Không khó để tìm người thay thế
Tình trạng “chảy máu chất xám” do bác sĩ xin chuyển ra ngoài làm tư cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, thậm chí ngay cả những bác sĩ trưởng khoa tại bệnh viện tỉnh cũng xin nghỉ việc. Tình trạng này diễn ra tại Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Cà Mau,...
Trước thông tin từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Cần Thơ, đã có tổng cộng 14 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc, chiều 11/8, trao đổi với PV Phụ Nữ TP.HCM trước những con số đáng giật mình, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ - Bùi Thị Lệ Phi phủ định thông tin và cho biết:
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh có 3 người nộp đơn xin nghỉ việc vì lý do gia đình. Nhưng sau khi Sở Y tế vận động, khuyến khích thì các bác sĩ này đã quay trở lại làm việc, chỉ có 1 trường hợp có hoàn cảnh gia đình riêng.
|
Nhiều bác sĩ có trình độ cao tại các bệnh viện tỉnh xin nghỉ việc. Ảnh: Đời Sống & Pháp Luật |
Vị lãnh đạo Sở Y tế nhận định, “Việc mỗi năm ở một bệnh viện lớn có vài bác sĩ xin chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác vì lý do gia đình là chuyện bình thường”.
Như báo chí thông tin, từ giữa tháng 5/2016, cùng lúc 3 bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cái Nước tỉnh Cà Mau (Khoa Khám bệnh, Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và Khoa Ngoại tổng quát) đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, hơn 10 bác sĩ xin nghỉ việc trong năm 2015 và vẫn tiếp diễn trong năm 2016. Được biết, các bác sĩ nghỉ việc phần lớn có tay nghề cao. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do làm việc tại bệnh viện công thu nhập thấp, áp lực lớn, trong khi bệnh viện tư mời chào với mức đãi ngộ cao hơn rất nhiều.
Nói thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Nhanh - Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ cũng nhìn nhận, đa số các bác sĩ bây giờ không chỉ có Cần Thơ mà có các tỉnh khác có lý do là thu nhập còn thấp nên đã lựa chọn việc làm việc tại bệnh viện tư để có thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, ông Nhanh cho rằng, hiện nay có một số người trình độ cao nộp hồ sơ ứng tuyển nên cũng không quá khó để tìm người thay thế, nguồn nhân lực còn thiếu nhưng không đến nỗi là khó khăn.
Được vào làm bệnh viện công là một may mắn
Tại tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, tại tỉnh không có tình trạng các bác sĩ công lập xin nghỉ việc.
"Ở đây đang đi kiếm việc làm để lo thu nhập bản thân, gia đình còn không được. Đặc biệt đối với những bệnh viện công lập, được vào làm đã là một may mắn", ông Hùng nhận định.
Trao đổi thêm, một lãnh đạo khác cũng thuộc Sở Y tế tỉnh này cho biết, hiện tại so với tỷ lệ trên vạn dân thì tỉnh vẫn thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, trong 1 năm trở lại đây, UBND tỉnh đang đình chỉ việc tuyển dụng lại nhân viên y tế để rà soát, đánh giá nên Sở chưa được phép tuyển.
Vị lãnh đạo thẳng thắn đánh giá, nếu như các bệnh viện công tại tỉnh mà có nhu cầu tuyển dụng thì cũng không thiếu các nhân tài.
"Hiện nay đang việc tuyển dụng đang bị đình chỉ nên không nhận hồ sơ nào cả nhưng nhu cầu ứng tuyển vào làm việc tại các bệnh viện công thì rất nhiều, con em Thanh Hóa học nghề y nhiều lắm. Qua khảo sát xã hội là có vài trăm bác sĩ đang chờ mà chưa được tuyển dụng", vị đại diện Sở Y tế nhận định thêm.
Bệnh nhân tại một phòng khám gấp mấy lần bệnh viện công Là một tỉnh xuất hiện nhiều trường hợp bác sĩ xin nghỉ việc, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chánh văn phòng Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có nhiều phân tích về tình hình thực tế hiện nay. Tại tỉnh mới mở 1 bệnh viện tư nhân lớn nên cũng đã có những chính sách chiêu mộ thêm các bác sĩ. Theo ông Vũ, một phòng khám tư nhân có lượng bệnh nhân đến khám và điều trị gấp nhiều lần bệnh viện công lập cộng lại. Có tình trạng này, theo ông Vũ, thứ nhất là do thái độ phục vụ của các nhân viên, bác sĩ ngoài phòng khám khiến người dân thoải mái hơn, thứ hai là rất tận tình, có người hướng dẫn tới nơi tới chốn, dịch vụ nhanh hơn. Lý giải về việc nhiều bác sĩ giỏi, thậm chí trưởng khoa tại bệnh viện đa khoa tỉnh xin nghỉ, vị lãnh đạo Sở Y tế cho rằng: "Thứ nhất, đa số hiện nay thu nhập của các bác sĩ khá thấp, chính sách chưa tương xứng. Thứ 2 là do chính sách, tư duy quản lý của một số bệnh viện chưa theo kịp tình hình đổi mới, cho nên xuất hiện nhiều vấn đề khám bảo hiểm thông tuyến nên các bác sĩ công lập phải làm việc tần suất lớn, chịu áp lực". Về hướng giải quyết, Sở Y tế Cà Mau đã chỉ đạo làm sao phải thay đổi để có thái độ phục vụ tốt để thu hút và lựa chọn các bác sĩ có tay nghề, trình độ. Tổ chức thành lập đội xung kích để giúp đỡ, hướng dẫn cho bệnh nhân. Ngoài ra, một số bệnh viện có sáng kiến là đến khám bệnh tại nhà. Trong vấn đề nguồn nhân lực để tuyển dụng các cán bộ, bác sĩ vào làm tại các bệnh viện công lập hiện nay theo ông Vũ thì hàng năm số lượng bác sĩ cử tuyển đi học về thì không thiếu nhưng về chất lượng để đảm nhiệm chức vụ trưởng khoa hay phó khoa thì không thể đào tạo trong 1 sớm, 1 chiều. Cũng có những trường hợp các cán bộ khi đi học cử tuyển, sau khi đi học về họ phải đi nghĩa vụ vùng sâu 5 năm, nhưng khi đi học về họ xin chuyển về thành phố không được thì họ xin nghỉ. Hoặc có những bác sĩ ký hợp đồng phải thực hiện cam kết phục vụ tại cơ quan bao nhiêu năm nếu không sẽ phải bồi thường một khoản, nhưng họ sẽ sẵn sàng trả khoản tiền đó vì nó cũng không đáng bao nhiêu so với thu nhập bên ngoài, bởi vậy rất khó để ràng buộc bởi hợp đồng. "Hiện nay chưa có biện pháp nào giữ chân các bác sĩ tay nghề cao vì chế độ mình thấp quá', ông Vũ thằng thắn nhìn nhận. |
Hoàng Trang