Hàng lậu đang được phân phối khắp nước qua Facebook

10/07/2020 - 06:31

PNO - Lần theo thông tin từ các tài khoản livestream trên Facebook, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an triệt phá kho hàng lậu rộng hơn 10.000 mét vuông tại TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Tại kho này, hàng lậu được các đầu nậu tổ chức phân phối chẳng khác gì một sàn thương mại điện tử thu nhỏ, doanh thu mỗi tháng trên dưới 10 tỷ đồng.

Kho hàng lậu
Bên trong kho hàng lậu mới bị phát hiện tại Lào Cai ít ngày trước

Chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - cho biết, lực lượng chức năng đã theo dõi kho hàng này từ năm 2019. Phòng Nghiệp vụ 1 của Cục Nghiệp vụ QLTT đã cử người thường xuyên bám sát hoạt động của nhóm đối tượng trên mạng xã hội Facebook như Thảo Trần, Giầy Đồng Giá - là các tài khoản chính mà nhóm đối tượng dùng để livestream giới thiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng trên cả nước.

Hiện vẫn chưa có thống kê chính xác nhưng số hàng hóa bày bán và chứa trữ trong kho hàng trên ước tính hàng trăm ngàn đơn vị sản phẩm. Bình quân hằng tháng, nhóm đối tượng này bán ra thị trường khoảng trên 90.000 đơn vị sản phẩm, phục vụ cho 30.000 đơn hàng. Doanh số bình quân mỗi tháng khoảng 10 tỷ đồng.

Theo lời các nhân viên của kho hàng này, tối thiểu mỗi ngày, kho này chốt được xấp xỉ 1.000 đơn hàng. Họ livestream bán hàng và có tới 40 nhân viên ngồi máy tính chốt các đơn hàng bằng phần mềm chuyên nghiệp, quản lý tập trung. Đơn hàng mỗi ngày được đóng gói cẩn thận để gửi đi khắp nước thông qua các hãng chuyển phát lớn như Viettel Post, J&T Express. Hầu hết là các sản phẩm quần áo, giày dép có dấu hiệu hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như LV, Gucci, Adidas, Nike…

“Con số trên đồng nghĩa, có hàng triệu sản phẩm hàng giả, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong hai năm qua. Đây là một vụ bán hàng giả, hàng lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà Tổng cục QLTT phát hiện. Họ hoạt động có đường dây, ổ nhóm chuyên nghiệp, chuyên môn hóa từng khâu, các thành viên phối hợp nhịp nhàng” - ông Linh nhận định.

Các trang thiết bị livestream rất rẻ tiền, thô sơ nhưng hiệu quả chốt đơn hàng lại rất cao. Hình thức livestream bán hàng đang phổ biến, phát triển nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng, bởi có thể mua trúng hàng nhái, giả, kém chất lượng. 

Trước khi tổng kho hàng lậu ở tỉnh Lào Cai bị triệt phá, Tổng cục QLTT đã triệt phá hai cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang mang các nhãn hiệu Nike, Adidas, Gucci… tại thị trấn Lộc Bình, H.Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn với hình thức bán hàng tương tự. 

Theo Tổng cục QLTT, việc theo dõi, triệt phá các kho hàng lậu như trên khá khó khăn do các giao dịch thường diễn ra trên mạng xã hội, khó xác định các giao kết hợp đồng, người mua và người bán không gặp nhau, hàng hóa được vận chuyển qua bên thứ ba và thanh toán chủ yếu bằng COD; việc xác định đối tượng chủ mưu mất nhiều thời gian và công sức do chủ cơ sở kinh doanh thường thuê mướn người đứng ra giao dịch với người tiêu dùng. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI