Hàn Quốc vật lộn giải quyết vấn nạn bắt nạt trên mạng, tống tiền

24/02/2025 - 20:38

PNO - Những cá nhân kiếm lợi từ việc lan truyền tin đồn độc hại trên YouTube đang khiến nhiều người có sức ảnh hưởng, nổi tiếng ở Hàn Quốc vô cùng khốn đốn.

Hình ảnh kết hợp này cho thấy YouTuber cực hữu chống nữ quyền PPKKa, bên trái, và streamer Afreeca Se-yeon. Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube của PPKKa, phương tiện truyền thông xã hội của Se-yeon
YouTuber được cho là PPKKa (bên trái) và streamer Afreeca Se-yeon.

"Cyber wrecker - Những kẻ phá hoại mạng" là cách gọi dành cho những cá nhân kiếm lợi từ việc lan truyền tin đồn độc hại trên YouTube. Những thủ phạm này hoạt động tinh vi và thực sự là những thách thức cho những người thực thi pháp luật ở Hàn Quốc trong việc xác định và truy cứu trách nhiệm của thủ phạm.

Thuật ngữ “cyber wrecker” bắt nguồn từ xe kéo - thường dùng để nhanh chóng đến hiện trường tai nạn và di dời những chiếc xe bị hư hỏng đi nơi khác. Ngày nay, cyber wrecker kiếm lợi bằng cách đăng tin đồn hoặc thông tin chưa được xác minh về những người nổi tiếng, chính trị gia và những cá nhân bình thường - thường được dựng lên một cách ác ý.

Theo các bản tin, Liwu, công ty luật đại diện cho streamer AfreecaTV Se-yeon, gần đây đã có được thông tin cá nhân của YouTuber PPKKa từ Google LLC, sau khi được tòa án Hoa Kỳ tại California chấp thuận.

Công ty luật của Se-yeon có ý định sử dụng thông tin này để đệ đơn kiện phỉ báng PPKKa - một YouTuber cực hữu kỳ thị phụ nữ với hơn 1,14 triệu người theo dõi.

Se-yeon đã là tâm điểm của nhiều tin đồn kể từ khi cô được nhìn thấy vào tháng 8/2024 cùng với chủ tịch HYBE Bang Si-hyuk ở Beverly Hills, California. Youtuber PPKKa đã đăng một video cáo buộc Se-yeon kiếm tiền thông qua mại dâm và cờ bạc ở Las Vegas.

Để đáp trả, Se-yeon đã đệ đơn kiện phỉ báng vào tháng 9/2024.

Điều này tương tự như cách Jang Won-young - thành viên của nhóm nhạc thần tượng IVE kiện YouTuber "Taldeok Camp" vào năm ngoái.

Sự phát triển này diễn ra trong bối cảnh xu hướng tống tiền và quấy rối trực tuyến đáng lo ngại liên quan đến người nổi tiếng do những YouTuber độc hại gây ra.

Tuy nhiên, Se-yeon và Jang Won-young là những trường hợp rất hiếm ở Hàn Quốc đi kiện các youtuber, bởi việc xác định được chủ nhân tin đồn là rất thách thức và tốn kém. Đối với những cá nhân không đủ khả năng chi trả chi phí thuê luật sư từ các công ty luật Hàn Quốc và Hoa Kỳ, họ thường câm nín chịu đựng.

Trong hầu hết các trường hợp, các cơ quan điều tra Hàn Quốc tạm dừng điều tra do khó khăn trong việc thu thập thông tin cá nhân của người đăng tải video từ các nền tảng nước ngoài như YouTube.

Lee Woong-hyuk, giáo sư tại Đại học Konkuk, cho biết: "YouTube - nơi có máy chủ ở nước ngoài - là nơi ẩn náu tốt nhất cho những kẻ phá hoại mạng che giấu danh tính để tải video lên".

Giáo sư này nói thêm: "Thật khó để điều tra YouTube vì nền tảng này cố gắng không tham gia vào việc xác định danh tính của người đăng tải video".

Yoo Hyun-jae, giáo sư truyền thông tại Đại học Sogang cho biết thêm: "YouTube không áp dụng lệnh trừng phạt đối với những kẻ phá hoại mạng vì YouTube kiếm được lợi nhuận từ lượt xem và quảng cáo của họ".

Để ứng phó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu các nền tảng trực tuyến ở nước ngoài thực hiện các biện pháp chống bạo lực mạng, chẳng hạn như xóa và chặn các video bị báo cáo và hạn chế doanh thu do những người dùng YouTube có nội dung độc hại tạo ra.

Vào Chủ Nhật, Dân biểu Jeon Yong-gi của Đảng Dân chủ Hàn Quốc đã phát biểu trên Facebook rằng sẽ ủng hộ việc ban hành Đạo luật tiết lộ thông tin về kẻ phá hoại mạng để giải quyết vấn đề những người dùng YouTube có ác ý trốn tránh trách nhiệm.

"Những kẻ phá hoại mạng đang trốn tránh trách nhiệm pháp lý ngay cả sau khi chà đạp danh tiếng của người khác bằng thông tin sai lệch", ông nói.

Thảo Nguyễn (Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI