Hàng hóa về TPHCM lưu thông như thế nào khi không còn chợ đầu mối nào hoạt động?

07/07/2021 - 06:49

PNO - Hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM sẽ trực tiếp đến chợ truyền thống, các điểm phân phối, bán lẻ sau khi các chợ đầu mối của TPHCM tạm dừng hoạt động.

Trước tình hình cả ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đều phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết sở đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, gây thiếu hụt nguồn hàng, biến động giá cả.

Sở đã thông tin đến Sở Công thương 22 tỉnh, thành Nam bộ về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền và đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống. Về việc chợ đầu mối Thủ Đức tạm ngưng hoạt động vào 8g ngày 7/7/2021, sở đang tiếp tục trao đổi với các đơn vị để có giải pháp bổ sung kịp thời. 

Không thể mua bán trực tiếp tại các chợ đầu mối, nông sản, thực phẩm từ các tỉnh về TPHCM sẽ được điều phối thẳng đến các điểm bán lẻ.
Không thể mua bán trực tiếp tại các chợ đầu mối, nông sản, thực phẩm từ các tỉnh về TPHCM sẽ được điều phối thẳng đến các điểm bán lẻ.

Trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết: “Việc điều chỉnh hoạt động của các chợ đầu mối có ảnh hưởng nhất định đến các chuỗi cung ứng nhưng vẫn có phương án cụ thể để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thương nhân giao dịch không trực tiếp… trong điều kiện nghiêm ngặt phòng, chống dịch và chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy trong quá trình hoạt động. Theo kinh nghiệm của chợ đầu mối Hóc Môn sau hai tuần tạm ngưng hoạt động giao thương tại chợ thì việc cung ứng, phân phối hàng hóa vẫn được điều hành trôi chảy, sự nỗ lực của các thương nhân đã góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân TPHCM thông suốt”.

Bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TPHCM thông suốt, ổn định, Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Đặc biệt, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; đồng thời siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch. Sở cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa. 

“Nguồn hàng hóa của TPHCM vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Hiện Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có các điểm bán phải tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, sở cũng đang phối hợp các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua việc triển khai các chương trình Siêu thị mini 0 đồng, Chợ nghĩa tình…”, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định. 

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI