Hàng may mặc giá rẻ tràn lan, người mua mù mờ chuyện hợp quy

20/05/2018 - 15:32

PNO - Các cơ sở sản xuất thì phải đau đầu chạy đua với hàng Trung Quốc về thiết kế, giá thành; còn người tiêu dùng thì chuộng mẫu mã, giá cả rồi mới đến chất lượng, không quan tâm sản phẩm có dấu hợp quy hay không.

Thông tư 21 của Bộ Công Thương quy định, sản phẩm dệt may đưa ra thị trường phải được chứng nhận hợp quy đạt quy chuẩn về Formaldyhyde, amin thơm và cấp dấu hợp quy (CR). Theo đó, hàm lượng Formaldyhyde không vượt quá 30 mg/kg đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi và 75 mg/kg đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da

Đối với hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30 mg/kg. Nhiều doanh nghiệp lo ngại: hàng chất lượng, doanh nghiệp uy tín luôn chấp hành nghiêm quy định; trong khi hàng Trung Quốc không chất lượng tràn ngập thị trường, không tuân thủ quy định lại bị thả nổi, tạo sự cạnh tranh không công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tiểu thương không biết, người dùng không quan tâm

Quận Tân Bình, TP.HCM được xem là làng nghề may gia công truyền thống cung cấp sản phẩm cho chợ Tân Bình – nơi cung ứng lượng lớn sản phẩm may mặc cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Hang may mac gia re tran lan, nguoi mua mu mo chuyen hop quy
Hàng may mặc Trung Quốc giá rẻ, tràn lan nhưng hiện lại đang bị thả nổi.

Không chỉ các chủ cơ sở sản xuất hàng may mặc trung cấp mà cả những chủ cơ sở may hàng cao cấp tại chợ An Đông (Q.5) cũng không biết gì về quy định trên.

Chị Thái Trang – chủ cơ sở sản xuất và là chủ sạp Thái Vân cho biết, không nghe ai nói gì đến việc phải đem sản phẩm kiểm định, dán dấu CR. Song, do cơ sở nhập khẩu nguyên liệu chính ngạch, có hóa đơn chứng từ nên việc đem sản phẩm kiểm nghiệm không khó.

Nhưng theo chị Trang, các cơ sở sản xuất hàng Việt Nam đang phải đau đầu chạy đua với hàng Trung Quốc về mẫu mã thiết kế, giá thành sản phẩm.

Bởi, phần lớn người tiêu dùng hiện nay đều chuộng mẫu mã, giá thành rồi mới đến chất lượng, họ không quan tâm sản phẩm có dấu CR hay không. Ngay cả giới văn phòng - là đối tượng có thu nhập ổn định cũng quan tâm đến mẫu mã trước tiên.

Sản phẩm may mặc tại đây có giá khá rẻ do các cơ sở tư nhân tự mua nguyên phụ liệu về gia công, sản xuất. Giá bán cao nhất của áo thun, sơ mi chỉ khoảng 30.000 – 40.000đ/cái; quần tây, jean, kaki khoảng 70.000 – 80.000đ/cái.

Theo quy định, những chủ cơ sở này sẽ là người đem sản phẩm kiểm nghiệm, dán dấu CR. Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn không biết gì về hàm lượng formaldehyt hay amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo.

Chủ cơ sở gia công thương hiệu may mặc Bảo Vinh (Q.Tân Bình) thừa nhận không biết hàm lượng các chất mà Bộ công thương quy định là gì, cũng không biết đến việc sản phẩm ra thị trường phải đem kiểm nghiệm, dán dấu CR.

Toàn bộ nguyên liệu để cơ sở may gia công đều lấy từ chợ Tân Bình và có nguồn gốc từ Trung Quốc nên giá rất rẻ. Do không phải là đơn vị đứng ra nhập khẩu trực tiếp, sản phẩm mua về không có hóa đơn, chứng từ nên không rõ nguyên liệu này có thuộc hàng nhập lậu hay không. 

Hang may mac gia re tran lan, nguoi mua mu mo chuyen hop quy
Đối với phân khúc tầm trung tiêu dùng hiện chỉ quan tâm mẫu mã, giá cả hơn là chất lượng.

Nếu chẳng may nguyên liệu mà cơ sở lấy về là hàng nhập lậu, vậy cơ sở phải tìm nguyên liệu thay thế ở đâu? Còn nếu mua nguyên liệu giá thành cao để sản phẩm đạt chuẩn hợp quy thì chắc chắn sản phẩm làm ra không bán ra được tại chợ Tân Bình. Nếu như vậy hàng ngàn hộ gia đình may gia công tại đây sẽ chọn phương án không đem sản phẩm kiểm nghiệm hoặc sẽ đối phó cho có. 

“Chợ chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Campuchia và bán cho những người có thu nhập thấp, nếu sản phẩm làm ra tăng giá chắc chắn sẽ mất đối tác làm ăn ngay. Khách đến chợ chỉ cần sản phẩm giá rẻ là được, họ không chú trọng đến chất lượng” – chủ cơ sở này nói.

Quả thật, phỏng vấn 10 khách hàng tại các chợ thì hết 10 người cho biết: không biết formaldehyt hay amin thơm là gì, chúng có tác hại ra sao. Có 7 khách hàng thường mua hàng may mặc phân khúc trung bình cho biết, họ quan trọng về mẫu mã, giá thành hơn bởi như vậy mới chạy đua kịp xu hướng thời trang. 3 khách còn lại cho rằng thường mua quần áo tại siêu thị, có thương hiệu uy tín vì chất lượng vải đẹp hơn hàng chợ; giá thành cao thì sẽ an toàn và không rõ những chất gây hại sức khỏe là chất gì.

Doanh nghiệp cho rằng “vừa cởi đã trói”

Các doanh nghiệp dệt may cho rằng, họ chính là đối tượng chấp hành đúng theo quy định về việc đem sản phẩm kiểm nghiệm, dán dấu CR. Họ đều là những doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, đồng nghĩa sản phẩm phải đạt chuẩn mới được thông quan.

Trong khi đó, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đa phần sử dụng nguyên liệu nhập lậu lại rất thờ ơ với quy định nhưng lại đang được thả nổi.

Ông Lý Thành Sinh – Tổng giám đốc Cty CP may thêu Minh Long Hưng (Q.9) cho rằng: Bộ Công Thương đã “cởi” bằng cách cho DN tự công bố sản phẩm bởi vì theo thống kê của Cục hải quan, phần lớn sản phẩm phẩm, nguyên liệu ngành dệt may khi nhập khẩu đều đạt chuẩn chất lượng so với các ngành hàng khác. Nhưng bây giờ lại buộc dán tem chứng nhận lên từng sản phẩm thì chẳng khác gì “vừa cởi đã trói”.

Hang may mac gia re tran lan, nguoi mua mu mo chuyen hop quy
Các doanh nghiệp cho rằng cần quản lý hàng may mặc Trung Quốc nghiêm hơn để tạo sự cạnh tranh công bằng.

Doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch, có giấy tờ hẳn hoi, thông tin trên sản phẩm rõ ràng (địa chỉ cơ sở sản xuất, thành phần, cách hướng dẫn sử dụng)… thì chứng tỏ sản phẩm đã đủ đạt chuẩn. Đành rằng, dấu CR sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý được sản phẩm không đạt chất lượng, nhưng sẽ quản tới đâu khi thị trường hàng may mặc tràn lan sản phẩm Trung Quốc, đang bị thả nổi?

Chị Nguyễn Thị Thu Dung – Giám đốc công ty may mặc Dung Nam (thương hiệu thời trang Dung Nam và LMT 1985) cho biết, do sản phẩm công ty cung cấp cho các hệ thống siêu thị lớn như Lotte Mart, Co.op Mart, Aeon Mall…, một nơi đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên việc đem sản phẩm kiểm nghiệm, dán dấu CR đối với công ty không hề khó khăn.

Nhưng riêng các tiêu thương bán sản phẩm may mặc từ Trung Quốc hoặc lấy từ các cơ sở gia công nhỏ lẻ sẽ rất khó tuân thủ theo quy định hoặc có tuân thủ thì phần lớn sản phẩm của họ sẽ không đạt.

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt trong việc hướng dẫn, theo dõi, quản lý doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ, tiểu thương chấp hành quy định.

Thực tế chứng minh là kể từ lúc có Thông tư đến nay, không hề thấy đơn vị nào đứng ra phổ biến và hiện có hơn 90% tiểu thương ở các chợ vẫn chưa biết quy định này.

TS Huỳnh Khánh Duy – Khoa kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa TP.HCM:

Trong quá trình tạo ra sợi, chỉ, vải… nhà sản xuất sẽ sử dụng thuốc nhuộm. Hiện có nhiều loại với cách nhuộm và quy trình nhuộm khác nhau, tùy thuộc vào nguồn gốc và tính chất của mỗi loại sợi, thí dụ: thuốc nhuộm họ azo, họ antraquinone, họ arylamine, formaldehyt.... Tùy theo loại thuốc nhuộm được sử dụng cho sản phẩm sợi mà nguy cơ cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ, với thuốc nhuộm họ azo, do có chứa liên kết azo không bền mà thuốc nhuộm này dễ bị biến đổi để hình thành các hợp chất amine thơm. Hiện nay, tất cả các thuốc nhuộm azo có khả năng sinh ra một trong 24 chất amine thơm nằm trong danh sách cấm đều bị cấm sử dụng vì các amine thơm này khi đi vào cơ thể (thông qua da, cắn ngậm…) có thể gây ra nguy cơ ung thư.

Dù được kiểm soát ở rất nhiều nước trên thế giới (Việt Nam, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, …) nhưng việc sử dụng các thuốc nhuộm azo có khả năng sinh ra các amine thơm độc hại thường khá phổ biến do các màu azo này rẻ, dễ điều chế, dễ nhuộm và có màu tươi, đẹp.

Chính vì vậy, có thể nói rằng, nguyên liệu may mặc càng rẻ thì nguy cơ được nhuộm với màu azo càng cao và dĩ nhiên nguy cơ với sức khỏe người sử dụng và cả người gia công sản phẩm càng lớn.

Riêng Formaldyhyde là hợp chất hữu cơ có rất nhiều tên gọi khác nhau như formol, methyl aldehyde, methylene oxide, metanal. Đây là một chất cực độc, được dùng để ướp xác chết, giữ thi hài.

Do là chất hữu cơ nên dễ bay hơi và có khả năng chuyển sang thể khí ở điều kiện bình thường, không màu, mùi cay xốc, khó ngửi, tan nhiều trong nước (nếu dung dịch này có khoảng 40% theo thể tích hoặc 37% theo khối lượng gọi là formon hay formalin).

Formaldehyde tồn tại trong vải do được sử dụng trong công đoạn in nhuộm và hoàn tất nhằm giữ màu và tạo liên kết ngang để chống nhăn, chống nấm mốc. Mặc dù hiện nay có rất nhiều công nghệ và hóa chất khác để thay thế formaldehyde, nhưng formaldehyde vẫn được sử dụng trong công nghiệp dệt vì giá thành rẻ.

Sự nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy, gây hàng loạt các triệu chứng như gây cay niêm mạc mắt, đỏ mắt, kích thích đường hô hấp trên gây chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổ; gây viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, nổi mề đay; làm chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng...

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI