Hàng hóa về nhỏ giọt, tiểu thương e dè mở cửa lại sau tết

18/02/2021 - 06:02

PNO - Bắt đầu từ mùng 5 - 6 Tết, hầu hết các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, do sức mua yếu nên nguồn hàng vẫn chưa nhiều.

Tại các chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền... từ mùng Sáu, nguồn hàng đã bắt đầu tăng nhẹ về số lượng, tuy nhiên tổng lượng hàng vẫn chưa bằng một nửa so với ngày thường.

Một sạp thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền, TPHCM. Ảnh: Quốc Thái
Một sạp thịt heo tại chợ đầu mối Bình Điền, TPHCM - Ảnh: Quốc Thái

Ngày 17/2 (mùng 6 Tết), tại chợ đầu mối Hóc Môn, nguồn thịt heo về chợ đang đà tăng, nhưng số lượng vẫn chưa bằng 1/4 ngày thường. Cụ thể, nếu trung bình mỗi ngày chợ tiêu thụ từ 5.000 con heo, cao điểm cận tết có ngày tiêu thụ gần 10.000 con, hiện số lượng heo về chợ là 1.570 con, một ngày trước đó 16/2) chỉ có 839 con.

Về mặt bằng giá cả, tại chợ sỉ, giá heo hơi trung bình 78.500 đồng/kg không biến động nhiều trong khi giá thịt heo mảnh (thịt heo sỉ) bình quân từ 110.000-115.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước tết. Giá nhiều loại thịt pha lóc bán lẻ tại chợ tăng cao, chẳng hạn sườn non hiện 180.000 đồng/kg, tăng gần 40.000 đồng/kg, thịt nạc dăm 123.000 đồng/kg...

Lượng hàng rau củ quả về chợ đầu mối Hóc Môn cũng chưa hồi phục, hiện ở mức bình quân 1.300 tấn/đêm, giảm khoảng 50% so với trước tết.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, 2-3 ngày trở lại đây hàng hóa đã bắt đầu về trở lại, nhưng do sau tết nông dân vẫn chưa phục hồi sản xuất, thu hoạch… nhu cầu thị trường thấp nên hàng về rất ít.

Ông Nguyễn Nhu - Phó giám đốc Chợ đầu mối Thủ Đức cho hay, những ngày chợ mở cửa trở lại sau tết, hàng hóa về chợ chỉ khoảng 1.500-2.000 tấn/đêm. Ngày mùng Sáu tết (17/2), chỉ có khoảng 3.000 tấn rau, củ, quả về chợ - vẫn chưa bằng một nửa số lượng ngày thường. 

“Mặc dù có hạn chế về số lượng do mới mở cửa trở lại sau tết, nhưng giá cả vẫn chưa biến động nhiều”, ông Nhu khẳng định.

Cũng theo ông Nhu, sở dĩ tình hình kinh doanh cầm chừng, nhỏ giọt là do nhiều tiểu thương, thương lái, hộ sản xuất và người tiêu dùng đang trong thời điểm khởi động trở lại. Khoảng gần 1 tuần nữa tình hình mua bán mới có thể trở lại bình thường.

“Với nhóm hàng rau củ quả, mọi năm tiểu thương sẽ bắt đầu lấy hàng ồ ạt khoảng 1-2 ngày trước rằm tháng Giêng (15 âm lịch) để phục vụ cho nhu cầu cúng rằm, sau đó nguồn cung, cầu sẽ ổn định”, ông Nhu chia sẻ.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, do người tiêu dùng có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng, giảm dần thói quen tập trung mua sắm, tích trữ trước tết nên sức mua những ngày sau tết có tăng so với cùng kỳ.

Theo ông Tú, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, kể cả trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; sẵn sàng các phương án tổ chức phân phối, bán hàng lưu động, không để thị trường thiếu hàng, biến động giá. Nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm… và các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như khẩu trang, nước rửa tay… cũng sẽ luôn được bảo đảm.

Tại các chợ lẻ, từ sáng mùng Hai tết đã có một số sạp bán rau củ quả mở hàng bán trở lại, tuy nhiên phần lớn là lượng hàng còn tồn từ trước tết. Dù hàng không mới nhưng do nhiều sạp chưa mở lại nên giá bán đều được điều chỉnh tăng thêm từ 10-20%. Số lượng tiểu thương bán tăng dần từ mùng Ba Tết trở đi và đến mùng Sáu, khoảng 70-80% các sạp bán thực phẩm tươi sống bán trở lại. Riêng các sạp quần áo, giày dép, gia dụng... hầu như chưa mở hàng. 

Theo tiểu thương tại một số chợ như Gò Vấp, Nguyễn Văn Trỗi, Tân Sơn Nhất... lượng hàng về chợ trong ngày 17/2 đã khá đầy đủ, có một số mặt hàng về ít hơn nên giá cao hơn những ngày giáp Tết. Chẳng hạn nhóm hàng rau ăn lá như rau mồng tơi từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg rồi 30.000 đồng/kg, các loại cải cũng tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy loại. Cải xanh, rau muống từ 20.000-25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), bầu, bí từ 15.000 lên 20.000 đồng/kg; đậu que, cà rốt 30.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg, cà chua 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Chị Thu, bán rau ở chợ Căn Cứ 26 A (Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp) giải thích, đối với một số loại rau củ do nguồn hàng về ít, nhu cầu rau xanh sau Tết lại cao nên giá bán tăng hơn. 

Trong khi đó giá cả các mặt hàng trái cây có xu hướng giảm 15-20% so với cao điểm Tết, như: thanh long từ 40.000 - 45.000 đồng/kg giảm còn 35.000 đồng/kg, táo Mỹ 90.000 đồng/kg giảm còn 80.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc từ 100.000-120.000 đồng/kg giảm còn 90.000 đồng/kg, vú sữa, mãng cầu ta (na), mận cũng giảm giá khá mạnh...

Chị Hà, tiểu thương bán trái cây ở chợ Gò Vấp cho biết, hầu hết các loại trái cây hiện về chợ gần như đủ hàng, chỉ số ít trái mùa không có hoặc có ít nên  nên giá cao, đơn cử  là bưởi da xanh vì là nhà vườn đã hết hàng, khan hàng, giá tăng từ 30.000-35.000 đồng/kg lên 40.000 – 45.000 đồng/kg…

Quốc Thái - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI