Hàng lậu nườm nượp tràn qua biên giới - Bài 3: Trắng đêm mật phục bắt hàng lậu

26/01/2018 - 08:44

PNO - Đêm là thời điểm thuận lợi nhất để các đối tượng tuồn hàng lậu từ Campuchia vào Việt Nam qua đường mòn biên giới. Đây cũng là lúc các trinh sát biên phòng ra quân mật phục, truy bắt hàng lậu.

Đêm 15/1, chúng tôi theo chân đội trinh sát Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn mật phục trên cánh đồng Vĩnh Chánh, P. Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang, tiếp giáp huyện Prêycholasar, tỉnh Tà Keo, Campuchia.

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 3: Trang dem mat phuc bat hang lau
Thượng úy Trần Văn Đang thông tin về kế hoạch mật phục ở kênh 79

Lên đường lúc 22 giờ

22g, điện nhà dân dần tắt. Tại Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, thượng tá, đồn trưởng Hoàng Văn Nam ra lệnh cho đội trinh sát chuẩn bị lên đường mật phục. Năm trinh sát sẵn sàng thực thi nhiệm vụ. Trong đêm tối, sau khi kiểm đếm quân số, thượng úy Trần Văn Đang - Đội trưởng đội trinh sát của đồn - nêu rõ: “Theo kế hoạch, đêm nay, chúng ta sẽ xuất phát từ đồn theo đường kênh Vĩnh Tế. Tôi yêu cầu tất cả thực hiện ba nguyên tắc: an toàn, bí mật, đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Tất cả nghe theo mệnh lệnh chỉ huy là tôi”.

Sau khẩu hiệu “đã rõ”, tổ trinh sát vòng ra sau đồn, từng người khẽ khàng bước xuống chiếc vỏ lãi, chèo một đoạn rồi mới nổ máy để tránh bị “đề lô” (lực lượng cảnh giới cho hàng lậu) phát hiện. 

Vượt kênh Vĩnh Tế tầm 5km, chiếc vỏ lãi đưa chúng tôi rẽ vào một nhánh kênh để lên bờ. Cuộc mật phục bắt đầu. Con đường dẫn vào cánh đồng rộng ngổn ngang đá sỏi. Chúng tôi nín thở, khom người dò dẫm từng bước, tiếng động phát ra từ mỗi một viên sỏi lạo xạo dưới chân cũng trở thành nỗi lo.

Màn đêm đen kịt, nhưng thượng úy Trần Văn Đang ngước mắt nhìn trời, đăm chiêu: “Trời vẫn sáng quá”. Phía Campuchia, ánh sáng rực rỡ từ sòng bài Hawai hắt lên loang sáng cả một góc trời. Chúng tôi lội bộ giữa đồng lúa mênh mông. Bờ ruộng nhỏ xíu, lầy sình, rất dễ trượt chân té nhào. 

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 3: Trang dem mat phuc bat hang lau
Cuối năm, pháo lậu là mặt hàng được vận chuyển rầm rộ qua biên giới

Theo thượng úy Đang, tùy vào kế hoạch và địa hình thực tế mà mỗi lần, đội sẽ phục kích ở một địa điểm khác nhau, nhưng quan trọng nhất là đảm bảo được thời gian đón đầu cánh buôn lậu. Làm sao đoán biết chính xác thời gian họ đưa hàng lậu về Việt Nam?

Thượng úy Đang bày kinh nghiệm: “Buôn lậu thường đi theo đoàn. Khi lên kế hoạch, chúng tôi đã được chỉ huy giao địa điểm mật phục. Đoán đúng thời gian thích hợp là do có sự phối hợp giữa các lực lượng khác như chốt trực, công an địa phương. Cánh buôn lậu thường lợi dụng khoảng thời gian thay ca, nghỉ giữa giờ của các lực lượng tuần tra để chuyển hàng; mình sẽ mật phục trước những khoảng giờ đó”.

Nói đoạn, thượng úy Đang bất ngờ ra hiệu tất cả ngồi xuống, gần như nằm sát mặt đất để cơ thể không cao quá so với thân lúa trên đồng. Phía biên giới, vài bóng người qua lại che khuất những chỏm sáng của dãy đèn vùng ngoại biên. 

Thượng úy Đang cho hay, cánh đồng Vĩnh Chánh là cung đường ngắn nhất để cánh buôn lậu đưa hàng về Việt Nam. Vùng ngoại biên đối diện có đến ba sòng bạc, hai trường gà và một chợ trời có rất nhiều kho hàng, là “điểm nóng” tập kết hàng lậu. Ngay tại đường biên giới, hàng lậu như thuốc lá, đường cát Thái Lan, mỹ phẩm… được chất sẵn như núi, các đối tượng chỉ chờ thời cơ thuận lợi để vận chuyển về nội biên.

Do hàng án ngữ ngay đường biên nên cơ quan chức năng không thể làm gì. Mùa khô, việc mật phục dễ hơn mùa nước nổi, bởi vào mùa nước, bốn bề mênh mông thì đâu đâu cũng trở thành “đường” để buôn lậu, chúng dùng vỏ lãi “độ” máy chạy tốc độ cao để vận chuyển hàng, trong khi phương tiện của lực lượng biên phòng có công suất kém hơn, khó đuổi kịp. 

Trong khi lực lượng biên phòng mật phục thì cánh buôn lậu cũng ráo riết sử dụng “đề lô” làm nhiệm vụ cảnh giới. Trên cánh đồng Vĩnh Chánh, thường xuất hiện cùng lúc ba, bốn người đi soi ếch, bắt rắn, dùng đèn pin chiếu xa quét sáng cả cánh đồng.

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 3: Trang dem mat phuc bat hang lau
“Đề lô” tên Hòa nghe ngóng tình hình ở khu chợ vùng biên gần cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

“Khi họ quét đèn pin trên khắp cánh đồng, chúng tôi phải nằm rạp xuống bờ ruộng, có khi ẩn mình trong nước, chỉ chừa mũi để thở. Để tránh bị phát hiện, nhiều lúc chúng tôi bám theo sau “đề lô”, vì họ sẽ không đi lại con đường họ vừa đi qua” - thượng úy Đang nói.

Thường, khi phát hiện có mật phục, nhóm “đề lô” sẽ tìm cách chạm mặt nhóm trinh sát để ngầm thông báo cuộc mật phục phá sản, để trinh sát bỏ về, rộng đường cho cánh buôn lậu tuồn hàng vào.

Đến điểm mật phục là quãng đồng chạy dọc kênh 79, chúng tôi chia thành hai cánh, tất cả nằm nép xuống bờ ruộng. Trung úy Đang dặn: “Không được… manh động khi phát hiện có buôn lậu. Bình tĩnh chờ họ lọt giữa hai cánh quân, sau đó đợi tôi ra hiệu mới cùng ập đến”. 

Trung úy Phan Văn Đại - Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn - kể, không phải đêm nào trinh sát cũng đi mật phục nhưng nhiều đêm, đang ngủ ngon thì nhận lệnh gấp rút lên đường. Có khi, chỉ một chiến sĩ đi mật phục nhằm đánh lạc hướng “đề lô”. Chỉ tay về hướng con đường mòn nằm dọc bờ kênh, trung úy Đại cho biết, cách đây hai đêm, tại đây, các trinh sát của đồn đã bắt giữ hơn 1.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới. 

Đánh nhanh, rút gọn

Tại vùng biên tỉnh An Giang, những ngày cuối năm, hàng lậu lúc nào cũng chực chờ để tuồn vào nội địa. “Mùa mưa, họ chỉ mất khoảng 3 phút để đưa một chuyến hàng vượt kênh Vĩnh Tế vào nội địa. Với thời gian gấp rút, kế hoạch phải được lên rất chi tiết, mới bắt được hàng lậu” - thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn, chia sẻ.

Hang lau nuom nuop tran qua bien gioi - Bai 3: Trang dem mat phuc bat hang lau
 

Theo thượng tá Nam, hàng lậu vào Việt Nam không phải lúc nào cũng là hàng ngoại. Rất nhiều loại mỹ phẩm giả được sản xuất ở trong nước nhưng ngoài hộp ghi bằng tiếng nước ngoài, được đưa qua Campuchia, sau đó quay về với “mác” là hàng ngoại. 

Thực tế, buôn lậu có tổ chức thường tập kết hàng rồi ồ ạt di chuyển vào nội biên. Những lúc này, so về “sĩ số”, lực lượng biên phòng vẫn ở thế yếu với chỉ hai hoặc ba trinh sát. Do đó, việc “đánh nhanh rút gọn” luôn được đặt lên hàng đầu. Trung úy Nguyễn Phước Tới – Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm ma túy, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên - không nhớ hết bao nhiêu “trận” mà phía bên kia là cả một đám buôn lậu hùng hậu, trong khi bên này chỉ mình anh và một trinh sát khác.

Anh kể: “Có lần, xác định họ có tới tám người, tôi gọi chỉ huy xin chi viện nhưng không được. Lúc đó, chỉ mình tôi và một trinh sát vẫn quyết tâm phá án. Giáp mặt buôn lậu trong đêm tối, hai tay hai đèn pin, chúng tôi vờ rọi theo bốn hướng như thể lực lượng biên phòng không chỉ có hai người. Sau đó, chúng tôi đồng thanh hô to. Họ tưởng biên phòng đông người nên kéo nhau bỏ của chạy lấy người. Chúng tôi chỉ bắt một đối tượng trong vụ này”.

Không phải lúc nào lực lượng biên phòng cũng chăm chăm bắt hàng lậu. Vào tháng 9/2017, các trinh sát Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) mật phục trên kênh, phát hiện người đàn ông chạy chiếc vỏ lãi từ Campuchia về Việt Nam nên truy đuổi.

Được một đoạn, chiếc vỏ lãi này chìm, chủ vỏ lãi lập tức bơi trốn. Giữa đêm tối, rọi đèn pin, các trinh sát phát hiện một cháu bé tầm 8 tuổi, là con người chủ vỏ lãi, đang đuối nước, bám vào một khúc gỗ. Các trinh sát liền tạm ngưng đuổi theo kẻ buôn lậu và bỏ mặc cho mớ gỗ lậu chìm xuống kênh để tập trung cứu cháu bé, đưa về đồn sưởi ấm.

Một năm, bắt 158 vụ buôn lậu

Trong năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã bắt 158 vụ buôn lậu với trị giá hàng hóa khoảng 3,6 tỷ đồng; phối hợp với công an và hải quan bắt 55 vụ với trị giá hàng hóa khoảng 12 tỷ đồng. 

Cũng trong năm qua, lực lượng biên phòng tỉnh này đã phá ba vụ buôn ma túy, bắt giữ sáu đối tượng, thu giữ gần 59kg cần sa khô; phối hợp với công an khám phá một vụ vận chuyển ma túy, thu giữ 20g ma túy đá.

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI