Hàn Quốc phẫn nộ khi Trung Quốc nhiều lần "ăn cắp" văn hóa trắng trợn

06/02/2022 - 08:20

PNO - Người dân Hàn Quốc tiếp tục cáo buộc Trung Quốc "chiếm đoạt văn hóa" sau khi một người biểu diễn của đất nước tỷ dân mặc hanbok của xứ kim chi tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Các quan chức và người dân xứ kim chi nhanh chóng lên tiếng chỉ trích phía Trung Quốc, sau khi một cô gái mặc bộ váy truyền thống màu trắng hồng, rất giống hanbok (trang phục truyền thống của Hàn Quốc), được giới thiệu là một trong số 56 đại diện các dân tộc thiểu số xứ Trung.

Bên cạnh đó, trong một tiết mục múa khác, người tham gia biểu diễn cũng mặc hanbok và đánh trống giống điệu múa trống Samulnori truyền thống của Hàn Quốc.

nghệ sĩ Trung Quốc mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc trên sóng hanbok trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022
Nghệ sĩ Trung Quốc mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Sự việc khiến người dân Hàn tức giận, họ cho rằng Trung Quốc đang cố gắng quảng bá hanbok là của riêng mình.

Trong cuộc phỏng vấn với báo chí xứ Hàn tại Trung tâm truyền thông ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Hwang Hee lên tiếng phản hồi về vụ việc: "Khi bạn coi mọi người là thiểu số, điều đó thường có nghĩa là họ chưa phát triển thành một quốc gia có chủ quyền. Chúng tôi (Hàn Quốc) nằm trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm ngay cạnh Trung Quốc. Điều này có thể gây ra một số hiểu lầm trong quan hệ song phương tốt đẹp". 

Lee Jae-myung, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ cầm quyền của Hàn Quốc, đã viết trên Facebook rằng ông phản đối hành động "chiếm đoạt văn hóa" của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc tố Trung Quốc chiếm đoạt văn hóa. Trước đó, dư luận xứ kim chi không ít lần chỉ trích Trung Quốc ngang nhiên sử dụng trang phục tương tự hanbok của Hàn trên sóng các đài truyền hình của đất nước tỷ dân.

Cụ thể, tháng 8/2020, trong đêm chung kết Hoa hậu Hồng Kông, các vũ công phụ họa phía sau thí sinh được phát hiện mặc trang phục rất giống hanbok. Thậm chí, hình ảnh hanbok còn xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trong các bộ phim truyền hình Trung Quốc. Đáng chú ý, sự tức giận còn tăng cao hơn khi những trang phục tương tự hanbok của Hàn được dùng làm y phục cho các cô hầu gái, tầng lớp thấp của xã hội trong những tác phẩm phim ảnh trên.

Vũ công phía sau các thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông 2020 diện trang phục tương tự Hanbok
Vũ công phía sau các thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu Hồng Kông 2020 diện trang phục tương tự hanbok

Ngoài ra, nhiều tranh cãi văn hóa giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cũng liên tục xảy ra trong nhiều năm qua, khi các YouTuber nổi tiếng của đất nước tỷ dân liên tục đăng công thức muối kimchi, quay mukbang (show ăn uống) với kim chi nhưng lại chú thích phía dưới video là pao cai (rau muối lên men).

Phản hồi về những vụ “nhận vơ kim chi” của truyền thông xứ Trung, tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc thẳng thắn cho biết kim chi không chỉ là bắp cải lên men mà còn là một phần cốt lõi của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc, đồng thời khẳng định quy trình làm ra nó đã được công nhận là tiêu chuẩn toàn cầu trong gần hai thập kỷ.

Cơ quan này cũng thẳng thắn bác bỏ tuyên bố của truyền thông Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã giành được chứng nhận của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) cho quy trình làm kim chi của mình. Đồng thời cho rằng Bắc Kinh đã giành được chứng nhận ISO cho pao cai, một loại rau muối khác được tiêu thụ ở Trung Quốc không liên quan gì đến kim chi: "Chúng ta cần hiểu rằng pao cai khác với kim chi".

Minh Hương (theo Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI