Hàng không giá rẻ có an toàn?

31/12/2014 - 15:29

PNO - PN - Hàng không giá rẻ hiện đã trở thành xu hướng của hành khách và ngày càng khẳng định là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của ngành hàng không truyền thống.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hang khong gia re co an toan?

Máy bay AirAsia  mang số hiệu QZ8501 rơi ở biển Java (Indonesia) ngày 28/12/2014 là thêm một dịp để người ta tự hỏi về sự an toàn của hàng không giá rẻ - Ảnh minh họa: Mirror

Từ năm 1971, hãng Southwest Airlines của Mỹ đã bắt đầu khai thác loại hình vận chuyển này. Hàng không giá rẻ sau đó lan sang châu Âu với sự xuất hiện của hãng RyanAir của Ireland. Năm 2004 đánh dấu bước phát triển mới của hàng không giá rẻ trong ngành hàng không dân dụng châu Á, với sự xuất hiện của AirAsia ở Malaysia.

Tuy nhiên, khi xảy ra vụ mất tích máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng giá rẻ AirAsia vào ngày 28/12/2014 vừa qua, giới chuyên gia hàng không bắt đầu lật lại vấn đề. Họ lo ngại, sự bùng nổ dịch vụ hàng không giá rẻ tỷ lệ nghịch với chất lượng kiểm soát không lưu và chất lượng an toàn.

Ở châu Á, hiện có khoảng 50 hãng hàng không giá rẻ, phục vụ cho các chuyến bay trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm 25% lưu lượng hàng không của khu vực này. Tỷ lệ này tăng khá nhanh nếu so với mức 6% vào năm 2006. Trong khi đó, 30% chuyến bay trên toàn cầu là thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của hàng không giá rẻ, theo phân tích từ các chuyên gia của Bloomberg, đã tạo ra sức ép, gây ra tình trạng quá tải đối với bộ phận kiểm soát không lưu.

Một số điểm đặc trưng của các hãng bay giá rẻ cho thấy “nỗ lực” giảm thiểu chi phí, nhưng có thể để lại một số tồn tại. Đó là, họ thường sử dụng một loại máy bay (Airbus A320 hoặc Boeing 737), nhằm tránh mất thời gian và tiền bạc đào tạo phi công cho nhiều loại máy bay khác nhau. Thời gian quay vòng chuyến bay nhanh để sử dụng tối đa máy bay và khai thác các tuyến bay ngắn. Áp lực bay dày đặc cũng ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của nhân viên, bao gồm phi công và tiếp viên. Ở Indonesia, năm 2012 từng có trường hợp phi công của hãng hàng không giá rẻ Lion Air bị bắt vì dùng ma túy để giữ cho mình được tỉnh táo sau những chuyến bay liên tục.

Hang khong gia re co an toan?

Hành khách trên một chuyến bay của hãng giá rẻ JetBlue Airways - Ảnh: travelandtourismnews.com

Phân tích trường hợp máy bay AirAsia mang số hiệu QZ8501 mất tích ngày 28/12/2014, ông Robert Francis, cựu Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết, nó khá giống trường hợp máy bay Air France Flight 447 gặp nạn năm 2009 ở Đại Tây Dương. Vì công nghệ radar mới nhất không được áp dụng cho máy bay này nên buộc phi công phải thao tác thủ công, nhìn vào màn hình hiển thị để đánh giá độ ẩm và mưa, sau đó mới đánh giá tình trạng thời tiết. Đây là thao tác dựa vào phán đoán chủ quan nên có thể sai lầm. Cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 dù đã đáp ứng được 6.000 giờ bay theo quy định nhưng không lấy gì đảm bảo ông có đầy đủ kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống hay không.

Các hãng hàng không giá rẻ từng nhiều lần bị chỉ trích vì đặt lợi ích kinh doanh lên sự an toàn của hành khách. Ủy ban An toàn hàng không dân dụng Australia năm 2011 từng đình chỉ hoạt động của hãng Tiger Airways vì hãng này khi ấy không đạt được tiêu chuẩn an toàn của quốc tế. Thậm chí, một số máy bay của hãng này đã liều lĩnh bay trong điều kiện khoảng cách quá gần với một số máy bay khác. Ông Gabriel Mocho, Thư ký bộ phận hàng không dân dụng của Liên đoàn Hàng không quốc tế nói: “Không thể giảm chi phí bằng cách bỏ tiền thuê những phi công ít kinh nghiệm với giá rẻ để bù vào khoản tiền vé”.

Hang khong gia re co an toan?

Những vật dụng đầu tiên của hành khách chuyến bay QZ8501 được thấy trong ngày 30/12/2014 - Ảnh: Independent

Tuy nhiên, theo trang web AirlineRatings.com chuyên đánh giá chất lượng hàng không, vẫn có nhiều hãng hàng không giá rẻ đáp ứng tốt tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng phục vụ và quy chuẩn an toàn bay. Với AirAsia, hãng này nhiều năm liền nhận danh hiệu “Hãng máy bay giá rẻ tốt nhất châu Á”. QZ8501 mất tích là máy bay A320-200 mới đưa vào hoạt động sáu năm, khá “trẻ” với vòng đời tiêu chuẩn của máy bay dân dụng là 25 năm, và mới được bảo trì từ giữa tháng Mười một cho thấy phần nào việc đảm bảo quy chuẩn an toàn bay.

Mặt khác, số liệu các tai nạn hàng không cho thấy, không phải lúc nào “giá rẻ” cũng gây họa. Năm 2014 là năm thảm họa của ngành hàng không với hơn 1.000 hành khách đã thiệt mạng và mất tích trong khoảng 30 vụ tai nạn, nhưng chỉ có trường hợp AirAsia là hãng hàng không giá rẻ. Khảo sát của trang airsafe.com về các vụ tai nạn hàng không ở khu vực Bắc Mỹ với 10 hãng tên tuổi nhất, trong số 47 vụ tai nạn máy bay qua các năm, chỉ có một vụ là của hãng máy bay giá rẻ (AirTranValu Jet). Ở các khu vực khác, tỷ lệ số vụ tai nạn hàng không đối với các chuyến bay giá rẻ cũng rất thấp.

THIÊN ANH (IB Times, news.au.net, The Star)

An toàn hàng không Việt Nam: Không phân biệt giá rẻ hay truyền thống

Đó là khẳng định của ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam sau tai nạn của chiếc máy bay QZ 8501 của Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia). Ông Cường cho biết thêm, theo quy định của Việt Nam về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo dưỡng không phân biệt hãng hàng không chi phí thấp hay truyền thống với đầy đủ dịch vụ, không có bất cứ ngoại lệ nào.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Jetstar Pacific cho rằng, sự khác nhau giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ là về dịch vụ phục vụ hành khách, còn máy bay thì phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của cơ quan chức năng trong nước và quốc tế. Hàng không giá rẻ được hình thành bởi một số yếu tố, trong đó thứ nhất là hàng không giá rẻ sử dụng một đội máy bay thuần chủng, dẫn đến chi phí thay thế phụ tùng thấp; thứ hai là giờ sử dụng máy bay cao hơn hàng không truyền thống; thứ ba là chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản cho hành khách và chỉ cung cấp đồng hạng ghế phổ thông.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI