Hàng Mỹ giả xuất xứ Việt Nam xuất sang Trung Quốc

27/11/2019 - 15:53

PNO - Ngoài các vụ việc phát hiện hàng Trung Quốc, Đài Loan giả xuất xứ Việt Nam để xuất qua Mỹ, mới đây, cơ quan chức năng phát hiện cả hàng Mỹ cũng giả xuất xứ Việt Nam để xuất sang Trung Quốc.

Ông Trần Văn Dũng – Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết như trên tại Diễn đàn “Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng” do Cục Sở hữu trí tuệ và công ty Vina CHG tổ chức tại TP.HCM ngày 27/11.

Theo ông Dũng, hàng giả hầu như có mặt ở tất cả các ngành hàng, có hàng thật là có hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Một trong những tình trạng mới xuất hiện trong thời gian gần đây là hàng giả xuất xứ, không chỉ hàng trong nước giả xuất xứ Việt Nam mà có cả hàng nước ngoài giả xuất xứ Việt Nam.

Ngoài ra, trong thương mại quốc tế hiện nay xuất hiện hàng giả xuất xứ, đặc biệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay, hàng xuất trực tiếp qua Mỹ hay Trung Quốc bị đánh thuế cao nên giả xuất xứ để xuất hàng sang nước thứ ba để hưởng thuế suất ưu đãi và nhiều nước làm giả xuất xứ Việt Nam.

Hang My gia xuat xu Viet Nam xuat sang Trung Quoc
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến lo ngại vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) cho biết, sản phẩm của họ cũng đang bị làm giả tràn lan nhưng không thể dẹp được “gốc” bởi chế tài xử phạt đối tượng vi phạm còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn, bức xúc cho rằng, mức phạt 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả là quá nhẹ, chế tài chưa đủ liều nên các đối tượng nộp phạt rồi vi phạm tiếp. Cần phối hợp từ trung ương tới địa phương chặt chẽ và phải công khai tên các đơn vị làm hàng giả.

"Vô lý là cơ sở sản xuất hàng giả công khai, hoạt động ngày đêm, có khuôn mẫu, công cụ làm hàng giả… nhưng cơ quan quản lý địa bàn lại không hay biết, kiểm tra, xử lý”, ông Tý nói.

Ông Lý Thành Công – Trưởng phòng kỹ thuật công ty BiTex (phân phối máy tính Casio) phản ánh, dù công ty đã làm đủ mọi cách để bảo vệ thương hiệu của mình, từ quét mã vạch, quét lazer, dán tem chống giả… nhưng sản phẩm vẫn bị làm nhái, giả thành máy tính Casid.

“Họ đổi chữ “O” thành chữ “D” và thậm chí làm giả luôn hiệu Casio, chỉ khi chiếu đền laser vào logo sản phẩm hiện lên chữ “OK” thì mới đúng là hàng thật và tại các cửa hàng, đại lý chính hãng đều trang bị sẵn đèn laser để người tiêu dùng tiện kiểm tra sản phẩm”, “Máy tính bỏ túi Casio dành cho học sinh là sản phẩm bị làm giả nhiều nhất. Chúng tôi yêu cầu các nhà sách khi bán sản phẩm cho khách hàng phải chiếu đèn lazer để nhận diện hàng thật  - giả. Bên cạnh đó, khách hàng mua sản phẩm cũng cần quan tâm đến bao bì, bởi đã từng có trường hợp trên bao bì ghi là CASID, nhưng chúng ta cứ tưởng nhầm là mua hàng của CASIO”, ông Công khuyến cáo.

Hang My gia xuat xu Viet Nam xuat sang Trung Quoc
Dù áp dụng nhiều công nghệ chống giả nhưng máy tính Casio vẫn bị làm giả

Một trong những lý do dẫn tới tình trạng hàng gian, giả vẫn tràn lan, theo ông Nguyễn Thành Danh – Phó Trưởng Ban 389 Bình Dương, là do sự phối hợp giữa nhà nước, nhà sản xuất và người tiêu dùng chưa chặt chẽ. Khi phát hiện hàng giả, cơ quan chức năng yêu cầu chủ sở hữu xác nhận để có cơ sở xử lý vi phạm nhưng nhiều đơn vị chủ sở hữu không sẵn sàng hợp tác.

Thực tế, không ít DN ngại công bố cách phân biệt hàng thật, hàng giả vì sợ các đối tượng biết sẽ làm giả sản phẩm. Như vừa rồi bột ngọt Ajimoto bị làm giả nhiều nhưng cơ quan chức năng yêu cầu DN tuyên truyền cách nhận biết hàng giả thì DN không cung cấp thông tin. Ông Danh cho rằng suy nghĩ này là sai, trong quyền của người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin và DN phải có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác đến người tiêu dùng.

Ngoài phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành từ trung ương tới địa phương và phối hợp giữa “ba nhà” (nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng) thì một trong các giải pháp phòng, chống hàng giả cần được thực thi mà các đại biểu đề cập đến là phải đồng bộ các văn bản pháp luật trong các quy định xử phạt các vi phạm hàng nhái, giả.

“Trong nhiều trường hợp phát hiện vi phạm nhưng khó xử lý vì văn bản pháp luật không rõ ràng, cùng một bản chất sự việc nhưng có tới 3 – 4 văn bản pháp luật quy định khác nhau. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng luật không được điều chỉnh, cơ quan thực thi cũng bó tay”, ông Danh nêu thực trạng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI