Hàng không vũ trụ - sân chơi mới dành cho phái đẹp

16/12/2020 - 06:05

PNO - Tuần qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc tôn vinh 3 phụ nữ làm việc trong sứ mệnh khám phá Mặt trăng Hằng Nga 5. Trong khi đó, NASA đã nêu tên 18 phi hành gia - một nửa trong số đó là phụ nữ - tham gia đào tạo cho chương trình hạ cánh lên mặt trăng Artemis.

Bộ 3 “nữ thần” trong nhiệm vụ Hằng Nga 5

Ba ngày sau khi Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Hằng Nga 5 (Chang’e) lên mặt trăng, 3 người phụ nữ trẻ tham gia quá trình hạ cánh được tôn vinh như “nữ thần”.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc ca ngợi nỗ lực của bộ 3. Một trong số họ là Zhou Chengyu - chỉ huy 24 tuổi của hệ thống đầu nối tên lửa trong chương trình thám hiểm mặt trăng - đã nhanh chóng trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Truyền thông trung Quốc ca ngợi Zhou sau khi sứ mệnh Hằng Nga 5 hoàn thành việc đổ bộ và cắm cờ lên Mặt trăng hôm 4/12
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi Zhou sau khi sứ mệnh Hằng Nga 5 hoàn thành việc đổ bộ và cắm cờ lên Mặt trăng hôm 4/12

Wan Chaoran – nghiên cứu sinh tiến sĩ về kỹ thuật hóa học tại Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc – nhận xét: "Mọi người đều tò mò về Zhou vì cô ấy là một phụ nữ rất trẻ", và nói thêm rằng việc một người như Zhou nắm giữ vị trí quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian cao cấp nhất ở Trung Quốc là điều bất thường.

Mặt khác theo Wan, “các bài viết mới cũng thừa nhận việc phụ nữ ít được chú ý đến trong các báo cáo trước đây của Trung Quốc. Tôi hy vọng một ngày nào đó, các phương tiện truyền thông sẽ không cần phải thực hiện báo cáo đặc biệt dành riêng cho các nhà khoa học nữ. Tất cả chúng ta đều là con người, làm cùng một loại công việc”.

Trong khi phụ nữ Trung Quốc hoan nghênh nỗ lực của truyền thông nhà nước trong việc nêu bật những “bóng hồng” đã góp phần vào thành công của nhiệm vụ Hằng Nga 5, nhiều người cho biết các rào cản xã hội tiếp tục hạn chế khả năng vươn tới đỉnh cao của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học. .

Cai Zhen (37 tuổi) - Phó giáo sư tại Viện Vi sinh vật thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Nếu bạn nhìn vào tất cả phụ nữ đang làm việc, học tập trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật ở Trung Quốc, tổng số có lẽ tương đương với nam giới. Nhưng con số đó giảm đáng kể khi bạn nhìn vào cấp độ cao hơn ở bất kỳ lĩnh vực nào”.

Trong báo cáo đặc biệt của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc về Hằng Nga 5, 2 phụ nữ khác được giới thiệu là Cui Yihan - người quản lý thiết bị phần mềm phóng tên lửa, và Sun Zhenlian - giám đốc hệ thống hỗ trợ phóng tên lửa.

Cui mới tốt nghiệp Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. Sun là một nhà khoa học giàu kinh nghiệm về hệ thống phóng tên lửa Long-March của Trung Quốc. Vào năm 2019, Sun được chú ý khi cô xuất hiện trên sóng truyền hình, bật khóc vì sung sướng sau khi tên lửa Long-March 3 của Trung Quốc phóng thành công.

Ba người phụ nữ được truyền thông Trung Quốc ca ngợi trong tuần qua, từ trái sang: Zhou Chengyu, Cui Yihan và Sun Zhenlian
Ba người phụ nữ được truyền thông Trung Quốc ca ngợi trong tuần qua, từ trái sang: Zhou Chengyu, Cui Yihan và Sun Zhenlian

Tỷ lệ đại diện nữ ngày càng tăng trong lĩnh vực khoa học tại Trung Quốc, một phần do số lượng phụ nữ nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Wan cho biết nữ sinh trong trường của cô đã tăng ít nhất 10% trong 5 năm qua, thậm chí trong một số lớp học, sĩ số nam và nữ gần như ngang nhau.

Số lượng nữ phi hành gia NASA tăng nhanh

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) từng là nơi làm việc dành riêng cho nam giới trong một thời gian dài, nhưng điều đó đang thay đổi. Chuyến đi bộ ngoài không gian toàn nữ đầu tiên tại Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS được thực hiện vào tháng 10/2019 và nhiều cột mốc quan trọng khác lần lượt được hoàn thành bởi các nữ phi hành gia.

Dù vậy, vẫn chưa có người phụ nữ đầu tiên bước chân lên mặt trăng (hoặc sao Hỏa), và vì NASA đang có kế hoạch sớm đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng, một số thành viên nữ của nhóm đào tạo mới có thể là những người chinh phục dấu mốc này.

Phó tổng thống Mike Pence đã giới thiệu 18 phi hành gia - một nửa trong số đó là phụ nữ - vào thứ Tư 9/12 khi kết thúc cuộc họp cuối cùng của ông với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vũ trụ Quốc gia, tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida. NASA hiện có 47 phi hành gia đang hoạt động.

Cơ quan vũ trụ đặt mục tiêu hạ cánh lên mặt trăng vào năm 2024, mặc dù khả năng để điều đó xảy ra ngày càng mờ nhạt. Sự thay đổi sắp tới trong công tác quản lý và thay đổi nhiệm kỳ Tổng thống càng làm mọi thứ thêm khó đoán.

Thống kê cho thấy tỷ lệ nữ giới trong các khóa đào tạo phi hành gia của NASA ngày càng tăng qua các năm.
Thống kê cho thấy tỷ lệ nữ giới trong các khóa đào tạo phi hành gia của NASA ngày càng tăng qua các năm.

Những phụ nữ đầu tiên tham gia và tốt nghiệp lớp phi hành gia của NASA bao gồm Sally Ride, Anna Fisher, Judith Resnik, Kathryn Sullivan, Margaret Rhea và Shannon Lucid, thuộc khóa đào tạo năm 1978. Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên tiến vào không gian, sau các phi hành gia vũ trụ Valentina Tereshkova và Svetlana Savitskaya. Fisher trở thành người mẹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Riêng Resnik không may chết thảm trong vụ nổ tàu Challenger năm 1986.

Theo dữ liệu từ NASA và Collect Space, số phụ nữ được nhận vào chương trình không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2013 chứng kiến nhóm phi hành gia bình đẳng giới đầu tiên, mặc dù nhỏ, với 4 nam và 4 nữ bắt đầu khóa đào tạo của NASA.

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI