Liên tục trong những ngày vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục đua nhau rớt giá, luân phiên chờ… giải cứu. Trong vòng một năm trở lại đây, hàng chục mặt hàng rớt giá thê thảm, có mặt hàng mức giảm lên đến 200%.
Phía sau nghĩa cử đẹp “giải cứu nông sản” là nỗi ám ảnh của người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, khi đến ngày thu hoạch lại đối diện với nỗi lo trắng tay, nợ nần. Những cuộc “giải cứu” cứ nối tiếp nhau, không biết bao giờ mới chấm dứt.
|
Khoai lang Vĩnh Long rớt giá, chỉ còn 800 đồng/kg không có người mua |
Tuột dốc không phanh
Những ngày gần đây, người dân trồng khoai lang xuất khẩu tại Vĩnh Long đang rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng khi khoai lang chỉ còn khoảng 800-1.000đ/kg. Trong khi, thời điểm tháng 10/2016, giá khoai lang 8.000-9.000đ/kg.
Từ đầu năm đến nay, số mặt hàng nông sản rớt giá ngày một tăng, không chỉ rơi vào mặt hàng nhỏ lẻ mà lan sang cả những mặt hàng chủ lực. Hồ tiêu vốn được ví là loại cây “đẻ” ra vàng trong suốt gần chục năm qua, nay giá cũng ở mức thấp khiến nhiều nông dân ngỡ ngàng. Giá hồ tiêu ngày 25/7 tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 77.000đ/kg, giảm một nửa trong vòng sáu tháng, và chỉ bằng 1/3 so với năm 2015 (220.000-230.000đ/kg).
Nhiều tháng qua, giá heo hơi khiến người nuôi choáng váng. Lúc “chạm đáy”, giá heo hơi chỉ còn 16.000-17.000đ/kg, bằng 1/3 so với lúc cao điểm (tháng 6-7/2014). Cách đây một tháng, giá heo hơi có dấu hiệu phục hồi (40.000-43.000đ/kg), nhưng chỉ trong vòng 1-2 tuần, lại đồng loạt giảm, hiện chỉ dao động ở mức 35.000-38.000đ/kg.
|
Nhiều tháng qua, giá heo hơi khiến người nuôi choáng váng. |
Ngành chăn nuôi heo vẫn đang cần “giải cứu” thì hàng trăm nhà vườn trồng đu đủ tại đồng bằng sông Cửu Long “gặp nạn” vì giá đu đủ từ mức bình quân 8.000đ/kg giảm xuống còn 500đ/kg. Cùng thời điểm, người nuôi vịt tại Nghệ An “khóc đứng khóc ngồi” vì giá vịt từ mức 38.000-45.000đ/kg giảm xuống còn chưa đầy 20.000đ/kg.
Trước khi có phong trào “giải cứu heo”, nhiều tổ chức tại TP.HCM và tỉnh thành hô hào người dân tham gia “giải cứu” chuối tại Đồng Nai. Hơn 10.000 tấn chuối tại tỉnh này đến thời kỳ thu hoạch không có thương lái đoái hoài. Giá chuối từ 15.000-17.000đ/kg rớt xuống còn 1.000-2.000đ/kg. Nhiều vườn chuối chín rục trên cây mà không bán được, phải cắt bỏ cho bò, dê…
Trái dưa hấu tại Quảng Ngãi vào vụ thu hoạch cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm nay cũng phải “cầu cứu” người tiêu dùng cả nước khi giá bán giảm xuống mức dưới 1.000đ/kg. Sau đó là bí đỏ Đăk Lăk chất đống đầy đường rao bán với giá 300-700đ/kg, trong khi một năm trước, mặt hàng này được thương lái thu mua với giá 6.000-9.000đ/kg.
Hụt hơi vì “đuổi” theo giá
Ông Nguyễn Văn Hùng, trú tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết, hơn hai năm trước giá cà phê liên tục trồi sụt, có lúc rớt xuống còn 25.000-27.000đ/kg, ông quyết định chuyển dần 3ha đất trồng cà phê sang trồng hồ tiêu. Thời điểm đó, giá hồ tiêu khoảng 200.000đ/kg.
Oái ăm thay, đến nay khi vườn hồ tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì giá chỉ 70.000đ/kg. “Lúc hồ tiêu được giá, tui nghĩ đơn giản nếu năng suất thấp cũng thu nhập gấp đôi cà phê, ai ngờ, lại tiếp tục lỗ nặng…”, ông Hùng than vãn.
Với những người nuôi heo, đợt khủng hoảng giá này khiến họ lâm cảnh nợ nần, thậm chí phá sản. Gọi điện thoại cho chúng tôi, ông Lý Văn Hương, người nuôi heo tại huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận mô tả: “Xung quanh nhà anh giờ toàn thấy chuồng trại trống trơn. Người may mắn thì còn giữ được sổ đỏ, người gắng gượng đợi giá lên thì đem thế chấp và giờ không còn biết trông vào đâu để có thể trả nợ…”.
Giá heo rớt liên tục từ mức 44.000-45.000đ/kg (giữa năm 2016) xuống còn 16.000-17.000đ (tháng 5/2017), rồi bất ngờ bật tăng lại lên mức tên 40.000đ. Những ngày gần đây, giá heo hơi lại bắt đầu giảm về mức 36.000-39.000đ/kg. Nhiều hộ vừa có ý định tái đàn lại “chùng tay” vì diễn biến khó lường của mặt hàng này.
“Cơn bão” rớt giá quét qua người chăn nuôi, trồng trọt không chỉ khiến họ xất bất xang bang mà còn kéo theo nhiều “bạn hàng”. Anh Nguyễn Sỹ Lợi, chủ thầu xây dựng tại Đồng Nai chia sẻ, nhiều công trình anh xây dựng cho khách hàng tại một số huyện như Thống Nhất, Định Quán… hoàn thiện từ trước tết Nguyên đán, đến nay vẫn không thể thu được tiền vì khách hàng của anh hầu hết là chủ trại nuôi heo.
“Họ trông chờ bán heo lấy tiền thanh toán nhưng heo rớt giá, bán được đồng nào thì chủ đại lý cám, trại heo giống, thuốc thú y… đến thu trước. Thậm chí nhiều chủ đại lý cám trực tiếp đứng ra bán heo để lấy tiền. Vậy bao giờ mới đến lượt mình?”, anh Lợi cám cảnh.
Nông sản liên tục rớt giá vì sao?
Số mặt hàng gia nhập danh sách rớt giá, chờ giải cứu ngày một nhiều, tần suất cũng ngày một dày đặc hơn. Nếu như những năm trước, hàng năm chỉ có vài ba mặt hàng rơi vào khủng hoảng thì đến nay mới chỉ sáu tháng đầu năm đã có hàng chục mặt hàng.
|
Số mặt hàng gia nhập danh sách rớt giá, chờ giải cứu ngày một nhiều, tần suất cũng ngày một dày đặc hơn. |
Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đều cho rằng, khoa học công nghệ giúp người nông dân tăng năng suất nhanh chóng, song thị trường tiêu thụ sản phẩm lại không đáp ứng kịp khiến các mặt hàng liên tục rơi vào tình cảnh trên.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết nông dân đều nuôi trồng tự phát, thấy mặt hàng nào được giá là đổ xô vào làm, dẫn đến cung vượt quá cầu. Cần phải có quy hoạch, nơi nào được trồng cây gì, nuôi con nào, sản lượng bao nhiêu… căn cứ vào nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu). Nông dân nuôi trồng theo đơn “đặt hàng” mới có thể chủ động được sản xuất, tiêu thụ. Điều này cần đến vai trò tổ chức, quản lý của cơ quan nhà nước.
Để thoát khỏi tình cảnh này, phải đầu tư sản phẩm chất lượng cao để có thể xuất đi nhiều nước bằng con đường chính ngạch. Đồng thời, phải đầu tư công nghệ sau thu hoạch, để sản phẩm có thể bảo quản được lâu hơn, an toàn hơn.
Song song đó là phải có công nghiệp chế biến đi kèm, sản phẩm tươi chưa xuất khẩu được thì đem chế biến thành nước ép, sấy khô… mới tránh được tình trạng mất mùa, rớt giá.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam
|
Ông Nguyễn Duy Đa, Giám đốc Công ty Viên Sơn (Lâm Đồng), xuất khẩu khoai sang khá nhiều nước chia sẻ, vùng trồng khoai lang tại Vĩnh Long trước giờ trồng chủ yếu để xuất khẩu đi Trung Quốc, hầu hết nông dân phụ thuộc vào thương lái nên rủi ro khá cao.
Thực tế, ngoài yếu tố đất trồng khoai tại Vĩnh Long đang gặp bất lợi do điều kiện thời tiết,thì tình trạng khoai lang rớt giá đã diễn ra khá nhiều tại địa phương này.
Cùng là trồng khoai lang xuất khẩu nhưng theo ông Đa, khoai ở Lâm Đồng gần như không bị tình trạng như vậy. Bởi Lâm Đồng trồng nhiều loại khoai theo khẩu vị, nhu cầu của các nước nhập khẩu.
Các nước Đông Nam Á chuộng các giống khoai của Nhật ở dạng tươi do giá những loại khoai này tại Việt Nam thấp hơn khoai cùng loại trồng tại Nhật Bản. Trong khi những nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan lại thích các sản phẩm chế biến từ khoai… “Trồng và bán những giống khoai mà nhu cầu thị trường cần chứ không phải những cái mình có”, ông Đa nhấn mạnh.
Tương tự, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An nhận định, hầu hết nông dân canh tác trên diện tích nhỏ lại không liên kết được với doanh nghiệp để có thể nắm bắt được nhu cầu thị trường.
Thêm vào đó, chuỗi phân phối của các mặt hàng nông sản vẫn còn tồn đọng quá nhiều vấn đề. Từng xuất khẩu chuối đi nhiều nước, từ vụ việc “giải cứu” chuối ở Đồng Nai, ông Huy phân tích, nếu phân phối tốt thì lượng chuối tồn đọng chỉ cần tiêu thụ thị trường trong nước.
Tuy nhiên, người trồng chỉ biết bán cho thương lái, và thương lái lại chỉ biết chở lên biên giới xuất đi Trung Quốc, nên khó tránh khỏi rủi ro. Trước đây, Trung Quốc thường ảnh hưởng mùa đông giá rét, nguồn cung chuối giảm sút mạnh trong dịp này nên phải nhập khẩu chuối từ Việt Nam, Philippines… Gần đây, nhiều vùng nông nghiệp của Trung Quốc sản xuất theo công nghệ nhà kính nên khắc phục được những nhược điểm do thời tiết, không bị sụt giảm nguồn cung.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Nhật và nhiều nước Trung Đông cho rằng, phải có hợp đồng mua bán rõ ràng, không nên quá phụ thuộc vào thương lái. Và, cần hướng đến việc canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao để có thể xuất khẩu được vào nhiều thị trường chứ không chỉ riêng thị trường Trung Quốc.
Phải đầu tư sản phẩm chất lượng cao, xuất đi nhiều nước
Hầu hết nông sản tươi, đặc biệt là rau quả của Việt Nam chủ yếu xuất thô vào thị trường Trung Quốc, mà lại xuất theo đường tiểu ngạch thì chỉ cần phía Trung Quốc ngưng mua là dồn ứ, dư thừa ngay lập tức. Lại là hàng tươi, thời gian bảo quản ngắn nên khi tồn đọng, người trồng chỉ còn biết tìm cách bán ra nhanh nhất dù đắt hay rẻ.
Để thoát khỏi tình cảnh này, phải đầu tư sản phẩm chất lượng cao để có thể xuất đi nhiều nước bằng con đường chính ngạch. Đồng thời, phải đầu tư công nghệ sau thu hoạch, để sản phẩm có thể bảo quản được lâu hơn, an toàn hơn.
Song song đó là phải có công nghiệp chế biến đi kèm, sản phẩm tươi chưa xuất khẩu được thì đem chế biến thành nước ép, sấy khô… mới tránh được tình trạng mất mùa, rớt giá.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam
|