Hàng giả trên các sàn thương mại điện tử đe dọa sức khỏe người tiêu dùng

19/11/2024 - 15:53

PNO - Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa được mua bán và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn bất cập khi nhiều loại hàng hóa như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng… bán qua các nền tảng này bị làm giả với số lượng lớn.

Cụ thể, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, trong 9 tháng năm 2024, chỉ riêng lĩnh lực thương mại điện tử (TMĐT), lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 2.014 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 35,4 tỉ đồng và số tiền trị giá hàng hóa vi phạm là 29,4 tỉ đồng.

Kho
Địa điểm tổ chức livestream của TikToker Phan Thủy Tiên với hơn 4 triệu lượt follow - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Vụ việc điển hình xảy ra mới đây là Tổ TMĐT thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green do một hot TikToker có hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán trên TikTok, Facebook. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công Thương đánh giá, trong thời gian qua, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Trong đó, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng (NTD).

Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra đột xuất đối hộ kinh doanh hộ kinh doanh L.T.G.C - chủ tài khoản facebook “LT GC” thường xuyên đăng quảng cáo, bán mỹ phẩm là kem trộn các loại. Kết quả phát hiện, toàn bộ số hàng của hộ kinh doanh này đều không có nguồn gốc xuất xứ.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra đột xuất đối hộ kinh doanh hộ kinh doanh L.T.G.C - chủ tài khoản facebook “LT GC” thường xuyên đăng quảng cáo, bán mỹ phẩm là kem trộn các loại và phát hiện, toàn bộ số hàng của hộ kinh doanh này đều không có nguồn gốc xuất xứ - Ảnh: Cục Quản lý thị trường Tiền Giang

Theo Bộ Công Thương, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước; hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.

Điều này đã và đang dẫn tới hệ lụy - đó là việc NTD khi mua sắm qua các sàn TMĐT vô tình mua phải hàng giả, hàng nhái. Thực tế từ Báo cáo tổng kết kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) đã cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2023, Ủy ban đã tiếp nhận được 1.567 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD, trong đó TMĐT chiếm khoảng 5,5% - đứng thứ ba trong số các lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ nhận được phản ánh nhiều nhất. Các phản ánh phổ biến của NTD về hàng hóa mua bán qua sàn TMĐT liên quan đến các nội dung như: không đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa theo đơn hàng đã đặt hoặc không đảm bảo chất lượng dịch vụ vận chuyển, giao hàng.

Cũng theo thống kê của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, số vụ việc trong 9 tháng đầu năm 2024, Ủy ban đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại qua các hình thức như email hoặc bưu điện, công văn với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc đã được tiếp nhận. Mặc dù, đây chưa phải là con số được tổng kết hết năm 2024 nhưng với số vụ việc đó chiếm khoảng 9,4%, vậy so với năm 2023 là 5,5% thì tỉ lệ vụ việc về TMĐT đã tăng lên đáng kể. Điều đó phản ánh việc kinh doanh qua TMĐT vẫn tồn tại bất cập là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa được mua bán và giao dịch trên các sàn TMĐT.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Công Thương, hiện nay khung pháp lý của Nhà nước đầy đủ để quản lý, kiểm soát việc đảm bảo nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn TMĐT. Tuy nhiên, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên việc kiểm soát, quản lý và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hóa, sản phẩm còn hạn chế, chưa đồng bộ và vẫn còn nhiều trường hợp sai phạm vẫn lách luật. Vì vậy, để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn thì chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa các bên người bán hàng- người mua hàng- cơ quản quản lý Nhà nước. Riêng NTD, Bộ Công Thương khuyến cáo nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn TMĐT đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI