Hàng loạt tỉnh thành miền Tây sẵn sàng đón công dân về quê tránh dịch

29/07/2021 - 16:58

PNO - Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ đã có kế hoạch đưa người từ TPHCM, Bình Dương về quê phòng chống dịch.

Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho người dân Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TPHCM, tỉnh Bình Dương có nhu cầu trở về địa phương để phòng ngừa dịch bệnh và giảm bớt áp lực cho TPHCM, tỉnh Bình Dương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi UBND TPHCM và tỉnh Bình Dương về chủ trương nêu trên.

UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị từng ngành của tỉnh có kế hoạch chặt chẽ để đón người dân về địa phương như xây dựng kịch bản, phương án để sẵn sàng về nguồn lực, năng lực để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị ca nhiễm COVID-19 (nếu xảy ra) khi đón công dân về.

Hành trình về quê của những người con xa xứ mưu sinh đầy ắp những gian nan, nỗi niềm...
Hành trình về quê của những người con xa xứ mưu sinh  

Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng, địa phương này hiện có tổng số 85 khu cách ly, trong đó có 74 cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh với khả năng tiếp nhận khoảng 7.234 công dân (hiện đang cách ly 2.592 công dân). Dự kiến, Sóc Trăng sẽ mở thêm 9 khu cách ly với công suất tiếp nhận 1.100 công dân.

UBND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản về việc đưa người dân Trà Vinh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM và tỉnh Bình Dương trở về địa phương.

Theo đó, người dân có nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM và tỉnh Bình Dương thật sự cần thiết có nguyện vọng trở về trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay (trừ những trường hợp F0 đang điều trị và người đang cách ly tập trung), các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động liên hệ, rà soát nhu cầu, số lượng cụ thể và tổng hợp, cung cấp cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh.

Người dân tại địa phương có người thân đang sinh sống, làm việc, học tập tại TPHCM và tỉnh Bình Dương thật sự cần thiết có nguyện vọng trở về liên hệ, đăng ký với Ban liên lạc đồng hương Trà Vinh cấp huyện tại TPHCM.

Tại Bến Tre, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh này cũng đã có thông tin về việc phối hợp với Ban liên lạc đồng hương tại TPHCM tổ chức đưa khoảng 2.500 công dân từ TPHCM về địa phương.

Yêu cầu đặt ra là công tác tổ chức không triển khai ồ ạt, làm ảnh hưởng chung công tác phòng chống dịch của TPHCM và Bến Tre.

Ban liên lạc đồng hương tỉnh Bến Tre tại TPHCM nắm danh sách, số lượng và địa chỉ cụ thể người dân của tỉnh đang sinh sống tại TPHCM, có số lượng cụ thể sẽ tổ chức thực hiện.

Hiện huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về trang thiết bị hậu cần, cơ sở vật chất tại các trường THPT (THPT Huỳnh Tấn Phát, THPT Lê Quý Đôn và THPT Lê Hoàng Chiếu), bố trí lực lượng sẵn sàng tiếp nhận công dân từ TPHCM về địa phương.

Cuối giờ chiều nay, 29/7, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đoàn Hoàng Hải - Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TPHCM cho biết, sáng mai, chuyến xe đầu tiên sẽ xuất bến từ Bến xe miền Tây để đưa bà con về quê, bao gồm công dân ngụ ở 3 địa phương: huyện Giồng Trôm, huyện Châu Thành và TP. Bến Tre, tổng cộng khoảng 300 người.

Trước khi được đưa về, người dân sẽ được ngành chức năng thực hiện xét nghiệm tại chỗ, thời gian mất khoảng 1 giờ đồng hồ.

Ngày kế tiếp, các chuyến xe cũng sẽ đưa bà con về các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Chợ Lách, khoảng trên 300 người nữa. Tương tự, vào ngày 31/7, trên 300 người dân hai huyện Ba Tri và Bình Đại sẽ được Ban tổ chức sắp xếp đưa về theo kế hoạch. Tổng cộng đợt này có khoảng trên 1.000 công dân được đưa về quê hương Đồng khởi.

"Hiện chúng tôi đang thông báo rộng rãi về kế hoạch đưa đón đợt 2 tương tự, dự kiến cũng khoảng trên 1.000 người. Rất mong bà con nhân dân sớm biết và liên hệ để được hỗ trợ kịp thời. Mỗi ngày, chỉ riêng một mình tôi đã tiếp nhận trên 300 cuộc gọi đến từ bà con", ông Hải chia sẻ.

Tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và TP. Cần Thơ cũng đã có công văn tương tự nhằm đón công dân về địa phương. TP. Cần Thơ xây dựng phương án, chuẩn bị công tác hậu cần, phòng chống dịch để đón khoảng 1.000 công dân về địa phương. 

Được biết, phần nhiều các địa phương tại miền Tây Nam bộ nêu trên, yêu cầu công dân về quê phải có giấy chứng nhận đã xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 3 ngày và có địa chỉ cụ thể trên địa bàn. Khi về địa phương, công dân phải thực hiện khai báo y tế, cam kết thực hiện cách ly 14 ngày (7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà). Trong quá trình cách ly được xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định vào ngày thứ nhất, thứ 7 và ngày thứ 14.

Đông Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI