Hàng chục quốc gia yêu cầu WHO trả lời về cáo buộc lạm dụng tình dục

29/05/2021 - 06:06

PNO - Ngày 28/5, hàng chục quốc gia lên tiếng trước các thông tin cho rằng các nhà lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã biết về các cáo buộc lạm dụng tình dục nhưng không báo cáo chúng.

53 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Anh và Nhật Bản, đã ra một tuyên bố chung yêu cầu lãnh đạo của WHO thể hiện "vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và gương mẫu" trong việc ngăn chặn lạm dụng tình dục.

Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin ban lãnh đạo WHO đã biết về các trường hợp lạm dụng tình dục bị cáo buộc ở Cộng hòa Dân chủ Congo nhưng không hành động. Một bài báo của hãng tin AP hồi đầu tháng còn nói thêm, các email nội bộ tiết lộ ban quản lý đã biết về các cáo buộc lạm dụng tình dục ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 2019.

WHO đã bị quay cuồng bởi một báo cáo cáo buộc lạm dụng phụ nữ bởi các nhân viên
WHO bị xáo trộn bởi các cáo buộc lạm dụng tình dục.

Phát biểu trước cuộc họp thường niên chính của WHO, Đại sứ Canada Leslie Norton cho biết, các nước muốn có "kết quả đáng tin cậy" trong việc giải quyết vấn đề này.

“Kể từ tháng 1/2018, chúng tôi đã nêu lên những quan ngại sâu sắc về các cáo buộc liên quan đến các vấn đề bóc lột và lạm dụng tình dục, cũng như lạm dụng quyền hạn đối với các hoạt động của WHO” - bà Leslie Norton nói.

Các quốc gia cũng đề cập vấn đề này một cách "mạnh mẽ và minh bạch" trong cuộc họp kín của ban điều hành WHO vào tuần trước.

53 quốc gia, bao gồm Úc, Brazil, Indonesia, Israel, Mexico Thụy Sĩ và Uruguay, cho biết để giải quyết thỏa đáng sự vụ, cần phải thay đổi văn hóa. Nó đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ và gương mẫu từ các nhà quản lý trong toàn tổ chức và cần có các biện pháp kỷ luật thích hợp.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói với đại hội rằng tổ chức đã bị xáo trộn rất nhiều bởi những cáo buộc này: “Bất kỳ hình thức, hành vi lạm dụng nào đều không phù hợp với sứ mệnh của WHO”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quay cuồng vào tháng 9 năm ngoái, sau cuộc điều tra kéo dài một năm do Hãng tin độc lập New Humanitarian và Quỹ Thomson Reuters tiến hành, ghi nhận cáo buộc của hơn 50 phụ nữ về hành vi bóc lột và lạm dụng, bao gồm cả gạ tình, ép buộc họ quan hệ tình dục... của các nhân viên cứu trợ - chủ yếu từ WHO nhưng cũng từ các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác - khi chống lại đại dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, từ 2018-2020.

Vào tháng 10/2020, WHO  thông báo họ đang thành lập một ủy ban độc lập gồm 7 người để điều tra sự thật, tìm kiếm nạn nhân và bắt giữ thủ phạm. Dự kiến, các báo cáo sẽ được đệ trình vào cuối tháng 8/2021.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết một số quốc gia thành viên đã thất vọng với tốc độ điều tra.

Chung Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI