Phải truyền dịch "tấn công" liên tục
Ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Quận Tân Phú gọi đến: "Nhiều trẻ em nghi ngộ độc bánh mì chà bông bị nôn ói, đau đầu, mệt lả, tiêu chảy nhiều… sẽ chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhờ cứu chữa", ngay lập tức BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định có khả năng đây là vụ ngộ độc tập thể.
Dù ngày cuối tuần, nhiều bác sĩ ra ca trực nhưng BS Phương yêu cầu các bác sĩ đến bệnh viện ngay lập tức và báo lên ban giám đốc bệnh viện nhờ viện trợ thêm bác sĩ từ các khoa khác.
|
Hiện sức khỏe 11 trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng đã ổn định |
“Không vào bệnh viện sớm, nếu trở tay không kịp sẽ có lỗi với các bé. Ngay cả ban giám đốc bệnh viện cũng có mặt để chỉ đạo cấp cứu”, BS Phương nói.
Và bắt đầu từ 14g ngày 28/10 đến tối, 11 bệnh nhi (từ 5 - 9 tuổi) lần lượt được xe cấp cứu chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong đó có 5 ca nặng được điều trị ngay tại khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức cấp cứu, 6 ca nhẹ hơn chuyển qua khoa Tiêu hóa.
Tại khoa Cấp cứu, các bé liên tục nôn ói, tiêu chảy nhiều, có dấu hiệu trụy mạch, sốc, mất nước. Trước tình trạng này, bác sĩ cấp cứu phải truyền dịch theo liệu pháp "tấn công" liên tục để khống chế bệnh. Đồng thời lấy mẫu dịch ói, phân của bệnh nhi làm xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Sáng 29/10, BS Phương thở phào khi 11 bệnh nhi có dấu hiệu hồi phục. "Thành công này một phần nhờ các bác sĩ Bệnh viện Quận Tân Phú chủ động phối hợp rất tốt. Dự kiến, 1-2 ngày tới, các bé sẽ xuất viện", BS Phương cho hay.
Tuy đây là trường hợp trẻ nhập viện tập thể tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 tính từ đầu năm đến nay, nhưng BS Phương khuyến cáo, hiện tại TP.HCM đang vào mùa nóng, bất kỳ thức ăn nào cũng phải được sử dụng ngay hoặc bảo quản ở nhiệt độ từ 4-6 độ C. Nguyên liệu chế biến thức ăn phải rõ ràng nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh trong khi chế biến, sử dụng ngay, tránh để qua đêm.
Trong bánh mì chà bông có gì?
Hầu hết cha mẹ của 11 bệnh nhi đến chăm con tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết các em ăn bánh mì chà bông xong khoảng hơn một giờ đồng hồ thì liên tục nôn ói, thở mệt, tiêu chảy. Đây là loại bánh mì ngọt, bên trong có chà bông và trứng cút.
Các phụ huynh khẳng định, các em thường được ăn sáng tại nhà thờ khi đến đây học giáo lý. Mỗi tuần các em học vào ngày chủ nhật và được phát một phần ăn sáng. Tuy nhiên, lần vừa rồi, các em để đến trưa mới lấy ra ăn.
Theo các bác sĩ, nếu để bánh mì lâu mới ăn, nhất là trong túi nylông kín dễ hình thành vi khuẩn gây ngộ độc.
|
Chị Bạch vừa chăm con trai út, vừa lo cho con trai lớn đang nằm ở Bệnh viện Quận Tân Phú |
Chăm con trai Nguyễn Khương (5 tuổi) tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị Nguyễn Hồng Thanh Bạch (33 tuổi, ở Tân Phú) còn lo cho bé Nguyễn Khang (8 tuổi, anh trai bé Khương) đang điều trị tại Bệnh viện Quận Tân Phú. Cả hai con trai chị đều có cùng triệu chứng về tiêu hóa sau khi ăn bánh mì khoảng 2 tiếng.
Chị Khương bật mí: "Bé Khang đi học tại nhà thờ được phát bánh mì để ăn sáng nhưng không ăn. Đến trưa, cháu mang về nhà ăn. Trong lúc ăn, Khang chia 2 trứng cút cho em Khương, còn mình ăn bánh mì với chà bông. Ăn xong, Khương bất ngờ nôn ói dữ dội nên tôi đưa cháu đi khám. Vừa đến bệnh viện thì ở nhà gọi điện nói Khang bị mệt, khó thở, tiêu chảy cũng phải vào viện.
Hiện Khương hết tiêu chảy, nôn ói nhưng đang bị sốt, còn Khang được người chú chăm tại Bệnh viện Quận Tân Phú, cháu cũng ổn rồi", chị Thanh Bạch nói.
|
Anh Huấn cho rằng đây chỉ là sự việc ngoài ý muốn, những người có trách nhiệm tại nhà thờ đã đến thăm và xin lỗi gia đình. |
Anh Nguyễn Văn Huấn (36 tuổi) ba của bé Nguyễn Thị Thanh Trà (7 tuổi) cũng khẳng định: "Khoảng 10g con tôi ăn bánh mì, đến 11g30 thì bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ cháu bệnh thông thường nhưng sau đó, cháu đã lịm đi. Ngoài ăn bánh mì, con tôi chỉ uống nước lọc chứ không ăn gì thêm".
Để xác định chính xác nguyên nhân khiến hàng loạt trẻ nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm; sáng nay, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với các quận huyện kiểm tra cơ sở sản xuất bánh mì Đồng Tiến (Quận Tân Phú). Đây là cơ sở được cho là cung cấp bánh mì cho nhóm trẻ nghi bị ngộ độc nói trên.
Liên quan đến sự việc này, Phó Giáo sư Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết, đoàn liên ngành quận phối hợp với Đội Quản lý An toàn thực phẩm đã tiến hành thanh tra cơ sở sản xuất bánh mì chà bông gà Đồng Tiến tại quận Tân Phú. Đoàn kiểm tra cũng đã gửi mẫu xét nghiệm và điều tra dịch tễ để xác định nguyên nhân.
Nhận định ban đầu là do món chà bông gà nhiễm khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) nên bệnh nhi có các biểu hiện cấp tính nhanh và mạnh. Món chà bông có thể nhiễm khuẩn do chất lượng nguyên liệu, quy trình làm và điều kiện, thời gian bảo quản… chưa đảm bảo.
Ngoài ra, cơ sở này vừa hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy cơ sở Đồng Tiến đã làm thủ tục gia hạn nhưng thẩm định chưa đạt vì mắc các lỗi vệ sinh, mặt bằng nhà xưởng... Chủ cơ sở chưa khắc phục theo thẩm định mà vẫn tiếp tục hoạt động.
Theo đoàn thanh tra, Công ty Đồng Tiến tự sản xuất bánh mì còn chà bông gà được mua tại hộ kinh doanh Hà Trang về chế biến thành sản phẩm bánh mì chà bông. Cơ sở Đồng Tiến chế biến bánh mì lúc 4g chiều 27/10. Đến 7g sáng 28/10, cơ sở này cung cấp cho nhà thờ giáo xứ Tân Thái Sơn 300 phần. Đến 7g30, nhà thờ phát cho các cháu tham gia chương trình Hội thánh. Khoảng giờ trưa, các cháu ăn và có biểu hiện buồn nôn.
Bên cạnh đó, Đội 4 đang kiểm tra cơ sở sản xuất khô gà Hà Trang tai huyện Củ Chi, TP.HCM. Đội kiểm tra nguồn gốc thịt gà nguyên liệu và gửi mẫu kiểm nghiệm, đồng thời lấy danh sách các nơi tiêu thụ sản phẩm để kịp thời xử lý.
|
BS Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, tùy theo loại thức ăn, sau khi ăn khoảng 1 - 2 giờ, nếu có dấu hiêu nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu… phải cho trẻ uống bù nước và đưa ngay đến cơ sở y tế để được kiểm tra, cấp cứu. Trong vòng 24 tiếng sau ăn, nếu một người có biểu hiện trên, cũng phải nghi ngờ ngay đến nhiễm khuẩn, nhiễm độc đường tiêu hóa.
|
Phạm An