Hàn Quốc phản đối mạnh mẽ quyết định sách trắng kinh tế của Nhật Bản

03/08/2019 - 08:00

PNO - Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha gọi quyết định loại Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” các quốc gia ưu đãi thương mại của Nhật Bản là "đơn phương và độc đoán". Ngược lại, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói rằng hành động này hợp pháp.

Hai bộ trưởng có cuộc trao đổi riêng tại một cuộc họp thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên ở Bangkok. Bà Kang cho biết Hàn Quốc "quan ngại sâu sắc", bởi động thái từ Nhật Bản đang thách thức mục tiêu chung của khu vực là mở rộng dòng chảy thương mại tự do.

Ngược lại, Ngoại trưởng Kono cho biết việc duy trì kiểm soát xuất khẩu hiệu quả đối với hàng hóa và công nghệ nhạy cảm từ góc độ an ninh là quyền của Nhật Bản, và nó tuân thủ các quy tắc thương mại tự do. Ông cũng cho biết Hàn Quốc vẫn sẽ được hưởng vị thế ưu tiên ngang hàng với các quốc gia ASEAN.

Han Quoc phan doi manh me quyet dinh sach trang kinh te cua Nhat Ban
Từ trái sang, Ngoại trưởngSingapore Vivian Balakrishnan, Ngoại trưởngNhật Bản Taro Kono, Ngoại trưởngTrung Quốc Wang Yi, Ngoại trưởngThái Lan Don Pramudwinai, và Ngoại trưởngHàn Quốc Kang Kyung-wha tại cuộc họp ở Bangkok, Thái Lan hôm 2/8. (Ảnh: AP)

Tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hứa đưa ra những biện pháp đáp trả nghiêm khắc chống lại quyết định của Nhật Bản, mà theo ông là một nỗ lực cố ý nhằm kiềm chế tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, cũng như một hành động "ích kỷ" làm tổn hại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Moon nói nội các trong một chương trình phát sóng trực tiếp: "Chúng tôi sẽ không bị Nhật Bản đánh bại lần nữa. Chính phủ Nhật Bản phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra tiếp theo".

Thứ Sáu 2/8, nhiều người dân Hàn Quốc giận dữ đã xuống đường biểu tình, họ cáo buộc cựu cường quốc thực dân Nhật Bản "xâm lược kinh tế". Người biểu tình đứng trước tòa nhà đại sứ quán Nhật Bản ở trung tâm Seoul với các biển hiệu "Không Abe", nhằm vào thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Dưới sự chứng kiến của cảnh sát và phóng viên, dòng người biểu tình hô vang khẩu hiệu: "Chính phủ Abe bóp méo lịch sử và thực hiện cuộc xâm lược kinh tế!".

Những người biểu tình còn kêu gọi chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản. Được biết đến với cái tên GSOMIA, hiệp ước cho phép Seoul và Tokyo, hai đồng minh thân cận của Mỹ, chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên, Trung Quốc và một số quốc gia khác

Mối quan hệ của hai cường quốc châu Á vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi những tranh chấp cay đắng về lãnh thổ và lịch sử, xuất phát từ sự thống trị của chế độ thực dân Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu thế kỷ 20.

Quyết định hôm thứ Sáu đưa ra sau thông báo của Tokyo vào đầu tháng 7 rằng họ sẽ đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu nguyên liệu quan trọng, phục vụ ngành công nghiệp chip và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới của Seoul.

Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên bị loại khỏi danh sách các quốc gia mà Tokyo hạn chế tối thiểu thủ tục xuất khẩu. Các nhà phân tích cho rằng quyết định có thể ảnh hưởng đến hàng trăm mặt hàng chính được nhập khẩu vào xứ sở kim chi.

Han Quoc phan doi manh me quyet dinh sach trang kinh te cua Nhat Ban
Một người biểu tình Hàn Quốc giữ tấm biển ghi "Không Abe," trước đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul vào ngày 1/8/2019. (Ảnh: AFP)

Ông Moon cho biết Seoul sẽ "tăng cường dần" phản ứng của mình với nước láng giềng, một đối tác thương mại quan trọng mà họ giao dịch 85 tỷ USD vào năm ngoái.

Tại Tokyo, Bộ trưởng thương mại Nhật Bản, ông Hiroshige Seko, cho biết quyết định của Nhật Bản chỉ có nghĩa là Hàn Quốc được đối xử theo tiêu chuẩn chung và không ảnh hưởng đến quan hệ song phương.

Ông Seko cho biết quyết định hôm thứ Sáu là cần thiết để Nhật Bản duy trì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phù hợp cho an ninh quốc gia, và không nhằm trả đũa tranh chấp liên quan đến vấn đề lao động thời chiến của Triều Tiên.

Đồng thời, ông kêu gọi Hàn Quốc cải thiện kiểm soát xuất khẩu để giảm bớt nghi ngờ của Nhật Bản và lấy lại niềm tin.

Bộ thương mại Nhật Bản cho biết Seoul đã phá hoại "mối quan hệ tin cậy" trong kiểm soát xuất khẩu sau khi liên tục phớt lờ hoặc hoãn yêu cầu của Nhật Bản để giải thích về những gì Nhật Bản coi là lô hàng có vấn đề. Họ nói rằng Tokyo quan ngại việc kiểm soát xuất khẩu kém của Hàn Quốc sẽ dẫn đến lạm dụng các vật liệu nhạy cảm.

Việc phê duyệt xuất khẩu có thể mất tới 90 ngày, làm chậm nhưng không gây tạm dừng các lô hàng.

Ngọc Hạ (Theo CNA, Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI