Hàng hiệu Việt Nam: "Lấp ló" đâu đó!

23/09/2015 - 14:08

PNO - Sau thời gian hội nhập thị trường, hàng hiệu Việt Nam đang tự mình rút khỏi cuộc chơi trước sự tấn công của các thương hiệu nước ngoài.

Hang hieu Viet Nam:

Thời trang Việt đã được chú trọng đầu tư thương hiệu thông qua thiết kế, công nghệ, chất liệu... nhưng vẫn thiếu chuỗi hệ thống nhãn hiệu - Ảnh minh họa

Mạnh đầu tư thương hiệu

Điểm lại một số thương hiệu VN tiên phong trong phân khúc hàng cao cấp như sơ mi, quần tây, veston có Sanciaro, Manhattan, Mattana, Pierre Cardin, An Phước; giày, túi xách, thắt lưng có Gosto, Cincinnati, Việt Khánh Phú, Việt Thành, Dolly; nữ trang có PNJ…

Dẫu ít và chưa thể “sánh vai” với những thương hiệu nổi tiếng, thế nhưng sự có mặt của những thương hiệu cao cấp VN ở những trung tâm mua sắm hiện đại, những con đường thời trang cao cấp như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng (TP.HCM)… bên cạnh các sản phẩm (SP) nổi tiếng toàn cầu như Louis Vuitton, Boss, Valentino, Hermès, Versace, Armani, Ferragamo… đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, ít nhiều đạt thành công trong việc góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt đối với người tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, một số thương hiệu của các nhà thiết kế (NTK) như MH (Minh Hạnh), Nguyễn Công Trí, Valenciani (Nguyễn Phạm Anh Tuấn), Thủy Design House (Thủy Nguyễn), qb (Quốc Bình)… cũng tạo đẳng cấp thời trang khi nhắm vào người tiêu dùng muốn tìm gu thẩm mỹ riêng.

Có thể nói, bên cạnh phong cách thời trang, chất lượng SP, thì yếu tố giá cao là đích nhắm của hàng hiệu VN. Có những SP quần áo thời trang, phụ kiện như dây nịt, túi xách… có giá từ 600.000đ - hai triệu đồng, thậm chí có những bộ thời trang giá bốn-năm triệu đồng, hay những chiếc túi xách bằng chất liệu da rắn của Gosto, da cá sấu của Việt Thành, Tồn Phát… giá từ tám triệu - trên mười triệu đồng/cái, thậm chí gần 40 triệu đồng/cái.

Để có được những SP được người tiêu dùng công nhận hàng cao cấp là cuộc “cách mạng” đột phá về công nghệ lẫn ý tưởng. Với Việt Tiến, khi ra mắt sơ mi cao cấp Sanciaro, ngay từ đầu, công ty đã mạnh dạn đặt cược vào cuộc cạnh tranh với hàng ngoại nhập có tên tuổi trên thế giới.

Công ty đầu tư công nghệ kỹ thuật may hiện đại nhất với giá trị lên đến cả triệu đô la. Tương tự, thời trang Mattana của May Nhà Bè không ngần ngại trang bị hệ thống may veston cao cấp trong thời điểm hàng ngoại chiếm ưu thế về SP này.

Bà Vu Lệ Quyên, Giám đốc thương hiệu Gosto nói: “Chúng tôi có kinh nghiệm sản xuất cho nhiều nhãn hiệu thời trang toàn cầu, có quy trình kiểm soát chất lượng SP theo quy chuẩn quốc tế, nguyên liệu nhập từ Ý và Ấn Độ, vì thế rất tự tin vào chất lượng của mình”.

Trong khi đó, đại diện một số thương hiệu như Việt Thành, Cincinnati… khẳng định rằng, việc chọn vị trí mặt tiền đường ở Đồng Khởi cũng như các trung tâm thương mại cao cấp nói lên sự vững tin vào SP có chất lượng tương đương hàng ngoại nhập.

Mặt khác, các yếu tố về thẩm mỹ, xu hướng thời trang trong những SP cao cấp được cập nhật và dự báo khá nhanh nhạy. Ví dụ mùa nào chất liệu đó, hoa văn, sắc màu, phom dáng đều theo kịp thời với xu hướng thời trang đang thịnh hành trên toàn cầu, kể cả bao bì SP, các giá trị cộng thêm về dịch vụ chăm sóc khách hàng.

NTK Minh Hạnh cho biết, người mua hàng cao cấp biết rõ mình muốn gì, vì thế giá trị hàng hóa sẽ được nâng cấp khi giá trị thương hiệu được xây dựng trên cơ sở sự tự tin và tôn trọng khách hàng.

Phải độc đáo vượt trội

Trên thế giới, khái niệm hàng hiệu đi kèm với những tiêu chuẩn gắt gao về SP như chất lượng cao; thể hiện được sự độc đáo và sáng tạo; “ra lò” với số lượng giới hạn vì nhắm vào những đối tượng khách hàng thượng lưu, đẳng cấp. Và đương nhiên, giá thành luôn ở mức cao.

Thực tế định nghĩa về hàng hiệu không dễ, thế giới không có một cơ quan nào cấp giấy chứng nhận hàng hiệu cho một thương hiệu. Hàng hiệu có loại chuyên về thủ công tinh xảo, trong đó có Rolex, Louis Vuitton, Cartier, Hermès… ghi dấu ấn bằng khả năng chế tác tuyệt đỉnh.

Tuy nhiên, cũng có những cái tên quen thuộc trong thế giới hàng hiệu như Polo Ralph Lauren, Calvin Klein, Tommy Hilfi ger với nhiều dòng hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của đa dạng nhóm khách hàng. Nhờ đó mà nhiều người có thể sử dụng hàng hiệu hơn.

Một trong những đặc điểm của hàng hiệu là mỗi SP đều có một mã số riêng, thể hiện chính xác SP ấy trong một lô hàng cụ thể.

Trong thế giới thời trang, một trong những cách mà một thương hiệu muốn được công nhận là hàng hiệu, chính là có bộ sưu tập SP xuất hiện ở những tuần lễ thời trang uy tín thế giới như Tuần lễ thời trang Paris, Milan, London, New York.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI