Hàng không quốc tế đứng ngồi không yên

17/12/2021 - 07:33

PNO - Nhu cầu đi lại ở châu Á - Thái Bình Dương vừa mới hồi phục đã bị biến thể Omicron “tấn công” khi chính phủ nhiều nước thắt chặt quy định xuất nhập cảnh. Ngành du lịch và hàng không quốc tế đang lo lắng, đứng ngồi không yên trước các động thái này.

Phản ứng thái quá?

Chỉ trong ba tuần kể từ khi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận vào ngày 24/11, biến thể Omicron đã gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch và hàng không quốc tế đang trong quá trình gượng dậy. Theo nhà báo Raini Hamdi (Singapore), Omicron là phép thử đầu tiên về phản ứng của các quốc gia trước diễn biến mới nhất của dịch bệnh, trong bối cảnh đã phủ tiêm chủng cho người dân và thực hiện chủ trương “học cách sống chung với virus”.

Bên cạnh việc phải tiêm chủng đầy đủ, từ ngày 16/12, du khách quốc tế phải ở lại Phuket năm ngày nếu muốn tiếp tục du lịch đến các vùng khác của Thái Lan - ẢNH: AFP
Bên cạnh việc phải tiêm chủng đầy đủ, từ ngày 16/12, du khách quốc tế phải ở lại Phuket năm ngày nếu muốn tiếp tục du lịch đến các vùng khác của Thái Lan - Ảnh: AFP

Bà cho rằng việc một số nước đóng cửa biên giới là quyết định quá sớm, trước khi các nhà khoa học đưa ra đánh giá chính xác về mức độ nguy hiểm của Omicron. Israel và Nhật Bản là hai quốc gia đã gần như lập tức cấm các chuyến bay thương mại.

“Đó là một phản ứng thái quá. Chúng ta chưa biết gì về biến thể này, nên chờ xem trước khi đưa ra các quyết định gây ảnh hưởng lớn”, Tony Fernandes - CEO Tập đoàn Air Asia - nói. Ông cho rằng, so với các biến chủng trước đây, thế giới hiện đã được trang bị nhiều “vũ khí” hơn để đối phó với Omicron.  

Hiện đa số các nước đã triển khai một loạt các biện pháp hỗn hợp mới đối với du khách như giới hạn điểm đến, xét nghiệm PCR, lập danh sách kiểm dịch, kiểm tra thẻ vắc xin… Hàn Quốc thông báo lệnh cách ly mười ngày đối với du khách nhập cảnh từ ngày 3/12.

Malaysia cũng công bố lệnh cấm tạm thời từ ngày 2/12 đối với du khách từ 26 quốc gia nhưng một ngày sau đã rút lệnh cấm, chỉ còn áp dụng cho tám quốc gia châu Phi. Các chính phủ đều nhấn mạnh việc thắt chặt quy định nhập cảnh sau sự xuất hiện của Omicron là “tạm thời và cần thiết” cho đến khi có thông tin rõ ràng về biến thể này.

Hy vọng hạn chế không kéo dài

Stephan Roemer - CEO Tập đoàn Du lịch Diethelm (Thái Lan) - cho biết năm 2019, gần 40 triệu du khách đã đến nước này, tạo doanh thu gần 59 tỷ USD, chiếm 11% tổng sản phẩm quốc nội. Du lịch đã tạo việc làm cho hơn 7 triệu người, chiếm 20% tổng số việc làm. Hiện lượng đặt phòng đã giảm đáng kể, chỉ còn 1/3 vào giữa tháng trước. Công việc kinh doanh đang hồi phục tốt, khi Thái Lan mở cửa trở lại vào ngày 1/11, kéo theo 30% nhân sự trở lại làm việc. Nhưng tất cả đã tan biến khi chính phủ thắt chặt biên giới vì Omicron.

“Những quốc gia vẫn còn mở cửa đã cứu được thị trường lao động đáng kể. Maldives là điểm đến đầu tiên giúp tập đoàn thu được lợi nhuận, tất cả nhân viên ở đây đều đã trở lại làm việc, thậm chí số lượng nhân viên còn tăng thêm 10%. Những hạn chế mới đã làm giảm nhu cầu du lịch tổng thể ở Thái Lan. Các chính phủ đang khiến người dân sợ hãi và có nguy cơ gây ra thảm kịch lớn hơn khi nguồn tài chính cạn kiệt”, ông Roemer nhận định.

Vào tháng Mười, lượng khách quốc tế đến châu Á - Thái Bình Dương chỉ ở mức 5,4% so với trước đại dịch, thấp nhất so với bất kỳ khu vực nào trên toàn cầu. Campbell Wilson - Giám đốc chi nhánh của Singapore Airlines - cho rằng các hãng hàng không quá mệt mỏi với các quy định xuất nhập cảnh lặp đi lặp lại, chắp vá, khiến nhu cầu đi lại quốc tế giảm sút. 

Theo Sue Carter - đại diện Công ty Công nghệ đặt phòng Travelport tại châu Á - Thái Bình Dương - quyết định của du khách là dựa vào thông báo của các chính phủ. Số lượt tìm kiếm phòng đã giảm đáng kể trong tuần qua. Omicron đang khiến các hãng hàng không đau đầu về sắp xếp lịch trình bay do phải cố gắng tối đa đáp ứng các yêu cầu thay đổi chuyến.

Alan Joyce - Giám đốc điều hành Qantas Airways - hy vọng trong thời gian ngắn, khi thế giới hiểu biết thêm về Omicron, các yêu cầu cách ly, hạn chế đi lại sẽ được xóa bỏ.

Nhà báo Raini Hamdi viết, với COVID-19, mọi thứ đều ở tư thế sẵn sàng thay đổi. Thiệt hại khổng lồ cho ngành du lịch, công ăn việc làm và nhiều hơn thế nữa, có lẽ đến lúc các quốc gia cân nhắc từ bỏ hạn chế đi lại vì các lo lắng liên quan Omicron. 

Nam Anh (theo CAN, Reuters, WP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI