Mạng xã hội và truyền thông là tác nhân của hành vi tiêu cực
Trong khi Hàn Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt cái chết của người nổi tiếng có liên quan đến hành vi quấy rối như vậy, các chuyên gia nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc cần có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn.
Từ sau lần lái xe khi say rượu vào tháng 5/2022, Kim đã bị những bình luận thù hận trên mạng xã hội tấn công. Mặc dù né tránh đám đông và sống ẩn mình, cô vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự chỉ trích mỗi khi đăng bài trên mạng xã hội.
 |
Ảnh của cố diễn viên Kim Sae-ron được đưa lên xe tang trong lễ tang - Ảnh: Yonhap |
Những người bình luận thậm chí còn dò xét công việc bán thời gian ở quán cà phê, sở thích và các buổi gặp mặt bạn bè của cô, họ đặt câu hỏi về sự chân thành ở những bài đăng trên mạng xã hội Kim.
Phương tiện truyền thông là một tác nhân khi nhiều kênh khuếch đại sự tiêu cực bằng cách trích dẫn các bình luận thù hận, hoặc đưa tin về những tuyên bố chưa được xác minh từ những YouTuber và người ẩn danh trên mạng xã hội.
Những tiêu đề giật gân được tạo ra để thu hút lượt người xem đã tạo ra những hệ luỵ xấu, khiến việc lan truyền nhanh chóng hơn và là tiền đề cho nhiều bình luận ác ý hơn.
Kim Heon-sik - giáo sư nghiên cứu xã hội và văn hóa tại Đại học Jungwon - cho biết: "Một số cá nhân sử dụng mạng xã hội cảm thấy được công nhận khi bình luận của họ được giới truyền thông chú ý, điều này càng khuyến khích họ tiếp tục".
Ngày 18/2, nhóm “Liên minh Công dân vì Truyền thông Dân chủ” đã đưa ra tuyên bố lên án vai trò của phương tiện truyền thông trong vụ việc của Kim: "Những kênh truyền thông đã thổi bùng sự thù địch của công chúng đối với Kim bằng những thông tin giật gân, giờ lại đổ lỗi cho YouTuber và những người bình luận ẩn danh. Cách làm gây tác động nguy hiểm này của truyền thông phải chấm dứt”.
Lịch sử lặp lại
Cái chết của Kim không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2019, các ngôi sao K-pop Sulli và Goo Ha-ra đều đã tự tử sau khi phải liên tục chịu đựng sự quấy rối trực tuyến.
 |
Nam diễn viên Lee Sun-kyun đã qua đời vào ngày 27/12/2023 - Ảnh: Yonhap |
Sulli phải đối mặt với sự chỉ trích vì những bài đăng trên mạng xã hội, thuật ngữ "Sullin-up" (Sulli tải lên Instagram) trở thành cách viết tắt trực tuyến để nhắm vào các bài đăng của cô. Goo Ha-ra cũng phải vật lộn dưới áp lực của việc đưa tin xâm phạm đời tư của giới truyền thông.
Sau cái chết của họ, các nhà lập pháp đã đề xuất "Đạo luật Sulli", nhằm mục đích xác minh tên thật của những người bình luận trực tuyến. Tuy nhiên, dự luật cuối cùng đã bị Quốc hội bác bỏ.
Một đề xuất tương tự theo Đạo luật Viễn thông, nhằm hạn chế sự lan truyền của các bình luận ác ý, cũng đã bị gác lại khi kỳ họp quốc hội kết thúc.
Cái chết của nam diễn viên Lee Sun-kyun năm 2023, người đang bị điều tra vì cáo buộc sử dụng ma túy, càng cho thấy rõ vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy sự giám sát của công chúng.
Đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc KBS đã phát sóng nội dung cuộc trò chuyện riêng tư của nam diễn viên, thông tin không liên quan đến cuộc điều tra, và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ.
"Nếu phạm vi đưa tin mang tính xâm phạm như vậy chỉ giới hạn ở các báo lá cải, thì có lẽ sẽ ít gây tổn hại hơn" , Shim Seok-tae - giáo sư báo chí tại Đại học Semyung, cho biết. "Nhưng ngay cả khi các đài truyền hình lớn theo đuổi lượt nhấp chuột bằng cách xuất bản những câu chuyện khai thác sâu đời tư của nhân vật, hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng".
Trở thành người nổi tiếng không có nghĩa là phải chịu đựng sự ngược đãi
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng thái độ của xã hội phải thay đổi để phá vỡ vòng luẩn quẩn quấy rối người nổi tiếng.
"Xã hội của chúng ta dường như tin rằng những người nổi tiếng nên bị làm nhục công khai bất cứ khi nào họ mắc lỗi, như thể đó là một phần của cái giá phải trả cho sự nổi tiếng", Giáo sư Kim phát biểu. "Nếu phương tiện truyền thông tiếp tục theo cách làm này chỉ để có lượt xem, nhiều thảm kịch sẽ xảy ra".
Nhà phê bình văn hóa Hwang Jin-mi lưu ý rằng cách đối xử với Kim Sae-ron đặc biệt khắc nghiệt vì giới tính của cô. "Kim gây ra tai nạn lái xe khi say rượu, phương tiện truyền thông gần như “những kẻ săn mồi”. Các diễn viên nam phạm tội tương tự không bị giám sát ở mức độ tương tự", Hwang nói.
Trong khi các cổng thông tin lớn trong nước như Naver và Daum đã tắt phần bình luận trên các bài viết giải trí vào năm 2020, thì tình trạng quấy rối trực tuyến đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội và cộng đồng trực tuyến, nơi các bình luận ác ý vẫn tiếp tục không được kiểm soát.
"Kim Sae-ron đã phải tiếp xúc với những vai diễn phức tạp, đầy thử thách về mặt cảm xúc từ khi còn nhỏ. Cô đã vào vai nạn nhân của nạn lạm dụng trẻ em, bắt cóc và bạo lực tình dục thời chiến", nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết. "Xã hội của chúng ta đã không cung cấp cho Kim sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần khi cô ấy chuyển sang tuổi trưởng thành".
Ông cho biết thay vì tập trung vào vụ tai nạn lái xe khi say rượu của cô, giới truyền thông nên tập trung vào lý do tại sao cựu diễn viên nhí này không nhận được sự hỗ trợ nào trong suốt thời gian cô gặp khó khăn.
Kim cho biết: "Để ngăn chặn những thảm kịch tương tự trong tương lai, chúng ta cần cân nhắc các biện pháp mới để bảo vệ người nổi tiếng khỏi những bình luận ác ý và sự đưa tin tiêu cực của giới truyền thông".
Tuấn Huy (theo Korea Times)