Hàng loạt trẻ bị nhiễm sán: Khi sự tắc trách đầy rẫy trong nhà trường

17/03/2019 - 12:11

PNO - Lại một lần nữa công an phải vào trường học điều tra. Lần này là vào trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi có nghi án tuồn thịt heo nhiễm sán vào bữa ăn của trẻ.

Mấy ngày nay phụ huynh chúng tôi nhấp nhổm, bất an. Mở điện thoại là liên tiếp thông tin trẻ em Bắc Ninh được cha mẹ bồng bế, lếch thếch kéo nhau về Hà Nội xét nghiệm giun sán. Cầu mong thông tin không đúng, mong không có chuyện gì hẳn là tâm lý của nhiều người, nhưng rồi kết quả đã vỗ vào mặt cộng đồng: số các ca dương tính với sán dây mỗi lúc một tăng. Tới thời điểm sáng 17/3, đã có 100 bé có kết quả nhiễm sán sau khi xét nghiệm.

Hang loat tre bi nhiem san: Khi su tac trach day ray trong nha truong
Cha mẹ bồng bế đưa con từ Bắc Ninh về Hà Nội xét nghiệm giun sán

Trẻ em Bắc Ninh lũ lượt kéo về Hà Nội xét nghiệm máu tìm dấu hiệu nhiễm sán là chuyện chưa từng có, gây lãng phí cho gia đình và xã hội. Dù nhiễm sán có thể từ nhiều nguồn như: thức ăn tại gia đình nấu không kỹ, trẻ lê la vùng đất có nhiễm sán... Nhưng sự bất an lan nhanh không phải vô cớ.

Nhìn hình ảnh người mẹ trẻ thẫn thờ trên băng ghế bệnh viện sau khi biết đứa con nhiễm sán, ai không xót xa! Đã làm cha làm mẹ thì phải làm điều tốt nhất cho con, chị đã đưa con vào học ở ngôi trường khang trang, phòng học đẹp đẽ, cho tới khi phát hiện ra, tất cả chỉ là sự giả dối.

Cuối tháng 2, phụ huynh vào tận nhà bếp trường Thanh Khương, phát hiện các con phải nuốt những bữa ăn kinh khủng như thịt gà mủn, thịt heo ươn, nổi nhiều đốm trắng như hạt gạo, nghi do sán làm tổ. Đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường Thanh Khương là Công ty Thành Hương (địa chỉ tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng có hợp đồng cung cấp cho 18 trường mầm non khác trong huyện, rồi sẽ phải điều trần trước cơ quan chức năng.

Cuối năm 2018, có 300 học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) phải nhập viện do ăn phải ruốc gà nhiễm độc tố tụ cầu vàng. 223 trẻ trường Mầm non Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) nhập viện sau bữa ăn liên hoan chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Và có ai còn nhớ bao gạo mốc xanh, cùng nồi thức ăn toàn vụn đầu cá ở một trường mầm non ở Bà Rịa - Vũng Tàu?

Một điều đáng nói là bữa ăn nghi vấn đã lùi xa cả tháng, nếu trường không lưu mẫu thức ăn các bữa (đa số các trường bỏ qua, không làm việc này) hoặc đổi tráo các mẫu lưu, thì vụ việc sẽ rơi vào ngõ cụt.

Chúng ta có thể từng nghe nhiều về tiêu cực trong đấu thầu xây dựng hay thiết bị trường học, nhưng trong thị trường cung cấp thực phẩm nguyên liệu và cung cấp suất ăn công nghiệp cho các trường, thì vẫn còn bí hiểm. Đây rõ ràng là miếng mồi béo bở, bởi đối tượng sự dụng thực phẩm là những đứa trẻ không biết gì, không khả năng phản kháng thứ chúng phải ăn vào.

Liệu có hay không sự "ăn dày" phần trăm thối lại của nhà cung cấp cho hiệu trưởng? Có hay không sự cấu kết kiểu quan hệ để Thành Hương trúng hợp đồng? Người đứng đầu nhà trường vì sao tảng lờ sức khỏe của hàng trăm trẻ và khăng khăng bảo vệ nhà cung cấp chứ không nhanh chóng tiến hành xét nghiệm miếng thịt nghi vấn?

Tôi biết khu nhà bếp các trường mầm non, trường tiểu học như những pháo đài bất khả xâm phạm. Theo quy định, trường mầm non nào cũng dán thực đơn nơi dễ thấy cho phụ huynh xem. Nhưng nếu mẹ nào quan tâm hỏi con ăn gì để nấu món khác cho đa dạng thực phẩm, sẽ thấy bé trả lời khác hẳn so với thực đơn.

Hang loat tre bi nhiem san: Khi su tac trach day ray trong nha truong
Nhìn hình ảnh người mẹ trẻ thẫn thờ trên băng ghế bệnh viện sau khi biết đứa con nhiễm sán, ai không xót xa

"Thực đơn có thể thay đổi so với thực tế", hóa ra, dòng chữ nhà trường thòng bên dưới tờ thực đơn thật linh nghiệm. Nó khiến nhà bếp thản nhiên đổi loại thực phẩm đắt sang thực phẩm rẻ, đổi cá thịt rau vùng cùng tên nhưng chất lượng loại 1 sang loại 2, 3... Vậy sao, hội cha mẹ học sinh không giám sát bếp ăn nhà trường?

Nhiều năm đi họp phụ huynh, chúng tôi đã đấu tranh cho điều này và kết quả thật tệ. Trường luôn phản hồi: Hội cha mẹ có thể vào nhà bếp, nhưng để tránh sự lộn xộn, chỉ được cử đại diện và báo trước ngày cho nhà trường, không chấp nhận phụ huynh xuất hiện đường đột. Nếu phụ huynh tự ý vào, nhà trường sẽ cho bảo vệ mời ra.

Thật nực cười, nếu báo trước thì sẽ có sự đối phó, sao còn gọi là giám sát. Chưa kể, nếu chỉ cử đại diện, thì lại rơi vào câu chuyện mà ai cũng rành: hội cha mẹ và ban giám hiệu có khi chỉ là một "phe".

Sau nhiều năm vì lý do chuyển nhà, chuyển nơi làm việc, tôi đưa hai con đi khá nhiều trường mầm non, từ công tới tư, và luôn phải gửi con ở nhóm trẻ ba tháng hè. Tôi nhận thấy: chỉ có trường tư với học phí cao là cho cha mẹ vào tham quan bếp nấu và giới thiệu thực đơn. Các trường công "sang chảnh", trường tư học phí rẻ và các lớp trẻ, nhóm trẻ không chỉ giấu nhà bếp như giấu bảo vật, mà cũng đố cha mẹ nào nhìn thấy tô thức ăn trong phòng học con mình.

Nếu lúc đón bé có hỏi giáo viên "Nay cháu ăn gì" cũng sẽ nhận được câu trả lời qua quýt, tỏ rõ sự khó chịu. Chúng tôi thường được đón trả con trẻ ở cổng, hoặc cửa lớp. Giờ trẻ ăn là giờ cổng đóng then cài, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Trong vụ việc ở Thuận Thành, Bắc Ninh, tôi thực lòng cảm ơn những phụ huynh đã bền bỉ, quyết liệt trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn trong nhà trường. Bởi sán dây không phải là bệnh quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm, nhưng để nhiễm bệnh nặng, sán ăn hết dinh dưỡng khiến cơ thể suy kiệt.

Các bệnh viện từng ghi nhận trường hợp sán chui vào mắt, gây mờ mắt, chui vào tim, vào não... khiến nạn nhân nguy hiểm tính mạng.

Đáng lẽ một tháng trước, ngay khi phụ huynh phát hiện miếng thịt bất thường, Trường Mầm non Thanh Khương phải buộc đơn vị cung cấp thực phẩm mang mẫu thịt đi giám định, chứ không phải để ngờ vực và bức xúc dai dẳng dẫn tới cuộc di chuyển khổng lồ và tốn kém của một ngàn phụ huynh Bắc Ninh hôm nay.

Chúng tôi hoang mang quá, trường học không còn là nơi an toàn và đáng tin nữa, biết đưa con đi đâu bây giờ?

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI