Hàng giả, hàng nhái lại tràn ra thị trường

13/11/2021 - 05:59

PNO - Sau thời gian dài giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm sút, tìm đến nguồn hàng có giá rẻ hoặc hàng giảm giá, khuyến mãi… Các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái đã lợi dụng điều này để tuồn hàng ra thị trường nhiều hơn, cấp tập hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn - cho biết, nón bảo hiểm giả, nhái Nón Sơn có xu hướng gia tăng sau đợt giãn cách xã hội. Hàng giả được bán trực tiếp tại các cửa hàng hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Mới đây, Công an TPHCM đã phát hiện một xưởng làm giả Nón Sơn rộng hàng ngàn mét vuông ở Q.Bình Tân; Công an Q.12, TPHCM cũng thu giữ hơn 4.000 nón bảo hiểm dán tem, in logo giả Nón Sơn rất tinh vi.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM - phản ánh, các sản phẩm nhựa gia dụng liên tục bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp (DN) ngành này thường tốn nhiều thời gian và chi phí đầu tư công nghệ, thiết kế mẫu mới nhưng chỉ vừa đưa ra thị trường là lập tức bị sao chép. Các DN sử dụng nhựa nguyên sinh nhập khẩu để sản xuất nên sản phẩm có chất lượng cao, trong khi các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái dùng nhựa có chất lượng kém nên giá bán rẻ hơn. Nhiều đối tượng còn đặt gia công hàng giả, nhái từ nước ngoài rồi chuyển về theo đường tiểu ngạch. 

Mỹ phẩm giả, kém chất lượng được chế biến trong xô, chậu bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ
Mỹ phẩm giả, kém chất lượng được chế biến trong xô, chậu bị lực lượng quản lý thị trường bắt giữ. Ảnh: QLTT

Theo ông Lý Thành Sinh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng - khi dịch COVID-19 bùng phát, công ty chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang nhưng liền bị làm nhái. Nhiều DN nhỏ nhập hàng Trung Quốc giá rẻ về dán nhãn “made in Vietnam”, “VNXK”, tên cơ sở sản xuất rồi tung ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Tình trạng này đến mức khiến nhiều DN trong ngành ngao ngán, chỉ tập trung xuất khẩu, không mặn mà bán hàng trong nước vì không cạnh tranh nổi với hàng nhái. 

Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn - thông tin, vài năm về trước, sản phẩm của Kềm Nghĩa bị làm giả, làm nhái với quy mô lớn. DN phải đẩy mạnh truyền thông, đổi mới bao bì liên tục với đủ tem chống giả, nhưng cũng không hiệu quả. Công ty buộc phải đầu tư chi phí rất lớn vào công nghệ khuôn dập nóng, giúp thương hiệu “Nghĩa” được khắc sâu trên thân kềm. Do công nghệ này vượt ngoài khả năng đầu tư của các cơ sở làm hàng nhái nên tình trạng này có giảm đi dù không thể dứt điểm được. Theo ông Trần Minh Tú, hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến doanh số mà còn làm sụt giảm uy tín của DN trên thị trường quốc tế. 

Ông Nguyễn Ngọc Tý kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt cần có biện pháp lành mạnh hóa môi trường bán hàng online để bảo vệ các DN làm ăn chân chính, nhất là khi dịch COVID-19 đang khiến DN sản xuất khó khăn, tài chính kiệt quệ. Ông đề nghị tăng mức phạt và xử lý hình sự đối tượng sản xuất hàng giả để đủ sức răn đe vì mức phạt hiện nay quá thấp (tối đa chỉ trên dưới 10 triệu đồng). Đồng thời, cần quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nào để tồn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên địa bàn. 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM Trương Văn Ba, trong tuần vừa qua, cơ quan này đã phát hiện, xử lý 31 trường hợp vi phạm, trong đó có chín trường hợp là hàng lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước đó ngày 27/10, QLTT phát hiện cơ sở ở số 536 Hồng Bàng, Q.11 kinh doanh phụ tùng ô tô có dấu hiệu giả nhãn hiệu Hyundai. Đầu tháng 11, QLTT phát hiện cửa hàng số 1305 Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp kinh doanh drap trải giường giả thương hiệu Chanel, Burberry, Louis Vuitton…

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI