Hàn Quốc xử lý 100% rác thải thực phẩm bằng cách nào?

26/11/2022 - 13:22

PNO - Huy động người dân tham gia vào quá trình phân loại và thu gom rác thải tại nguồn, đề ra chính sách hợp lý, tạo sự thuận tiện tối đa cho người dân đưa rác thải đến nơi tập kết... là những cách hữu hiệu mà Hàn Quốc đã áp dụng thành công giúp khả năng xử lý rác thải thực phẩm của nước này đạt gần 100%.

Những chiếc túi màu vàng đặc biệt

Người dân Seoul thường gom rác thải thực phẩm vào chiếc túi màu vàng như thế này để đưa ra thùng rác chung đặt tại lề đường trong khu dân cư - Ảnh: AHG INGOs
Người dân Seoul thường gom rác thải thực phẩm vào chiếc túi màu vàng như thế này để đưa ra thùng rác chung đặt tại lề đường trong khu dân cư - Ảnh: AHG INGOs

Định kỳ vài tháng một lần, bà Hwang Ae-soon, 69 tuổi sống tại thủ đô Seoul, lại ghé đến cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua một lốc gồm 10 chiếc túi nhựa màu vàng đặc biệt.

Kể từ năm 2013, theo kế hoạch ủ phân bắt buộc của chính phủ Hàn Quốc, người dân được yêu cầu sử dụng những chiếc túi chuyên dụng có giá 300 won (khoảng 6.000 đồng/chiếc) để đựng thức ăn thừa trong nhà của mình.

Tại quận Geumcheon-gu nơi gia đình bà Hwang đang cư trú, việc tiếp nhận rác thực phẩm do dịch vụ thu gom rác thực hiện diễn ra tất cả các ngày trong tuần trừ thứ Bảy, và những gì mà bà Hwang phải làm chỉ là mang chiếc túi màu vàng đựng thức ăn thừa bỏ vào một thùng chứa đặt sẵn bên vệ đường trước khi mặt trời lặn.

Hình ảnh mô tả quá trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải thực phẩm hộ gia đình tại Hàn Quốc - Ảnh: Ulises Mendicutty/The Guardian
Hình ảnh mô tả quá trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải thực phẩm hộ gia đình tại Hàn Quốc - Ảnh: Ulises Mendicutty/The Guardian

Chiếc túi màu vàng chứa rác thải thực phẩm hiện tại của bà Hwang cùng với hàng nghìn chiếc khác của cư dân đô thị sẽ được chuyển đến một nhà máy chế biến nơi rác thải nhựa sẽ được phân loại và tái chế thành khí sinh học (biogas), thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón. Một số thành phố thậm chí đã giới thiệu máy thu gom rác thải thực phẩm tự động đặt trong các khu chung cư, cho phép người dân bỏ túi rác và quẹt thẻ để thanh toán phí dựa trên trọng lượng thực tế.

Công nhân đang phân loại rác thải tại nhà máy sau khi thu gom từ những thùng đựng rác tập thể đặt tại các khu dân cư - Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images
Công nhân đang phân loại rác tại một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt sau khi thu gom từ những thùng đựng rác tập thể đặt tại các khu dân cư - Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images

Kết quả của mô hình này được đánh giá là “vượt trên cả mong đợi”. Năm 1996, Hàn Quốc chỉ tái chế được 2,6% chất thải thực phẩm trong khi ngày nay, quốc gia này đã tái chế gần 100% lượng rác thải thực phẩm hàng năm nhờ hệ thống thu gom tại nguồn hết sức thuận tiện này.

Bài học thành công từ Hàn Quốc

Dễ sử dụng và khả năng tiếp cận cao là 2 yếu tố quan trọng đối với sự thành công của mô hình thu gom rác thải thực phẩm tại nguồn mà Hàn Quốc đang áp dụng.

“Hệ thống thu gom chất thải của Hàn Quốc, đặc biệt là tần suất thu gom, là cực kỳ tiện lợi so với các quốc gia khác“, ông Hong Su-yeol, Giám đốc công ty chuyên tư vấn xử lý rác thải Resource Recycling Consulting có trụ sở tại Seoul cho biết.

Đối với lập luận khá phổ biến rằng, công tác thu gom rác càng thuận tiện thì càng khiến người dân thải nhiều rác ra môi trường hơn, vị chuyên gia về xử lý rác thải sinh hoạt này không đồng tình, bởi theo ông thì “việc thu gom rác thải đối với người dân nên được thực hiện theo những cách dễ dàng nhất có thể, miễn là nó đi đôi một cách đồng bộ với các chính sách khác nhằm giải quyết vấn đề giảm thiểu chất thải sinh hoạt”. 

Những chiếc thùng rác thông minh được lắp đặt ngay tại các khu chung cư, cao ốc văn phòng để người dân có thể phân loại rác sinh hoạt ngay tại nguồn và trả tiền cho số rác mà mình mang đến - Ảnh: Center for Zero Waste Design
Những chiếc "ATM rác" thông minh được lắp đặt ngay tại các khu chung cư, cao ốc văn phòng để người dân có thể phân loại rác sinh hoạt ngay tại nguồn và trả tiền cho số rác mà mình mang đến - Ảnh: Center for Zero Waste Design

Ông Hong cũng lưu ý tầm quan trọng của việc cân bằng trong việc chia sẻ chi phí và khả năng chi trả. Theo ông, trọng lượng của chất thải thực phẩm thường nặng do có độ ẩm cao khiến việc vận chuyển trở nên tốn kém hơn. Chính vì vậy, tại Hàn Quốc, doanh thu từ việc bán những chiếc túi màu vàng được chính quyền quận thu để giúp bù đắp chi phí của quá trình thu gom và vận chuyển này.

Trên thực tế, việc người dân bỏ tiền ra mua những chiếc túi màu vàng có thể được xem như là hành động đóng một loại thuế trả theo nhu cầu thải rác sinh hoạt của mỗi gia đình. Cụ thể, ở quận Geumcheon-gu nơi bà Hwang sinh sống, số tiền chính quyền thu được từ việc bán túi màu vàng đã giúp trang trải khoảng 35% tổng chi phí phục vụ quá trình thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng năm của quận. 

Khung cảnh một khu tập kết và xử lý rác thải sinh hoạt ở Seoul - Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images
Khung cảnh một khu tập kết và xử lý rác thải sinh hoạt ở Seoul - Ảnh: Anthony Wallace/AFP/Getty Images

Đồng tình với quan điểm này, bà Madeline Keating, cố vấn chiến lược đô thị tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế vận động bảo vệ môi trường có trụ sở chính tại New York (Mỹ) cho rằng, khi nói đến tái chế chất hữu cơ đô thị ở quy mô lớn thì sự tiện lợi và hiệu quả về chi phí là điều cần thiết để thu hút ý chí chính trị và sự tham gia của người dân một cách hiệu quả và bền vững.

Nguyễn Thuận (theo The Guardian, AHG INGOs)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI