợ châu Á mua gạo nếp cái hoa vàng, mua đỗ, mua lá dong về tự gói bánh chưng. Con làm cho mình tất tả bận bịu, ra dáng một bà mẹ đảm. Con hỏi cô bán hàng cũng là người gốc Việt "cô ơi một kg gạo nếp có gói được một chiếc bánh chưng không? Một kg lá dong có khoảng bao nhiêu lá, gói được bao nhiêu chiếc?".
Con tồ tệch ngay cả trong những công việc đơn thuần quen thuộc nhất của người phụ nữ. Vì một lẽ đơn giản, ngày xưa khi còn thiếu nữ, con chưa bao giờ thực sự xắn tay vào làm đúng nghĩa. Để giờ đây, bơ vơ giữa trời Tây, con vất vả tự bơi.
Vì lệch lịch mặt trăng, mặt trời mà trong cuộc sống vợ chồng, nhiều khi vợ Việt chồng Tây cũng "lệch" như mặt trời, mặt trăng mẹ ơi. Con gói chiếc bánh chưng nóng hổi ra mà chồng con dửng dưng. Người phương Tây không có văn hóa ăn đồ nếp. Anh chỉ mỉm cười nhã nhặn và nói cảm ơn. Con ăn một mình đau tức.
Vì xuất phát điểm cũng lệch nhau như lịch đón tết, mà con chưng mắm tôm thơm phức chồng con lại nói "mùi chuộc chết". Nếu con kết hôn với một người đàn ông đồng chủng, có lẽ đã khác đi nhiều. Sự đồng điệu trong ăn uống giờ con thèm khát hơn bao giờ hết. "Râu tôm nấu với ruột bầu - chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Giờ đây con mới cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của câu ca dao đó.
Xuất phát điểm khác biệt, ngôn ngữ cũng khác biệt nên chúng con chẳng thể đi đến tận cùng của sự đồng điệu mẹ à. Nếu đọc hai câu thơ trong "truyện Kiều" của Nguyễn Du "cỏ non xanh rợn chân trời - cành lê trắng điểm một vài bông hoa", dù con có là bậc thầy của ngôn ngữ cũng chẳng thế cắt nghĩa cho chồng tây hiểu từ "xanh rợn" là gì mẹ ơi. Nó không hề có trong tự điển tiếng Đức.
Khi điền vào lá đơn "xin thôi quốc tịch Việt Nam" dù với tâm thế tự nguyện nhưng con không tránh khỏi bùi ngùi mẹ à. Có phải con đang tự chối bỏ gốc gác của mình không hả mẹ? Tấm hộ chiếu màu bóc đô có ma lực gì mà khiến người ta nỗ lực vất vả để có thể chạm tay vào nó? Rốt cuộc con chấp nhận cảnh làm dâu xa quê nhà hơn mười ngàn cây số, chỉ là để có trong tay một tấm hộ chiếu trời Tây?
Giờ người ta sẽ nhắc đến con với danh xưng đầy trân trọng "người Đức gốc Việt". Con không cảm thấy hãnh diện mà chỉ biết cười mếu mó, đôi chút tự trào. Con nói vui với họ "tôi là người Đức nhưng cái cội rễ của tôi vẫn là Việt. Trong nhà tôi bao giờ cũng có lọ mắm tôm và chai nước mắm."
Nhưng con phải học cách tự yêu lấy gia đình mình thôi mẹ ạ, coi như yêu sự lựa chọn và yêu cách nghĩ, cách sống của mình ở một thời điểm trong cuộc đời. Con biết con chưa giúp mẹ được nhiều, nhưng cố gắng sống trọn vẹn cuộc đời của con và làm mẹ yên lòng cũng là cách con đang giúp mẹ nhiều nhất.
Mai Ngần
(từ Đức)