Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ đã và đang đưa các bệnh viện dã chiến trên địa bàn đi vào hoạt động, phục vụ công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19…
Ngày 19/7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong đã kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến tại Nhà luyện tập các môn võ thuộc Khu Liên hợp thể dục thể thao và Khu du lịch Mỹ Trà (TP. Cao Lãnh).
|
Nhiều địa phương ở miền Tây triển khai hỗ trợ các hộ nghèo, người gặp khó khăn trên địa bàn |
Quy mô bệnh viện dã chiến khoảng 400 giường, trong đó Khu nhà luyện tập các môn võ thuộc Khu Liên hợp thể dục thể thao khoảng 180 giường và Khu du lịch Mỹ Trà trên 210 giường (có thể nâng tối đa 250 giường).
|
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp kiểm tra việc triển khai bệnh viện dã chiến |
Đại diện đơn vị thi công bệnh viện dã chiến cho biết, tiến độ xây dựng đạt khoảng 95%, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra và sẽ bàn giao cho ngành y tế chậm nhất vào ngày mai, 20/7.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu ngành y tế khẩn trương xây dựng phương án, kịch bản điều hành bệnh viện dã chiến, trong đó rà soát nhu cầu nhân lực y, bác sĩ phục vụ; đồng thời đề nghị lắp đặt thêm camera giám sát nếu cần thiết. Dự kiến, khi có nhu cầu sẽ đưa bệnh viện dã chiến Khu du lịch Mỹ Trà vào hoạt động trước.
Trước đó, ngày 17/7, TP. Cần Thơ cũng đã đưa vào hoạt động bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế quận Bình Thủy. Bệnh viện có quy mô 100 giường bệnh, tiếp nhận, phân loại, cấp cứu và điều trị các trường hợp mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ và vừa trên địa bàn.
Cũng trong hôm nay, 19/7, UBND TP. Cần Thơ có quyết định trưng dụng 2 khu kí túc xá làm khu cách ly, với sức chứa 850 người.
|
Dịch bệnh lan rộng nhiều nơi, đời sống người lao động nghèo càng thêm khó khăn |
Cụ thể, quyết định trưng dụng kí túc xá khu A Trường đại học Cần Thơ (600 chỗ) và khu kí túc xá Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ Thuật Cần Thơ (250 người). Ở các khu cách ly này, trang thiết bị như màn, chăn, gối, chiếu, nhu yếu phẩm phục vụ cá nhân được đảm bảo. Các cơ sở cách ly y tế tập trung sẽ có nhiệm vụ tổ chức cách ly công dân trên địa bàn có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định.
Do số số ca dương tính tăng cao tại TP. Cần Thơ, bệnh viện được phân công điều trị COVID-19 là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP. Cần Thơ đã trong tình trạng quá tải. Bệnh viện này có 100 giường dành cho bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên đến nay đã nhận bệnh kín hết các giường khu vực cách ly. UBND TP. Cần Thơ cũng đã đề nghị Sở Y tế xây dựng kế hoạch phát triển Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ nâng lên tối đa 200 giường khi cần thiết.
|
Ngành y tế Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người dân trên địa bàn |
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, Trường đại học Y dược sẵn sàng đưa Bệnh viện dã chiến vùng của Trung ương đi vào hoạt động.
Chiều 19/7, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, BS Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết cơ quan này đã hoàn thành đề án chi tiết Bệnh viện dã chiến số 4 (bệnh viện dã chiến vùng trực thuộc Bộ Y tế) đặt tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ). Đề án chi tiết nêu trên đã được gửi đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia chỉ đạo, ra quyết định kích hoạt.
Bệnh viện dã chiến vùng nêu trên có quy mô 800 giường, đặt tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chủ trì, nòng cốt tham gia là Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Tại tỉnh Bến Tre, trước tình hình số ca nhiễm liên tục tăng nhanh, khả năng vượt quá mức đáp ứng của Bệnh viện dã chiến số 1 - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, UBND tỉnh Bến Tre đã đồng ý chọn Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An chuyển công năng thành Bệnh viện dã chiến số 2, với khả năng tiếp nhận 500 bệnh nhân. Đến hiện tại, công tác chuẩn bị Bệnh viện dã chiến số 2 đã cơ bản hoàn tất và sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh.
|
Bệnh viện dã chiến số 1 - Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Bến Tre |
Hiện tại, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ra thông báo tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, bệnh viện đã nhanh chóng giải quyết cho ra viện các bệnh nhân nhẹ và chuyển tất cả các bệnh nhân nặng đến các cơ sở y tế điều trị khác trong tỉnh. Tận dụng cơ sở vật chất hiện hữu, bệnh viện bố trí 100 giường bệnh đầu tiên có giãn cách theo quy định; phân khu vực điều trị riêng biệt, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.
Bệnh viện dã chiến số 2 tại tỉnh Bến Tre đã bắt đầu thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 đầu tiên.
Cùng với đó, Bệnh viện dã chiến số 3 tại cơ sở Hàm Long (quy mô 200 giường) thuộc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đang khẩn trương chuẩn bị.
|
Một chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre |
Cùng thời điểm, tại tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 tại Tiểu đoàn 261A, Trung đoàn 2, Sư đoàn 8 (ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.
Được biết, Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6 quy mô 300 giường (sẵn sàng nâng quy mô lên 500 giường khi có yêu cầu). Bệnh viện có biên chế 130 thành viên là lực lượng y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 120, Bệnh viện Quân y 121 (Cục Hậu cần Quân kh 9) và bộ phận phục vụ của Sư đoàn 8 để triển khai thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 vừa và nhẹ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
|
Ổ dịch ngay tại Cảng cá Mỹ Tho hiện vẫn đang bị phong tỏa |
Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 (trực thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 9) hoạt động với phương châm “4 tại chỗ”.
Cũng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cơ sở 2 Bệnh viện Dã chiến số 3 tại Trung tâm Huấn luyện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang (ấp Kim Liên, xã Long Hòa, TX. Gò Công) cũng vừa được đưa vào hoạt động. Có quy mô 150 giường, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 khu vực phía đông của địa phương này, bao gồm TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây...
Tính đến ngày 19/7, tại các địa phương có các ca mắc/nghi mắc gồm: Bến Tre 229 ca, Tiền Giang 1.108 ca, Đồng Tháp 1.358 ca và TP. Cần Thơ 138 ca.
Đông Phong