Hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu cấm cứ cấm, bán cứ bán

08/04/2017 - 07:55

PNO - Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ nhập lậu hàng điện tử, điện gia dụng đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, tiền xử phạt và sản phẩm bị tịch thu không thấm tháp gì so với lợi nhuận kiếm được nên những hàng lậu này vẫn mặc sức được tuồn vào, bày bán trong nước.

Hang dien tu, dien lanh nhap lau cam cu cam, ban cu ban
Chi cục QLTT TP.HCM kiểm tra, xử phạt một điểm chứa sản phẩm điện lạnh nhập lậu

Tìm cách lách luật

Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định, không được nhập khẩu vào Việt Nam những mặt hàng đã qua sử dụng như hàng điện tử, hàng điện lạnh, hàng điện gia dụng… Luật Thương mại năm 2005 cũng ghi rõ: cấm kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng ở nước ngoài (hàng nhập lậu) trên lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nhiều cửa hàng trên địa bàn TP.HCM vẫn rao bán công khai những sản phẩm (SP) nhập lậu với đủ nguồn gốc như Nhật, Đức, Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Singapore…

Cửa hàng điện máy N.T. (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) đang rao bán công khai hàng trăm SP điện lạnh, điện tử cũ của Nhật như máy lạnh, máy rửa chén, máy lọc không khí, bếp từ, tủ lạnh với mức giá dao động từ 2,8-13 triệu đồng/SP. Chủ cửa hàng này cho biết, hàng cũ này được nhập từ nước ngoài về nên độc lạ, đời cũ, đời mới gì cũng có.

Sở dĩ cửa hàng bày bán công khai mà không bị cơ quan chức năng dòm ngó vì ngay trước cửa hàng có treo tấm bảng “thu mua SP điện lạnh đã qua sử dụng”. Cửa hàng chỉ bày bán một số SP cũ trong nước, còn SP cũ nhập khẩu được chứa tại một kho khác, nếu khách đồng ý giá, sẽ có người đem SP ra cho xem.

Chủ cửa hàng này nói, nếu cơ quan chức năng có kiểm tra, ông ta sẽ nói rằng đây là ve chai, vì hiện pháp luật chỉ cấm nhập, kinh doanh SP điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng ở nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam chứ không cấm thu mua, kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh cũ.

Ngay cả các cửa hàng chuyên bán đồ điện máy mới cũng bày bán các SP cũ nhập lậu. Chẳng hạn, cửa hàng M.L. trên đường Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM chuyên bán đủ loại máy lạnh mới, nhưng trong lúc tư vấn, nhân viên tiết lộ hiện có bán máy lạnh “secondhand” của Nhật với đủ thương hiệu như Toshiba, Daikin, Panasonic, Sharp với giá dao động từ 4-10 triệu đồng/SP.

Khi được hỏi máy lạnh cũ này được nhập trực tiếp từ nước ngoài hay thu tại TP.HCM rồi bán lại, một nhân viên cho biết cửa hàng nhập trực tiếp hàng cũ, sau đó một nhân viên khác ra đính chính rằng đây là máy cũ mua lại từ khách hàng trên khắp cả nước, sau đó tân trang rồi bán.  

Khu chợ điện tử trên đường Nhật Tảo, Q.10, TP.HCM, hiện bán đủ loại hàng điện tử cũ ngoại nhập như micro, loa, ampli, ti vi…

Một chủ cửa hàng không giấu giếm: “Hàng điện tử, điện lạnh cũ hiện có hai loại: một loại thu mua từ người tiêu dùng, sau đó sửa chữa, làm mới lại rồi bán nhưng chiếm tỷ lệ rất ít vì xài không bền, ít được người tiêu dùng chuộng; một loại là hàng được nhập trực tiếp từ nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn, đa số đều mới 80% trở lên, không cần tân trang nhiều, xài bền, bán lời. Một số nơi né cơ quan chức năng bằng cách nói hàng thu mua trong nước nhưng thực chất đều là hàng nhập trực tiếp từ nước ngoài”.

Nguồn thu “khủng” từ hàng nhập lậu

Gần đây, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, Hải quan TP.HCM liên tục phát hiện và xử phạt nhiều điểm tàng trữ, chứa hàng điện tử, điện lạnh cũ nhập lậu. Cụ thể, chiều ngày 14/3, Đội 2A thuộc Chi cục QLTT TP.HCM bắt giữ kho hàng điện lạnh cũ tại Tỉnh lộ 2, xã Phước Vĩnh An, H.Củ Chi với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, gồm 326 cục nóng máy điều hòa, 111 cục lạnh máy điều hòa, đều là hàng cấm nhập khẩu, xuất xứ từ Trung Quốc và Nhật Bản.

Hang dien tu, dien lanh nhap lau cam cu cam, ban cu ban
 

Tại thời điểm kiểm tra, nhân viên nhà kho không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì có liên quan đến hàng hóa, chủ của lô hàng cũng không xuất hiện.

Vài ngày trước đó, Chi cục QLTT TP.HCM cũng phát hiện một container chở hàng cấm nhập khẩu khi vừa cập bãi giữ xe số 561 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong container chứa hàng trăm nồi cơm điện, máy lạnh đã qua sử dụng, trị giá hàng tỷ đồng, đều thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Hàng hóa trên xe cũng không có hóa đơn, chứng từ.

Ngày 13/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành mở niêm phong, khám xét ba container hàng nhập khẩu về cảng Cát Lái, phát hiện hàng trăm động cơ do Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu giao nhận vận tải Long Thành (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đứng tên làm thủ tục nhập khẩu.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, những lô hàng trên cập cảng Cát Lái từ giữa năm 2015 và khai báo hàng hóa là động cơ diezel máy ủi, máy đào đã qua sử dụng. Phía doanh nghiệp sau khi mở tờ khai đã không tiếp tục làm thủ tục thông quan hàng hóa, mặc dù phía hải quan đã mời nhiều lần.

Do nghi vấn có dấu hiệu gian lận thương mại nên hải quan đã đưa vào diện giám sát trọng điểm và đã khám xét, phát hiện bên trong chứa hàng trăm động cơ, linh kiện đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.

Các đối tượng buôn lậu thường dùng đủ chiêu trò để nhập hàng lậu vào nước ta. Có những đối tượng bị bắt khai đã vận chuyển kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu gần cả chục năm, sau khi bị xử phạt lại tiếp tục tái diễn.

Sở dĩ các đối tượng này “lờn” là vì hiện mức xử phạt vi phạm đối với hàng quá cảnh rất nhẹ, chỉ từ 5-30 triệu đồng. Việc xử lý vi phạm đối với hành vi tàng trữ, kinh doanh hàng nhập lậu cũng rất nhẹ, chỉ từ 200.000-50 triệu đồng, tùy số lượng hàng hóa nhập lậu nhiều hay ít. Trong khi đó, với một lô hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu trót lọt và đưa ra thị trường tiêu thụ, chủ lô hàng có thể thu về hàng tỷ đồng.

Theo một cán bộ thuộc Chi cục QLTT TP.HCM, để giải quyết vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay của người tiêu dùng như: tố giác khi phát hiện địa điểm chứa, kinh doanh SP lậu, không rõ nguồn gốc; tẩy chay, không sử dụng hàng trôi nổi, kém chất lượng…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI