Hàng 'chính hãng' hay 'xách tay'?

18/03/2018 - 06:00

PNO - Gần đây cánh chị em công sở rộ lên trào lưu săn hàng xách tay. Từ túi ví cho tới mỹ phẩm, váy áo, đồ ăn thức uống… rồi cả “đàn ông xách tay” thay cho “ông chồng chính hãng”.

Em vừa đổi xe chị ơi! Ngọc hào hứng khoe với đồng nghiệp thân thiết. Ngon rồi, giàu dữ hen, lên đời liền liền, coi vậy mà sướng... Chị bạn trầm trồ khen ngợi. Làm gì có, em được giai ủng hộ một ít đó chị. “Giai… xách tay”, chứ chờ “giai chính hãng” chắc em chết già chết khổ chết khô chết héo từ lâu rồi!

Hang 'chinh hang' hay 'xach tay'?
Ảnh minh họa

Liên quan tới “giai xách tay” của Ngọc, cô thường hạnh phúc tỉ tê với bạn, rằng mình may mắn có phước lắm mới quen được anh. Vừa giàu vừa sang, khéo chiều chuộng lại biết nhiều chốn ăn chơi, anh khiến cho cuộc sống của Ngọc trở nên thi vị đầy đủ hơn hẳn.

Không tẻ nhạt cứng nhắc như “giai chính hãng” ở nhà, từ ngày xài hàng xách tay kiểu ấy, Ngọc được nếm trải vài chuyến đi xa gần, ra vào mấy cái khách sạn gắn sao, từ áo quần cho tới phụ kiện, trang sức, mỹ phẩm đều lên đời thấy rõ. Và chẳng nhớ nổi từ khi nào, cô bắt đầu vô thức so sánh giữa “chính hãng” và “xách tay” của mình…

“Giai chính hãng”, tức là người chồng danh chính ngôn thuận của Ngọc, cha của hai thằng con trai nghịch ngợm ở nhà, có vẻ ngoài lùi xùi, ít khi biết để mắt sửa soạn tới hình thức. Nước hoa ư, là thứ mà anh luôn từ chối đụng đến dù Ngọc từng mua tặng chồng đủ mùi, đủ hiệu. Nói năng cũng chán phèo, ngay cả lên giường cũng vụng về, bao nhiêu năm trời cũng chỉ một “kịch bản” diễn đi diễn lại với sân khấu là chiếc giường cưới đến nay ngót nghét cũng chục tuổi.

Chồng Ngọc bảo, ăn gì cũng được, mì gói cũng xong, miễn sao vợ đừng có càu nhàu nhăn nhó vì việc nhà hay vì chồng không chải chuốt. Chồng ít quan tâm tới Ngọc, thường mải miết đi làm, thu nhập cũng làng nhàng, nên Ngọc chẳng mấy tự hào. Đàn ông, từng tuổi ấy mà cái gì cũng không biết, quanh đi quẩn lại cứ thấy mòn chán đến khó tin, lúc nào cũng ngơ ngơ như bò con lạc mẹ, thật dễ nản lòng. 

Ngọc âm thầm kết luận, rằng “giai xách tay” của mình đẳng cấp hơn hẳn. Sành điệu, lịch lãm, tâm lý, biết nói bao lời ngon ngọt, đối xử với cô cũng rộng rãi phóng khoáng, lâu lâu lại có quà, mà món nào cũng đúng gu Ngọc. Chàng là của hiếm đấy, chứ chẳng phải hạng ê hề ngoài đường ngoài chợ đâu. Ngọc thừa biết sự thật đó, nên cũng ra sức chăm chút mối quan hệ, để làm đẹp lòng người tình.

Anh thường có mặt ở những nơi nhiều người thành đạt, nên đương nhiên là nhiều gái gú theo đuổi. Làm ăn lớn phải thế, nên khi anh hỏi Ngọc có tiền nhàn rỗi không cho anh vay tạm, Ngọc chẳng chút e dè, rút sổ tiết kiệm về đưa ngay.

Vài lần anh trả đủ, đúng hẹn, kèm theo các khoản “cảm ơn” hậu hĩnh, Ngọc thấy mình sai sai khi thâm tâm từng có lúc đề phòng. Yêu đương là phải tin nhau. Lần này, Ngọc vét sạch quỹ đen để đưa anh đầu tư vào mảnh đất ở một quận vùng ven. Khi nào giá tăng cao thì mình bán lại lấy lời, tha hồ chi xài, Ngọc nhé.

Hang 'chinh hang' hay 'xach tay'?
Ảnh minh họa

Ngọc chưa kịp ôm mối lo mất trắng tiền nong, đã ngậm ngùi tìm cách đòi lại, sau một lần phát hiện trên điện thoại của anh vài đoạn clip nóng rẫy. Nhân vật nữ trong những thước phim giường chiếu ấy đều khác nhau, chỉ có nam chính là không đổi. Anh diễn rất sâu, thành thục cảnh ái ân mặn nồng, y như bao lần với Ngọc.

Hóa ra, có trải nghiệm nhiều thì người ta mới đủ sức khiến cho một người đàn bà không còn quá trẻ để ngây thơ như Ngọc, vẫn tin sái cổ vào thứ tình cảm ngoài luồng nhiều rủi ro nhưng cũng đầy lãng mạn…

Có thể dễ dàng nhận ra, gần đây cánh chị em công sở rộ lên trào lưu săn hàng xách tay. Từ túi ví cho tới mỹ phẩm, váy áo, đồ ăn thức uống… rồi cả “đàn ông xách tay” thay cho “ông chồng chính hãng”. Tâm lý công khai xài hàng xách tay lây lan mạnh mẽ trong giới đàn bà. Họ hí hửng ganh đua rồi chẳng ngại gì mà không phô phang với nhau, như một cách thể hiện bản thân còn “bén” ngọt đắt sô nhiều chậu.

Hàng xách tay nhiều mẫu mã bóng bẩy, đời mới hơn, thêm nữa là bản thân có cơ hội thử qua nhiều cái mới “chỉ riêng mình biết”. Hàng chính hãng tuy nguồn gốc và chứng nhận bảo đảm đấy nhưng đòi hỏi phải chi nhiều tiền hơn, lẫn yêu cầu phải đáp ứng các điều kiện bảo hành này nọ, phiền toái lắm. 

Ngọc nhớ có lần từng tỏ ra hỉ hả vui mừng khi quyết định mang cái laptop loại xịn ra một cửa hàng nho nhỏ gần công ty để sửa. Vừa rẻ vừa được nhân viên cưng chiều như trứng mỏng, máy chạy phà phà ngay. Nếu gọi cho bảo hành chính hãng, nó đòi đủ thứ giấy tờ. Mệt mỏi nhiêu khê và có khi rách việc. Ta dại gì không chọn loại hình cửa tiệm xách tay, cho nó lành!

Thế nhưng, ít bữa nửa tháng, vật dụng bất ly thân cho công việc của Ngọc đổ bệnh nặng, đình công im ỉm luôn. Lần này buộc phải mang ra chính hãng, Ngọc té ngửa khi biết lần trước mình đã được thay hàng đểu với giá cả tùy hứng, khiến cho toàn bộ máy tính bị ảnh hưởng. Cả dữ liệu cũng không cứu được. 

Hang 'chinh hang' hay 'xach tay'?
Ảnh minh họa

Hay như cách đây vài tháng, cũng “đu” theo trào lưu xách tay, Ngọc rinh về bộ mỹ phẩm dưỡng da của Pháp có giá chỉ hơn 2 triệu đồng, được cô chủ một shop xách tay cam đoan là hàng thật, giá rẻ như thế là do… “mua được giá sale bên đó”, trong khi nếu vào cửa hàng chính hãng, giá của bộ ấy lên đến hơn 7 triệu đồng. Để rồi chỉ sau lần sử dụng đầu tiên, da Ngọc bị kích ứng, mụn nổi đầy mặt, phải vào ra bệnh viện đến cả chục lần.

Một lần khác, Ngọc bỏ ra hơn triệu đồng để mua một chai nước hoa “hàng xách tay”. Tất nhiên là giá ấy chỉ bằng khoảng 1/2 so với hàng chính hãng mà trước nay Ngọc vẫn thường mua. Về dùng, thoạt đầu, Ngọc ưng ý lắm, thầm vui rằng thật hời vì mùi cũng y hệt những chai trước kia. Niềm vui kéo dài chưa hết một buổi sáng bởi chưa đến giờ nghỉ trưa, mùi hương mới sáng nay còn nồng nàn quyến rũ là thế giờ bỗng hóa… hư không trong khi đây là loại nước hoa bám mùi rất dai, có khi đến tận hôm sau.

Ngọc ngậm ngùi thừa nhận hóa ra hàng xách tay cũng có cái dở của nó - không hề được bảo hành, rủi ro hư hỏng phải tự mình gánh chịu. Hàng chính hãng tuy đắt tiền hơn nhưng tiền nào của nấy, được pháp luật và cả xã hội thừa nhận; mình cứ yên tâm mà dùng chứ chẳng phải nơm nớp lo âu.

Có bất trắc xảy ra mình còn… bắt đền được, chứ xài đồ xách tay không rõ ràng về xuất xứ, chẳng có giấy tờ hay chế độ gì để khiến mình yên tâm cả. Đàn bà nhiều khi vì ham của rẻ, mê phù phiếm, bị lóa mắt vì vài thứ trang trí lấp lánh, nên cứ tưởng “hàng xách tay” mới là sành điệu, chất lượng và là phương tiện để thể hiện bản thân.

Để hiểu ra bài học đắng đót mang màu sắc “kinh tế thị trường” ấy, Ngọc cũng phải đóng học phí khá là đắt. Trải qua vài bận ưa chuộng hàng xách tay chê bai đồ chính hãng, Ngọc nhận về kha khá ê chề mất mát. Người phụ nữ ấy đã hiểu rằng, hàng chính hãng ở nhà dù gồ ghề đơn điệu nhưng tốt gỗ hơn hẳn thứ nước sơn hào nhoáng của đồ xách tay, xứng đáng để mình an lòng sử dụng lâu dài.

 Vũ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI