edf40wrjww2tblPage:Content
Hàng lậu được đổi vỏ, chất vào thùng xe buýt
Muôn kiểu tuồn hàng lậu
Không khó để tiếp cận những đầu mối gom hàng từ những siêu thị miễn thuế tại Mộc Bài (Bến Cầu, Tây Ninh) hay với hàng cấm từ phía bên kia biên giới. Trong vai một chủ đại lý cần tìm nguồn hàng về bán trong dịp Tết, chúng tôi tiếp cận được người đàn ông tên Cương (tên nhân vật đã được thay đổi), người địa phương, có hơn 10 năm với nghề… cho thuê giấy chứng minh nhân dân (CMND) để mua hàng miễn thuế, kiêm vai trò móc nối với các nguồn hàng cấm từ Campuchia về. Ông Cương cho biết, cần hàng gì, bao nhiêu, giao ở đâu đều có thể đáp ứng; nhưng mỗi mặt hàng có một cách mua bán khác nhau. Chỉ cần đặt hàng những đầu mối tại khu miễn thuế (bao gồm ba siêu thị và khu chợ Đường Biên), những người này sẽ gom đủ hàng hóa và giao tận nơi theo yêu cầu.
Với những mặt hàng tiêu dùng như: nước ngọt, bánh kẹo, mỹ phẩm… có thể gửi xe buýt; bột ngọt, đường thì phải đi bằng xe máy; riêng rượu, bia, thuốc lá và sữa Abbott sẽ phải “rất bí mật”. Nguyên nhân, theo ông Cương, do những quầy rượu, bia không được phép bán tại các siêu thị miễn thuế phía Việt Nam nên những đầu nậu phải sang bên kia biên giới lấy hàng về. Do là “hàng cấm” nên bị giám sát chặt chẽ hơn, rủi ro cao hơn. Chúng tôi ngỏ ý muốn xem rượu ngoại trước, được ông Cương dẫn đến gặp một phụ nữ tên L., ngồi bán rượu ngay gần lán gửi xe của khách đến siêu thị. Mỗi loại rượu như Chivas, Ballantines, Martell, Remy Martin XO, Hennessy, Bacardi… đều được bày mẫu một chai, khui hộp với mức giá khá rẻ. Chivas 21, Hennessy giá 1,2 triệu đồng/chai, Chivas 12 giá 600.000đ/chai, XO 400.000đ/chai… thấp hơn từ 100.000-300.000đ/chai so với giá bán tại một số quán rượu trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TP.HCM). Những loại rượu được xem là hạng sang này được bày bán trên đất trải bạt không khác gì hàng rong. Tuy nhiên đó chỉ là hình thức ngụy tạo, bởi khi chúng tôi đặt vấn đề muốn mua số lượng nhiều thì bà L. cho biết, cần bao nhiêu cũng có, giao ở đâu cũng được, nhưng mỗi lần giao không quá năm chai. Ông Cương cho hay, rượu Tây là loại hàng bị kiểm soát gắt gao nhất, do giá trị lớn nên các chủ hàng thường tránh mạo hiểm. Dù cảnh mua bán hàng lậu diễn ra như chợ phiên ngay tại bến xe của siêu thị miễn thuế, nhưng các đầu nậu cho biết, có những “luật lệ” nhất định với từng loại hàng hóa.
Tại khu vực miễn thuế luôn có những “đề lô” (cách những đầu nậu gọi những người theo dõi ngầm) để mắt, nếu mua quá nhiều rượu ngoại mang lên xe (dù là xe riêng hay xe buýt) những “đề lô” này sẽ mật báo cho các trạm kiểm soát tại Trảng Bàng hay Củ Chi bắt giữ. Ngay cả khi yêu cầu giao hàng tại TP.HCM, mỗi lần giao hàng, những đầu nậu này cũng chỉ dám giao năm chai, giấu kín trong cốp xe máy. Một cách khác, để có thể giao được vài chục chai, nếu có xe hơi, có thể đậu xe cách Mộc Bài 3-4km, sau đó rượu sẽ được tập hợp về, giấu trên xe và ít nhất tránh được tai mắt của “đề lô”.
Ngoài rượu ngoại, các đầu nậu còn nhiệt tình tiếp thị bia, chủ yếu là bia Heineken dạng lon 500ml và dạng bom 5 lít, với giá thấp hơn giá tại nội thành TP.HCM từ 100.000-200.000đ/thùng hay bom.
Một đầu nậu điều khiển việc chất hàng lên các chuyến xe buýt
Nhiều mặt hàng… dễ buôn (?)
Loại hàng được xem dễ buôn nhất với các đầu nậu trong dịp cận tết chính là các loại bánh kẹo, nước ngọt, đồ hộp, hạt điều, dẻ cười, xúc xích, mỹ phẩm… Sở dĩ nói dễ vì hầu hết các đầu nậu đều sử dụng xe buýt làm phương tiện vận chuyển chính để giao hàng về cho các mối tại TP.HCM. Theo các đầu nậu, nhiều chủ hàng tại khu vực chợ Bến Thành thường đi xe riêng lên rồi nhờ các đầu nậu cho thuê CMND, mỗi lần mua trị giá hai ba chục triệu đồng, chất lên xe chở thẳng về thành phố. Nguồn khách hấp dẫn hơn với đầu nậu là những mối đặt hàng ở nội thành TP.HCM, vì gửi hàng dạng này, họ có thể hưởng chênh lệch.
Cứ một giờ đồng hồ lại có một chuyến xe chạy từ Mộc Bài về TP.HCM và ngược lại, phần đông là tuyến xe 703 của nhà xe Phương Trinh và của Sapaco. Theo quan sát của chúng tôi, từ 10-15g ngày 6/1, những chuyến xe của Sapaco gần như không hoạt động. Cứ mỗi lần một xe Phương Trinh vào xếp tài chờ chạy là các nhân viên bốc vác lại được phụ xe mở cốp hai bên hông xe để hàng hóa vào, nhiều chuyến hàng còn được chất cả lên gầm ghế ngồi của khách, dọc hành lang giữa xe… Rất nhiều loại hàng hóa đã được thay đổi bao bì trước khi chất lên xe buýt.
Sữa Abbott được xem là hàng hiếm vì các siêu thị miễn thuế của Mộc Bài đã không còn bán từ lâu, và là hàng dễ bị kiểm soát. Thế nhưng với các đầu nậu, kiếm nguồn hàng này cũng không mấy khó khăn. Trước mỗi chuyến chất hàng lên xe buýt, sau khi đầu nậu gọi điện thoại, những chiếc xe máy lại chở sữa đến. Mỗi xe chở hai-ba thùng, loại thùng 12 lon (850g/lon) chủ yếu là Pedia Sure. Những hộp sữa ngoại đóng trong các thùng carton chính hãng nhanh chóng được đổi sang những thùng carton nhỏ hơn, bề ngoài nhìn như những thùng đựng bánh kẹo. Khi chất vào thùng xe buýt những thùng hàng này được trà trộn với các thùng nước ngọt của Thái Lan, hay một số loại bánh kẹo hiệu Chocky của Thái, bánh Lu của Pháp…
Điểm đến của những loại hàng hóa này là dọc quốc lộ 22, khu vực Q.5 và cả một số cửa hàng tại đường Nguyễn Thông (Q.3). Theo các đầu nậu, sữa, rượu, sô cô la… rất dễ bán lại tại các cửa hàng dọc đường Nguyễn Thông với mức lời trung bình từ 50.000-200.000đ/món. Một chai sô cô la hiệu Hernshey’s dạng nước, dùng để làm bánh hay pha nước được bán tại siêu thị miễn thuế với giá 91.000đ/chai. Tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Thông, sản phẩm này được bán với giá từ 130.000-150.000đ/chai.
Nhiều lô hàng được chia nhỏ trên đường xe chạy
Giao hàng chớp nhoáng
Khoảng 1g30 trưa ngày 6/1, chúng tôi lên chuyến xe buýt của nhà xe Phương Trinh, chuyến xe có lộ trình Mộc Bài - Quốc lộ 22 - Củ Chi - An Sương - Trường Chinh - Cộng Hòa - Nguyễn Thái Bình - Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt - Hồng Bàng - An Dương Vương - Phạm Viết Chánh - Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh và điểm cuối là bãi xe buýt công viên 23/9. Mặc dù các ghế trên xe gần như chật kín người nhưng trước giờ xe chạy, một số cửu vạn vẫn tranh thủ xách những bịch đựng mỹ phẩm lớn xếp đống ở phía sau xe. Khi xe ra tới đường quốc lộ, có hai người phụ nữ bước lên xe. Họ không chọn ghế ngồi mà nhanh chóng bỏ những bịch ni lông, băng keo… xuống sàn xe và ngồi dọc hành lang giữa xe, chia nhỏ các gói hàng sang những túi nhỏ hơn, theo chủng loại. Hầu hết là các bịch mỹ phẩm hiệu Jergen, túi đựng cũng được in sẵn nhãn mác riêng. Một số mặt hàng không thấy hạn sử dụng trên vỏ sản phẩm mà có một tem phụ bằng tiếng Việt đề “sử dụng sau 30 ngày khui nắp”.
Chia hàng xong, họ xếp gọn cạnh ghế những hành khách khác, giống như đó là hành lý của những vị khách đi xe buýt. Điều lạ là cả một hành trình dài từ Mộc Bài về TP.HCM trong hai chặng xe buýt mà chúng tôi tham gia không thấy bất cứ cơ quan, đơn vị nào kiểm tra hàng hóa trên xe. Phụ xe thì liên tục vừa xé vé cho khách, vừa trả lời điện thoại thông báo lộ trình xe chạy tới đâu để trả hàng cho người nhận.
Những điểm nhận hàng thường là các điểm đỗ xe buýt theo lộ trình của tuyến xe này, thời gian trả hàng diễn ra nhanh chóng, hầu như chỉ bằng thời gian dừng xe buýt theo quy định. Tại điểm đỗ gần bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) ngay khi xe buýt dừng, phụ xe nhanh chóng xuống mở thùng xe, một người đàn ông đứng đợi trước đó nhanh chóng tới xếp những thùng carton chứa sữa, bánh, kẹo… Cứ mỗi điểm dừng khác nhau, người nhận hàng được hẹn trước nhanh chóng nhận hàng từ phụ xe. Tôi nhẩm đếm, có năm lần phụ xe giao hàng tại các điểm dừng: An Sương, trước siêu thị Maximark Cộng Hòa, Co.opMart Lý Thường Kiệt, đường An Dương Vương, công viên 23/9.
Trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến xe buýt từ Mộc Bài về TP.HCM, “cõng” theo số lượng hàng hóa khổng lồ qua nhiều hình thức khác nhau để trốn thuế hay chuyển lậu từ Campuchia về. Bên cạnh đó, còn nhiều loại hàng hóa lậu khác như đường, bột ngọt, dầu ăn… được vận chuyển bằng xe máy, xe con qua mặt cơ quan quản lý.
ĐĂNG THƯ
Biết nhưng… khó xử lý! Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh biết rõ các hình thức lách luật để buôn lậu nhưng khó ngăn chặn hoặc xử lý không xuể. Dịp tết năm nay, do các siêu thị miễn thuế phía tây Ninh không còn bán rượu bia, thuốc lá nên việc thẩm lậu những mặt hàng này không còn dồn dập như các năm trước. Tuy vậy, các đầu nậu vẫn tìm cách mua gom từ bên kia biên giới đưa về tiêu thụ. Phương thức chủ yếu là mua theo định mức CMND tại các cửa hàng miễn thuế phía Campuchia rồi gom hàng đưa về Việt Nam. Hình thức khác là các doanh nghiệp nhập khẩu hàng miễn thuế theo dạng tạm nhập tái xuất. Họ làm thủ tục xuất khẩu sang Campuchia tại Mộc Bài, nhưng khi sang bên kia biên giới thì họ lại không làm thủ tục hải quan phía Campuchia, mà tìm cách đưa ngược trở lại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế. Về việc chất hàng lậu công khai lên xe buýt, các đầu nậu không thiếu những chiêu trò để đối phó. Chẳng hạn, nếu bị kiểm tra ngay tại bãi xe khi hàng được chất lên xe buýt, đầu nậu vẫn có thể huy động đủ số người cần thiết (thậm chí lên đến 20-30 người) để chứng minh hợp pháp rằng số hàng hóa đó mua theo suất tiêu chuẩn miễn thuế theo CMND. Trước đây, có trạm kiểm soát liên hợp Mộc Bài - có khả năng kiểm tra hàng hóa trên xe buýt, nhưng cách đây không lâu nhà nước cho giải thể trạm này nên việc kiểm soát hàng hóa khó chặt chẽ như trước. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào các đội kiểm tra trên đường đi. Chi cục quản lý thị trường Tây Ninh đang huy động lực lượng để ngăn chặn những nguồn hàng này. Ông Võ Thanh Phong (Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh) |