Hàn Quốc: Truyền thông, mạng xã hội ngày càng khắc nghiệt

21/02/2025 - 06:16

PNO - Cái chết của nữ diễn viên Hàn Quốc Kim Sae-ron ở tuổi 24 đã làm dấy lên tranh luận về dạo đức trên mạng xã hội và văn hóa internet.

Kim bắt đầu sự nghiệp từ nhỏ và được khen ngợi qua các vai diễn thuộc dòng phim tội phạm như The man from nowhere (năm 2010). Cô được một người bạn phát hiện đã chết tại nhà riêng ở thủ đô Seoul hôm 16/2. Cơ quan Cảnh sát quốc gia cho biết: nguyên nhân có thể là tự tử.

Trước đó, Kim đã phải vật lộn để tìm lại vị trí ngôi sao trong làng điện ảnh Hàn Quốc sau khi say rượu, lái xe gây tai nạn năm 2022. Dù cô đã bị xử phạt, cộng đồng mạng ở xứ sở vốn nổi tiếng là khắc nghiệt với người nổi tiếng phạm pháp - đặc biệt là phụ nữ - vẫn không ngừng lên án cô.

Nữ diễn viên Kim Sae-ron vừa qua đời hôm 16/2 - Nguồn ảnh: Gold Medalist
Nữ diễn viên Kim Sae-ron vừa qua đời hôm 16/2 - Nguồn ảnh: Gold Medalist

Những cảnh có sự góp mặt của cô bị cắt khỏi các chương trình. Ngoài ra, cô liên tục phải đối mặt với những thông tin tiêu cực, chỉ trích gay gắt từ nhiều tờ báo, trang web. Có khi Kim bị chỉ trích chỉ vì mỉm cười trong lúc quay một bộ phim hồi năm ngoái.

Sau cái chết của Kim, một số tờ báo lớn đã đăng các bài xã luận lên án gay gắt hành vi bình luận trực tuyến độc hại về nữ diễn viên. Một số tờ nhắc lại các trường hợp tự tử của ca sĩ Seol-li và Goo Hara năm 2019 và cái chết của nam diễn viên phim Ký sinh trùng Lee Sun-kyun năm 2023, kêu gọi thay đổi lối hành xử “không khoan nhượng” của cộng đồng mạng đối với giới showbiz.

Tờ Hankook Ilbo khẳng định: một số phương tiện truyền thông Hàn Quốc thậm chí vẫn tiếp tục khai thác chủ đề về Kim để kiếm lượt view, ngay cả sau khi cô qua đời. Họ sử dụng các tiêu đề khiêu khích, nêu bật những khó khăn, lầm lỡ trong quá khứ của cô.

Theo các chuyên gia, hoàn cảnh dẫn đến cái chết của Kim “quen thuộc” đến mức đáng buồn. Sự nghiệp của một số người nổi tiếng khác đã đảo lộn vì bị bắt nạt trên mạng xã hội và cuối cùng đã phải tự tử.

Ước tính có hơn 220 triệu người hâm mộ “làn sóng Hallyu” (thuật ngữ mô tả sự lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc) trên toàn cầu. Con số này hơn gấp 4 lần dân số Hàn Quốc. Cùng với đó là những đòi hỏi cực đoan về việc người nổi tiếng phải hoàn hảo. Chỉ một sai lầm nhỏ của họ cũng có thể khiến mọi thứ kết thúc. “Việc trừng phạt người nổi tiếng bởi pháp luật thường bị công chúng xem là chưa đủ. Họ trở thành mục tiêu của những chỉ trích không ngừng” - nhà phê bình văn hóa Kim Hern-sik nói.

Bắt nạt trên mạng còn là cách để kiếm tiền của một số người. “Đó có thể là những youtuber có lượt xem cao, các diễn đàn có tương tác lớn hoặc các kênh tin tức có lượng truy cập mạnh… Cần phải có hình phạt hình sự nghiêm khắc hơn đối với việc để lại những bình luận sát thương trên mạng” - ông Kim Hern-sik nói.

Na Jong-ho - giáo sư tâm thần học Đại học Yale (Mỹ) - ví nhiều cái chết của người nổi tiếng Hàn Quốc giống như phiên bản ngoài đời thực của Squid game - bộ phim bom tấn trên Netflix do nước này sản xuất. “Xã hội của chúng ta đang bỏ rơi những người vấp ngã và tiếp tục như thể không có gì xảy ra. Còn bao nhiêu sinh mạng nữa phải mất đi trước khi chúng ta ngừng gây ra nỗi xấu hổ ngột ngạt, hủy diệt cho người khác?” - ông viết trên Facebook. ‘’Một xã hội chôn vùi những người phạm lỗi mà không cho họ cơ hội thứ hai thì không phải là một xã hội lành mạnh’’ - ông nói.

Nam Anh (theo BBC, Hankook Ilbo, The Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI