Hàng không thế giới "đau đầu" với hành khách béo phì

07/12/2016 - 06:30

PNO - Có những vụ kiện hãng hàng không, cho rằng họ phải chịu đựng những chuyến bay “ngột ngạt”. Họ phải khép nép một cách bất đắc dĩ chỉ vì người bên cạnh lấn sang gần hết phần ghế của họ. 

Kiện hãng hàng không vì bị xếp ngồi kế người quá béo suốt chuyến bay kéo dài chín giờ, chuyện có thật giữa hành khách người Italia Giorgio Destro và hãng Emirates làm dấy lên tranh luận về việc các hãng hàng không ứng xử như thế nào với hành khách… thừa cân.

Thực tế, ngành hàng không thế giới đang gặp cuộc khủng hoảng về cân nặng. American Airlines phải xin lỗi hành khách thân thiết, hội viên thẻ vàng của hãng - ông Chris Shelley - vì nhân viên đã đối xử phân biệt với ông.

Trên một chuyến bay trong nước, nhân viên của hãng yêu cầu Chris rời khỏi máy bay vì họ cho rằng ông quá nặng. Điều khiến Chris khó chịu nhất là trước mặt bao người lạ, ông bỗng dưng trở nên kệch cỡm. Ông quyết định không bao giờ dùng dịch vụ của hãng này nữa.

Hang khong the gioi
Giải pháp tăng giá vé với người quá cân được nhiều hãng hàng không áp dụng - Ảnh: ALAMY

Một trường hợp khác mà hãng hàng không vướng rắc rối vì hành xử không phù hợp, đó là nữ hành khách Vilma Soltesz qua đời khi đi nghỉ ở Hungary do không kịp trở về New York chữa bệnh. Cả ba hãng Delta, KLM, Lufthansa đều từ chối tiếp nhận hành khách này.

Lúc ấy, bà Vilma nặng 185kg, bị tiểu đường và bệnh thận, phải ngồi xe lăn vì mới bị cắt cụt chân. Năm 2014, hai năm sau cái chết của bà Vilma, các hãng đã dàn xếp bồi thường chồng bà Vilma sáu triệu USD, là một trong những vụ bồi thường lớn nhất liên quan đến việc hành khách béo phì đi máy bay.

Các hãng hàng không cho rằng việc từ chối một hành khách thừa cân là chuyện bất khả kháng. Phần lớn hệ thống ghế tiêu chuẩn trên máy bay chỉ đáp ứng cho hành khách có cân nặng tối đa là 76kg, nhưng cân nặng trung bình của một người đàn ông ở Mỹ đã lên tới 87kg. Đây là lý do gây ra những bất tiện chẳng ai mong muốn. Thậm chí, nhiều hành khách quá béo đã không thể thắt dây an toàn, và điều này có thể ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay.

Thỉnh thoảng vẫn có những vụ than phiền từ hành khách, cho rằng họ phải chịu đựng những chuyến bay “ngột ngạt”. Họ phải khép nép một cách bất đắc dĩ chỉ vì người bên cạnh lấn sang gần hết phần ghế của họ.

Luật sư Giorgio Destro, người đâm đơn kiện hãng Emirates cho biết, suốt chín giờ bay, ông mãi loay hoay, chật vật vì chỗ ngồi. Có lúc, ông phải đứng ở lối đi, có khi lại phải ngồi tạm ghế của nhân viên hãng bay nếu trống hoặc cố chịu đựng cảnh co rúm bên hành khách “khổng lồ”. Ông Destro kiện hãng Emirates và đòi bồi thường ba triệu USD.

Nhiều hãng máy bay trên thế giới cũng đã nhận phản hồi tương tự. Một số hãng đã đưa ra chính sách cụ thể với hành khách thừa cân. Cuối năm ngoái, Uzbekistan Airways có quy định, buộc hành khách phải bước lên cân cùng hành lý xách tay trước khi lên máy bay. Họ giải thích, vì an toàn hàng không và họ làm đúng với tinh thần của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).

Tuy nhiên, đại diện IATA nhấn mạnh, lựa chọn của mỗi hãng là tùy điều kiện của hãng. Dư luận cũng có luồng ý kiến, rằng liệu đây có phải cách để các hãng hàng không đưa ra thêm chính sách áp mức vé cao với người béo phì hay không. Nhưng, rõ ràng là hành khách thừa cân chiếm chỗ ngồi nhiều hơn bình thường.

Năm 2012, hãng Samoa Air yêu cầu hành khách phải thông báo cân nặng khi đặt vé, từ đó tiền vé được tính bằng cách nhân số cân nặng với mức giá cho mỗi ký. Tại sân bay, nhân viên sẽ kiểm tra lại cân nặng của hành khách. Trước đó, năm 2010, tập đoàn hàng không Air France có chính sách buộc hành khách béo phì không ngồi vừa một ghế phải mua hai ghế liền kề. Cách hành xử này được cho là phù hợp nhất so với mặt bằng chung.

Ông Tony Webber, chuyên gia tư vấn điều hành hàng không cho biết, hành khách thừa cân khiến chi phí nhiên liệu tăng cao vì máy bay càng nặng thì lượng nhiên liệu tiêu hao càng nhiều. Không phải hành khách “quá khổ” nào cũng phản ứng tiêu cực khi bị phân biệt đối xử trên máy bay, đơn cử như cô Amber Rose sống ở Anh. Một lần du lịch nước ngoài, cô gái nặng 158kg phải mua hai vé vì chỗ ngồi tiêu chuẩn không vừa với cô. Cú sốc này tạo động lực để Amber quyết tâm giảm cân. Cô tập luyện và ăn kiêng nghiêm ngặt, cuối cùng đã giảm được 90kg.

Anh Thông (Theo Telegraph, Independent, CNN)

Theo thống kê mới nhất từ tạp chí y học The Lancet của Anh, số người lớn béo phì trên toàn thế giới là 650 triệu người, chiếm 13% dân số. Ước tính đến năm 2020, tỷ lệ này là 25%. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 39% dân số thế giới bị béo phì hoặc gần chạm ngưỡng béo phì; mỗi năm, có 2,8 triệu người chết vì thừa cân, béo phì.

Theo quan điểm của nhiều tổ chức y tế - xã hội, béo phì trở thành một căn bệnh. Béo phì hiện là đại dịch mới của thế kỷ XXI, là đại dịch thứ tư liên quan đến dinh dưỡng, lối sống sau bệnh tim mạch, ung thư, AIDS.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI