Hang Hỏa Tiễn - nơi “tuổi 20 hóa thành bất tử”

29/09/2024 - 06:36

PNO - Gần 60 năm trước, 33 TNXP làm nhiệm vụ vá lại tuyến đường sắt từ Thanh Hóa vào Vinh. Trong lúc 33 TNXP đang trú ẩn thì bị bom Mỹ ném sập hang, vĩnh viễn nằm lại vùng núi đá vôi ở tuổi thanh xuân phơi phới.

Nơi trú ẩn thành nơi an nghỉ

Hang Hỏa Tiễn là một hang động tự nhiên, được hình thành từ hàng triệu năm trước, nằm trong dãy núi Eo Kin ở TX Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An).

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, hang đá này còn được gọi là hang Tổ 4 khi được Tổ 4 (đơn vị C271 đội 27 TNXP) chọn làm nơi trú ẩn trong thời gian phục vụ bảo vệ huyết mạch giao thông tại khu vực Hoàng Mai.

Hang Hỏa Tiễn ẩn mình trong dãy núi đá vôi
Hang Hỏa Tiễn ẩn mình trong dãy núi đá vôi

Với vị trí “yết hầu” trên con đường chi viện cho miền Nam, Hoàng Mai trở thành trọng điểm đánh phá điên cuồng của địch trong thời kỳ chống Mỹ. Người dân địa phương vẫn thường nhắc đến câu ca “Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng…” để gợi nhớ về những chiến công chống giặc ngoại xâm ở nơi địa đầu xứ Nghệ.

Địch ra sức tàn phá, quân, dân và lực lượng TNXP ở Hoàng Mai vẫn đảm bảo giao thông thông suốt với khẩu hiệu “qua sông không cầu, chạy tàu không ga”, “địch phá ta sửa ta đi”.

Ngoài ra, Hoàng Mai còn có một vùng núi đá vôi tốt, trữ lượng lớn, có thể khai thác, sản xuất vật liệu phục vụ cho việc san lấp, hàn gắn các tuyến đường trong thời chiến. Với lợi thế này, Hoàng Mai được tác chi viện cho chiến trường miền Nam, nên đã tăng cường các lực lượng bảo vệ tuyến đường này.

Tháng 4/1965, Bộ Giao thông vận tải thành lập đơn vị C271, Đội 27 để bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch và sản xuất nguyên liệu đá đáp ứng công tác bảo đảm giao thông, khu vực Thanh Hóa - Vinh.

Trong đó, Tổ 4 có 36 thành viên (14 nam 22 nữ) là lực lượng TNXP do Trung ương Đoàn chi viện sang làm nhiệm vụ vừa khai thác đá ở mỏ đá Hoàng Mai, vừa khôi phục, khai thông đường sắt và sửa chữa cầu hỏng ngay sau khi bom Mỹ đánh phá.

33 TNXP hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ
33 TNXP hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ

Trong quá trình bảo vệ huyết mạch giao thông tại Hoàng Mai, đơn vị thấy hang Hỏa Tiễn được “ngụy trang” trong rừng cây nên chọn làm nơi trú ẩn.

Sáng 28/4/1966, khi các TNXP đang vận chuyển những khối đá cuối cùng để hoàn thành đoạn đường ray còn lại, thì tiếng kẻng báo động vang lên, mọi người lập tức rút vào hang trú ẩn. Lúc này, máy bay địch nhào tới ném một loạt bom, bắn đạn rốc két làm rung chuyển cả vùng.

Tiếng bom vừa dứt, toàn bộ hang chìm trong khói bom dày đặc, bụi bay mịt mù. Cửa hang Hỏa Tiễn bị trúng bom, đổ sập che kín lối vào. 30 TNXP đang trú ẩn trong hang hy sinh tại chỗ, 3 người còn lại được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Từ đó, hang đá này được công nhân mỏ đá và người dân địa phương gọi là hang Hỏa Tiễn.

“Nâng tầm” cho di tích lịch sử

Am thờ các liệt sỹ được dựng ngay trước cửa hang Hỏa Tiễn
Am thờ các liệt sĩ được dựng ngay trước cửa hang Hỏa Tiễn

Sau khi mất, các liệt sĩ được đồng đội khâm liệm và mai táng ở sườn đồi cạnh hang Hỏa Tiễn. Họ là những thanh niên nhiệt huyết còn ở độ tuổi mười tám đôi mươi, xuất thân từ những vùng quê nghèo ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình... đã mãi nằm lại ở vùng núi đá vôi ở Hoàng Mai. Năm 2007, cán bộ công nhân viên ngành đường sắt đã góp công sức xây dựng công trình tưởng niệm các liệt sĩ ngành đường sắt.

Cụm di tích hang Hỏa Tiễn cách quốc lộ 1A khoảng 2km. Trong đó, hang Hỏa Tiễn có diện tích gần 100m2, chia làm 2 nhánh chính, có sức chứa hàng chục người; và một số hốc nhỏ sức chứa 1-2 người.

Phía trước cửa hang là khuôn viên rộng 600m2, được bố trí đài dâng hương, bia đá khắc tên các liệt sỹ hy sinh tại đây. Cách cửa hang chừng 300m là Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt - nơi an nghỉ của 33 TNXP.

Gạch lát nền khuôn viên di tích bị bong tróc
Gạch lát nền khuôn viên di tích bị bong tróc
Đường vào di tích vẫn là đường đất mù mịt bụi vào mùa hè, lầy lội mùa mưa
Đường vào di tích vẫn là đường đất mù mịt bụi vào mùa hè, lầy lội vào mùa mưa

Năm 2011, hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ đường sắt được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến nay đường vào di tích lịch sử quốc gia này vẫn là đường đất lầy lội, gạch lát nền khuôn viên trước cửa hang Hỏa Tiễn cũng đã bị bong tróc. Nơi “tuổi 20 hóa thành bất tử” dường như đang bị lãng quên!

Lãnh đạo UBND TX Hoàng Mai nói rằng, nhiều năm qua, hang Hỏa Tiễn trở thành địa chỉ để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít người biết đến nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 33 TNXP trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước này.

Hiện TX Hoàng Mai đang lập quy hoạch đầu tư, nâng cấp cụm di tích lịch sử này để tương xứng với một di tích lịch sử quốc gia và sự hy sinh của 33 liệt sĩ TNXP tại hang Hỏa Tiễn.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI