Hãng bay chỉ thu lợi 1USD/1 khách, gặp mưa là trắng tay

17/05/2024 - 15:35

PNO - Giá vé máy bay trên thế giới đều tăng từ 17-25%, tại Việt Nam, do ảnh hưởng nhiều yếu tố như tỉ giá, chi phí nhiên liệu tăng, bất cập về quy định… giá vé rất khó hạ nhiệt

Tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp - cho rằng, thời gian qua có nhiều thông tin sai lệch dẫn đến nhiều người hiểu nhầm rằng ngành hàng không đang cố tình bán giá vé cao để hưởng lợi một mình, đường bay trong nước đắt hơn bay nước ngoài. Đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ các chương trình khuyến mãi, chứ không phổ biến.

Theo Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report), cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17-25% so với năm 2019. Chưa bao giờ giá vé máy bay đi Mỹ lại đắt như hiện nay, như giá vé hạng thương gia từ 3.000 - 4.000 USD đã tăng lên 9.000 - 11.000 USD, giá vé hạng phổ thông từ 750 - 900 USD lên mức 1.700 - 21.000 USD.

Ông Kỳ khẳng định, cả thế giới đều tăng giá vé máy bay chứ không chỉ ở Việt Nam. Chỉ duy nhất đường bay từ Việt Nam sang Thái Lan có giá mềm là nhờ họ cùng liên kết, tổ chức du lịch theo gói sản phẩm 3 trong 1 hoặc 4 trong 1. Họ chịu lỗ từ giá vé nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, mua sắm, sau đó cùng chia ra để bù lỗ. Hình thức này gần như chỉ có Thái Lan làm được.

Do ảnh hưởng nhiều yếu tố mà giá vé máy bay tại Việt Nam rất khó hạ nhiệt
Do ảnh hưởng nhiều yếu tố, giá vé máy bay tại Việt Nam rất khó hạ nhiệt

Tại Việt Nam, tổng tải thị trường hiện nay mất khoảng 50 chiếc máy bay. Toàn bộ công nghệ phục vụ bay và phương tiện bay, như phần mềm bay trên bầu trời cho đến quản lý dưới mặt đất, hệ thống check in - check out, sửa chữa động cơ, trang thiết bị… đều ở dạng thuê mua, rất ít đơn vị sở hữu nguyên chiếc máy bay. “Chúng ta không làm chủ công nghệ, cái gì cũng thuê thì rất bị động, kéo theo chi phí cao” - ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định.

Ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) - thông tin, hiện giá vé máy bay đã tăng từ 15-20% do ảnh hưởng từ chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 77% nhưng mức tăng giá vé vẫn thấp hơn so với mức trần Nhà nước quy định từ 43-76%.

Ông đưa ra ví dụ, so với năm 2019, mặt bằng giá xăng năm 2024 tăng 5.700 tỉ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỉ đồng, nằm ngoài tầm kiểm soát của các hãng hàng không chứ không riêng gì VNA. Trước đây, thời gian bảo hành 1 chiếc máy bay khoảng 150 ngày, hiện nay là 200-300 ngày. Chi phí thuê máy bay tăng gấp đôi nhưng rất khó thuê, các nhà sản xuất đang triệu hồi máy bay để bảo trì khoảng 10% lượng máy bay đang hoạt động, điều này dẫn đến năng lực vận tải của ngành hàng không giảm mạnh.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng VNA khẳng định đang nỗ lực tiết giảm các loại chi phí khoảng 10% so với hiện tại. Không chỉ tại Việt Nam mà cả ngành hàng không thế giới, lợi nhuận thu được chỉ khoảng 1 USD/khách (khoảng 25.000 đồng), nếu gặp các yếu tố bất lợi về thời tiết, phải bay đường vòng là coi như lợi nhuận bằng 0” - ông Đặng Anh Tuấn nói.

Ông Lê Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines (VU) - chia sẻ, hễ giá nhiên liệu tăng 1 USD sẽ kéo theo chi phí tăng 10% nên doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền VND mất giá 5% trong khi 70-75% cơ cấu tổng chi phí của ngành hàng không là chi trả bằng ngoại tệ. Trong khi đó, nhiều quy định còn đang gây khó cho doanh nghiệp như chỉ cho phép mỗi doanh nghiệp được thuê số lượng 30% trên tổng số máy bay đang có để bổ sung. Ví dụ, VU chỉ có 3 máy bay thì chỉ thuê thêm được 1 máy bay. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng khó do phải yêu cầu có tài sản đảm bảo trong khi tài sản của hãng phải đem cho thuê. Theo ông Lê Tiến Dũng, chỉ khi giải quyết được những bất cập về các quy định này thì mới có thể gỡ khó cho ngành hàng không.

Theo ông Nguyễn Bác Toán - Phó tổng giám đốc thương mại VietJetAir - để giá vé giảm về mức hợp lý, cần có chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại sân bay, tăng năng lực điều hành khai thác các cảng hàng không. Có như vậy thì mới giảm được thời gian quay đầu của các chuyến bay, tăng tần suất và năng lực vận hành khai thác, giảm giá dịch vụ các khung giờ bay đêm.

Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách miễn, giảm các loại thuế phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu. Cần thực hiện các chiến lược, chương trình quảng bá du lịch ở tầm quốc gia nhằm thu hút nhiều hơn nữa lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

“Xây dựng kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để người dân và du khách có thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi thông tin từ hãng hàng không để mua được giá vé hợp lý, đặc biệt là các dịp lễ tết” - ông Nguyễn Bác Toán đề xuất.

Mua vé máy bay 0 đồng, vì sao khách vẫn phải trả nhiều loại thuế phí?

Ông Nguyễn Cao Cường - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) - cho biết, theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về dịch vụ hạ cất cánh, phí một chuyến bay khứ hồi là 3 triệu đồng/chuyến, nếu chia bình quân đầu người thì giá là 20.000 - 21.000 đồng/khách. Còn giá dịch vụ hành khách và phí an ninh là 20.000 - 21.000 đồng/khách, phí dịch vụ mặt đất từ 60.000 - 90.000 đồng (tùy thuộc nhóm sân bay mà chia trung bình thì cũng từ 20.000 - 21.000 đồng/khách.

Thứ ba là phí dịch vụ cảng là 5.000 đồng/khách, cuối cùng là phí dịch vụ kỹ thuật khoảng 30.000 đồng/khách. Tổng 4 nhóm dịch vụ này, ACV thu khoảng 118.000 - 120.000 đồng/khách, cộng thêm khoản thu hộ nhà nước là 150.000 đồng/khách. Tất cả các mức phí này, từ năm 2019 đến nay đều không tăng. Đó là lý do vì sao khách mua vé máy bay 0 đồng vẫn phải trả phí vài trăm ngàn đồng.

“So với các nước, phí dịch vụ tại Việt Nam vẫn rẻ hơn. Hiện ACV đang thu phí dịch vụ ở các cảng hàng không với mức cao nhất là 90.000 đồng. Trong khi sân bay Đại Hưng lớn nhất Trung Quốc thu phí 3 triệu đồng, tại Thái Lan là 95.000 đồng, sân bay Incheon (Hàn Quốc) là 105.000 đồng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI