Chợ vắng, hàng ế, giá không tăng
Thông thường, hai ngày cuối tuần, chợ Căn cứ 26A (Lê Thị Hồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tấp nập cảnh mua bán, người đi chợ nườm nượp phải chen lấn nhau, chờ tới lượt để mua cá, tôm, thịt, rau củ… dẫn tới kẹt xe.
Trái cảnh tượng này, hai ngày cuối tuần mưa bão khiến chợ vắng tanh, người mua không thấy, người bán ngồi chống cằm thở dài.
|
Rau củ quả về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức giảm nhẹ do ảnh hưởng mưa bão. |
Chị Hân, 42 tuổi, bán cá ở chợ hơn 10 năm nay cho biết: “Chưa bao giờ chợ ế như lúc này, chỉ bán được chốc lát buổi sáng, buổi chiều dẹp nghỉ luôn vì chẳng có người mua. Các mối ngày thường hay gọi lấy hàng nay cũng im ru”.
Ngày thường, chị Hân lấy hàng từ chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM khoảng 40 – 50 kg cá các loại (rô, lóc, điêu hồng), lươn, ếch và bán hết trong ngày. Thậm chí, vào cuối tuần, đến trưa có khi hàng “hết vèo”. Nhưng hai ngày qua, chị Hân cũng nhập chừng ấy hàng nhưng bán trong hai ngày vẫn không hết.
Giá hàng nhập vào, bán ra vẫn ổn định, không tăng. Cụ thể, cá điêu hồng mua 45.000 đồng/kg, bán 60.000 đồng/kg, cá rô mua 40.000 đồng/kg, bán 55.000 đồng/kg, cá lóc và ếch mua 53.000 đồng/kg, bán 60.000 đồng/kg, lươn mua 170.000 đồng/kg, bán 200.000 đồng/kg.
|
“Chợ vắng, hàng ế, mai bán tiếp” là tình cảnh chung của tiểu thương nhiều chợ lẻ trong hai ngày mưa bão cuối tuần qua. Thậm chí, nhiều tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.Phú Nhuận), chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh),… cho biết gần chiều mà hàng rau ăn lá vẫn còn đầy ắp, không người mua, người bán phải giảm giá mạnh, chỉ bán giá vốn, thậm chí lỗ để đẩy nhanh hết hàng vì sợ rau để lâu hỏng dập phải bỏ đi.
Như rau muống, rau dền cơm giá 14.000 đồng, 16.500 đồng/bó giảm chỉ còn 9.000, đồng, 12.000 đồng/bó; bông cải xanh ngày thường bán 45.000 đồng/kg, ngày mưa giảm xuống 38.000 đồng/kg… Song, hàng vẫn ế!.Đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền cho biết: ảnh hưởng mưa bão, lượng hàng về chợ hai ngày cuối tuần qua giảm nhẹ.
Chợ đầu mối Thủ Đức từ hơn 5.000 tấn rau củ quả vào hai ngày cao điểm rằm trước đó (20, 21/11 dương lịch) giảm dần xuống còn 3.400 – 3.500 tấn vào ngày 24/11. Một số mặt hàng rau ăn lá, rau gia vị (rau cải, mồng tơi, xà lách, hành, ngò rí,…) bị hư hỏng, dập nát do mưa.
Riêng mặt hàng thủy hải sản về chợ Bình Điền khoảng 70 – 80% lượng hàng từ các tỉnh miền Tây, chỉ 20 – 30% lượng hàng từ Nha Trang, Phan Thiết vào. Vì vậy, tổng lượng hàng về chợ không bị ảnh hưởng nhiều do bão, chỉ giảm nhẹ từ 1.200 tấn xuống còn 1.100 tấn, do một số tàu bè cập bến tránh bão.
Chị Nga – thương nhân chợ đầu mối Bình Điền cho biết, mưa gió hàng bán chậm nên tiểu thương chợ lẻ cũng giảm lượng hàng nhập vào, có mối hai ngày qua chỉ lấy một lần hàng. Sức mua giảm nên giá cả các mặt hàng giảm nhẹ, tùy buổi chợ, giá dao động: tôm sú 320.000 – 330.000 đồng/kg (loại 1), 140.000 – 150.000 đồng/kg (loại 2); mực ống, mực lá loại 1, 2, 3 giá lần lượt 160.000 – 220.000 – 230.000 đồng/kg,…
|
Các bà nội trợ tranh thủ đi siêu thị mua nhiều tôm, cá để trữ dùng dần trong tuần do mưa gió ngại đi chợ nhiều lần |
Siêu thị: lượng hàng ổn định, sức mua tăng giảm tùy nơi
Ghi nhận tại một số siêu thị Co.op Mart, Big C, LOTTE Mart,… cho thấy, lượng khách tham quan, mua sắm trong hai ngày cuối tuần qua giảm so với những tuần trước. Phần lớn khách đi siêu thị mua thực phẩm thiết yếu rồi về chứ không kết hợp ăn uống, vui chơi, giải trí.
Các quầy hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, rau củ quả vẫn đầy ắp hàng, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Chị Giang, 38 tuổi đang mua sắm ở siêu thị Co.op Mart Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp) tay vừa lựa rau củ, vừa cho biết chị tranh thủ mua thực phẩm dùng đến giữa tuần mới đi siêu thị lại.
“Bình thường tôi mua thực phẩm chỉ dùng trong hai ngày thôi nhưng thời tiết mưa bão vầy ngại đi nhiều lần nên mua ăn trong bốn ngày luôn. Tôm, cá, thịt về rửa sạch, chia sẵn từng phần đủ nấu một bữa ăn, đựng trong hộp nhựa bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh; còn rau ăn lá quấn giấy để giữ lâu không hư, ăn trước; các loại bầu, bí đao, bí đỏ,… thì ăn sau”, chị Giang chia sẻ.
Đại diện các siêu thị cho biết, lượng hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cung ứng cho người dân mua sắm, giá cả ổn định do siêu thị đã ký hợp đồng lâu dài với nhà cung cấp.
Nếu có điều chỉnh giá, nhà cung cấp phải thông báo trước một tháng, siêu thị xem xét các lý do, nếu hợp lý thì mới áp dụng tăng giá theo yêu cầu.
|
Ngoài thực phẩm tươi sống thì nhóm hàng thực phẩm công nghệ, như: mì gói, dầu ăn, các loại bún khô, nuôi, nước chấm, gia vị, giò chả,… cũng được chọn mua nhiều.
Ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op, khẳng định hệ thống siêu thị Co.opmart, Coopxtra và Co.op vẫn còn trữ lượng hàng hoá nhu yếu phẩm rất lớn, đủ sức đáp ứng sức mua tăng đột biến trong những tuần tới. Sức mua thực phẩm tươi sống chủ yếu là thịt heo và gà, nhu cầu thuỷ hải sản không cao, chỉ tăng nhẹ nên không bị khan hàng.
"Các siêu thị cũng đang tích cực triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ con người và tài sản, hàng hoá trong điều kiện mưa bão, cũng như phối hợp với các cơ quan địa phương để theo dõi tình hình ảnh hưởng của mưa bão để hỗ trợ, cứu trợ kịp thời cho bà con khi cần thiết”, ông Đức cho biết.
|
Người tiêu dùng chọn mua thêm hàng củ để bảo quản được lâu hơn, rau xanh ăn trước, củ ăn sau |
Đại diện LOTTE Mart cho biết sức mua trong hai ngày qua có phần giảm nhẹ do ảnh hưởng mưa bão, hàng hóa vẫn đảm bảo cung ứng, riêng mặt hàng thủy hải sản có bị ảnh hưởng, giảm nhẹ do thuyền bè không ra khơi đánh bắt được.
Nhìn chung, các siêu thị đều đã sẵn sàng các phương án ổn định lượng hàng, giá cả để người dân yên tâm, không sợ thiếu thực phẩm tươi sống, thiết yếu trong những ngày này. Tiểu thương các chợ lẻ muốn bán hàng nhanh, không có hiện tượng “té nước theo mưa”, “khan hàng giá tăng” như trước đây.
Nguyễn Cẩm