Hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó vì corona

31/01/2020 - 17:04

PNO - Các biện pháp ngăn ngừa virus corona tại nhiều cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam rớt giá vì khó tiêu thụ.

Sáng 31/1, Bộ Công thương họp bàn giải pháp ứng phó với dịch nCoV của đối với ngành ngay sau cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai nhiệm vụ sau Tết và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) hôm qua (30/1).

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện phía Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu nên ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu thụ hàng hoá, nhất là mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam. Rõ nhất là mặt hàng thanh long hiện đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn).

Nông sản Việt tới cửa khẩu đành quay đầu trở về vì Trung Quốc đóng cổng biên giới. Ảnh minh hoạ
Nông sản Việt tới cửa khẩu đành quay đầu trở về vì Trung Quốc đóng cổng biên giới. Ảnh minh hoạ

Theo Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, để đối phó dịch nCoV nên Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, Trung Quốc đã thông báo việc tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hoá của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây với Việt Nam làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huỷ hợp đồng nhập khẩu hoặc chậm thực hiện đơn hàng nhập khẩu đã ký kết. Trung Quốc cũng đã hạn chế việc đi lại của người dân nên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, dịch vụ trong nước.

Ngoài ra, đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, việc hạn chế đi lại, nhất là với khách du lịch sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ, các lĩnh vực kinh doanh ăn uống và vui chơi, giải trí. Tổng mức bán lẻ hàng hoá sẽ bị giảm.

Giải pháp mà Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đưa ra là cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc thì cần nghiên cứu tìm thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hoá của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thuỷ sản. Điển hình như với mặt hàng gạo sẽ tập trung chào hàng vào các thị trường như: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc hay châu Phi. Cà phê có thể tìm kiếm thị trường mới tại khu vực Trung Đông, còn với trái thanh long có thể mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan… “Dư địa tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu này còn rất lớn”, bà Oanh nói.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đối với mặt hàng sắn lát, trái cây và một số loại nông sản khác rất khó tìm thị trường mới vì phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Do đó, cùng với việc tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu thì cũng cần tính tới khai thác tốt hơn thị trường trong nước.

Bộ trưởng, Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng, Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây mới là những nhận định bước đầu và giải pháp đưa ra chỉ là gợi mở. Bộ Trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, cần đánh giá một cách tổng quan, toàn diện trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn.

Đồng thời, cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với những giải pháp cấp bách trong ngắn hạn thì các đơn vị phải nghiên cứu đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh, đồng thời Bộ trưởng cho đây là thời điểm chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế.

Ngoài ra, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI