Hàn Quốc thay đổi luật để bảo vệ những đứa trẻ “ma”

05/07/2023 - 16:36

PNO - Sau vụ việc thi thể 2 trẻ sơ sinh được tìm thấy trong tủ đông lạnh vào tháng 6/2023, qua đó phơi bày vấn đề trẻ em không có giấy tờ khai sinh, các bệnh viện sẽ phải báo cáo tất cả ca sinh nở cho chính phủ.

 

Văn phòng Điều tra Quốc gia của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng họ đang điều tra 193 trường hợp được gọi là những đứa trẻ ma, 12 người được xác nhận đã chết
Ngày 4/7, cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cho biết đang điều tra 193 trường hợp "những đứa trẻ ma", trong đó 12 trẻ được xác nhận đã chết

Hàn Quốc đã bắt đầu bịt lỗ hổng trong hệ thống quản lý sinh sản sau khi phát hiện ra thi thể 2 trẻ sơ sinh bị cất giấu trong tủ đông, làm nổi bật hiện tượng “trẻ sơ sinh ma” – những đứa trẻ được ghi nhận sinh tại bệnh viện nhưng sau đó không được đăng ký khai sinh.

Vào tháng 6/2023, vụ án một phụ nữ 30 tuổi bị cảnh sát buộc tội bóp cổ 2 đứa con sơ sinh của cô lần lượt vào năm 2018 và 2019, sau đó cất xác chúng trong tủ đông lạnh tại nhà, đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng và khiến các nhà lập pháp ủng hộ sửa đổi Đạo luật Đăng ký về quan hệ gia đình.

Theo đó, từ năm tới, các bệnh viện sẽ phải báo cáo ca sinh của tất cả trẻ em Hàn Quốc cho chính phủ trong vòng 14 ngày.

Các quy tắc hiện hành buộc cha mẹ mang quốc tịch Hàn Quốc phải đăng ký khai sinh cho con với chính phủ trong vòng 1 tháng sau khi sinh. Dù vậy, mức phạt cho việc vi phạm quy định này không quá 50.000 won (38,2 USD).

Kim Min-jung, người đứng đầu Hiệp hội Gia đình các bà mẹ đơn thân Hàn Quốc, nói: “Chúng tôi hoan nghênh luật mới vì nó sẽ giúp ngăn chặn việc lạm dụng trẻ sơ sinh không được đăng ký khai sinh chính thức”.

Tuy nhiên, cô Kim nhận xét luật này vẫn chưa đi đủ xa vì nó chỉ áp dụng cho công dân Hàn Quốc. Cô hy vọng chính quyền sẽ tăng cường luật pháp trong tương lai để bao gồm cả những đứa trẻ được sinh ra bởi tất cả người nước ngoài sống ở Hàn Quốc, kể cả những người nhập cư bất hợp pháp.

Nhật báo Hankyoreh đưa tin, việc luật loại trừ trẻ em nước ngoài có nghĩa là vẫn còn một kẽ hở khác, khiến nhóm trẻ này có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn.

Cơ quan chức năng đã theo dõi ít nhất 209 trường hợp "trẻ sơ sinh ma" kể từ khi phát động kế hoạch kiểm tra hàng ngàn trẻ em sinh tại bệnh viện từ năm 2015 đến 2022 nhưng không được khai sinh.

Trong số 6.000 “trẻ sơ sinh ma”, khoảng 4.000 trẻ hóa ra là con của người nước ngoài. Theo luật, người nước ngoài không bị bắt buộc phải đăng ký khai sinh tại Hàn Quốc.

Liên hiệp quốc đã nhiều lần khuyến nghị tất cả trẻ em sinh ra ở Hàn Quốc nên được đăng ký khai sinh, bất kể quốc tịch hay tình trạng nhập cư của cha mẹ chúng như thế nào.

Trong một trường hợp, cảnh sát cho biết họ đang điều tra xem liệu một phụ nữ độ tuổi 20, ở vùng ngoại ô Namyangju, phía đông Seoul, có liên quan đến “buôn bán trẻ em” hay không sau khi cô tuyên bố đã sinh con cho một cặp vợ chồng hiếm muộn để đổi lấy phí điều trị tại bệnh viện.

Người mẹ sinh con vào tháng 4/2015 và đã giao con cho cặp vợ chồng mà cô gặp qua mạng, không thông qua thủ tục nhận con nuôi chính thức. Cảnh sát cho biết: “Chúng tôi sẽ xác định danh tính của cặp vợ chồng đã nhận nuôi đứa trẻ và xác nhận xem đứa bé còn sống hay đã chết”.

Ngọc Hạ (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI