Hàn Quốc ra mắt phim về thảm sát ở Việt Nam

28/02/2020 - 12:43

PNO - "A war of memories" - bộ phim tài liệu hồi tưởng lại cuộc thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị tại Quảng Nam năm 1968 do đạo diễn Lee-kil Bora thực hiện vừa ra rạp tại Hàn Quốc.

Ngày 27/2, A war of memories - bộ phim tài liệu hồi tưởng lại cuộc thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị tại Quảng Nam, Việt Nam năm 1968 do đạo diễn Hàn Quốc Lee-kil Bora thực hiện vừa được phát hành tại các rạp chiếu Hàn Quốc.

Đạo diễn đến thăm những ngôi mộ trong nghĩa trang quân đội ở Hội An, Quảng Nam.
Đạo diễn Lee-kil Bora đến thăm những ngôi mộ trong Nghĩa trang Quân đội ở Hội An, Quảng Nam.

Chia sẻ về lý do thực hiện tác phẩm, đạo diễn Lee-kil Bora nói mọi việc xuất phát từ sự tò mò về những điều ẩn giấu sau sự im lặng của ông cô (từng là một cựu binh Hàn Quốc được điều đến Việt Nam): "Không có nhiều thông tin về những chuyện đã xảy ra (vụ thảm sát năm 1968 - NV). Vì vậy, tôi quyết định đến Việt Nam tìm hiểu về vụ thảm sát”. Với nữ đạo diễn, chuyến đi thực tế đến Việt Nam rất hiệu quả, không chỉ giúp cô tìm hiểu sự việc mà còn truyền cảm hứng tạo nên tác phẩm này.

Thông qua bộ phim, đạo diễn Lee-kil Bora muốn tái hiện phần nào sự tang thương, mất mát của người Việt Nam trong cuộc thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị vào năm 1968. Cô đã đến Việt Nam gặp gỡ những nhân chứng sống của cuộc chiến và tìm hiểu nhiều tư liệu về vụ thảm sát.

Theo Korea Times, A war of memories của đạo diễn Lee-kil Bora theo chân bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi) và 2 nhân chứng sống khác, những người đang sống với những ký ức đau thương về chiến tranh Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh còn nhớ rất rõ ngày mẹ bà và hai người em mất trong vụ thảm sát Phong Nhị năm 1968. Mẹ bà Thanh một mình nuôi 4 đứa con sau khi chồng mất. Khi mẹ bà ra ngoài hái rau thì lính Hàn Quốc đột nhập vào nhà và bắt đầu xả súng. Em gái bà Thanh bị bắn trong lúc chạy ra cửa sau, em trai bà bị bắn vào miệng, cả hai chết vì mất máu quá nhiều. Bà Thanh bị trúng đạn vào phần đùi và nhanh chóng di chuyển vào bếp, còn người anh trai bị bắn ở phần mông. Cả hai may mắn sống sót sau khi những người lính Hàn Quốc đốt nhà để che giấu tội ác.

Đạo diễn Lee-Kil, thứ hai từ trái sang hàng thứ ba, chụp ảnh với Nguyễn Thị Thành, thứ tư từ hàng thứ hai bên trái, đoàn quay phim và gia đình của Nguyễn trước nhà Nguyễn ở làng Phong Nhi, Việt Nam, vào ngày 4 tháng 3 năm 2016
Đạo diễn Lee-kil, thứ hai từ trái sang (hàng thứ ba), chụp ảnh với bà Nguyễn Thị Thanh, thứ tư từ trái sang (hàng thứ hai) cùng đoàn quay phim và gia đình bà Thanh. Ảnh chụp ngày 4/3/2016.

Trong chuyến đến Việt Nam, nữ đạo diễn rất bất ngờ trước sự khoan dung của bà Nguyễn Thị Thanh: “Tôi cảm động vì cách bà Thanh đối xử với tôi. Bà rất hiếu khách và không chút hận thù dù tôi là cháu gái của một cựu binh Hàn Quốc, từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam”.

Trước khi ra rạp, bộ phim A war of memories từng nhận được đề cử đặc biệt của ban giám khảo giải thưởng Mecenat tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2018.

Trước phim tài liệu A war of memories, hồi tháng 9/2016, triển lãm mang tên Chuyện một làng quê - Phong Nhất - Phong Nhị  đã diễn ra tại Art Link gallery (quận Jongno, Seoul, Hàn Quốc). Đây là cuộc triển lãm tài liệu lưu trữ của phóng viên Kok Kyoung Tae - người đi đầu trong việc đăng tải các loạt bài về những vụ thảm sát thường dân mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam, cũng như phát động chiến dịch Thành thật xin lỗi Việt Nam trong xã hội Hàn Quốc trên tờ báo Hanyoreh21 từ tháng 5/1999-2/2003.

Chung Thu Hương (theo Korea Times và Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI