Hàn Quốc báo động nạn bạo lực trong yêu đương

02/09/2021 - 19:42

PNO - Sau khi cô con gái 25 tuổi Hwang Ye-jin qua đời vì bị bạn trai đánh đập dã man, một người mẹ ở Hàn Quốc đã nộp đơn kiến nghị lên trang web của chính phủ nước này, nêu rõ chi tiết sự việc đồng thời kêu gọi chính phủ ban hành đạo luật mới chống lại các hành vi bạo lực trong chuyện yêu đương. Hàng trăm ngàn người ủng hộ bà đã cùng ký lên lá đơn này.

Hwang Ye-jin bị gãy xương sườn, các cơ quan nội tạng bị tổn thương và bị xuất huyết não sau khi bị tấn công tại nhà riêng ở Seoul vào ngày 25/7. Khoảng 3 tuần sau đó, cô gái trẻ đã qua đời tại phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện.

Cái chết của Hwang Ye-jin
Cái chết của Hwang Ye-jin là điển hình cho nạn bạo lực trong tình yêu ở Hàn Quốc

Đoạn video giám sát ghi hình vào đêm xảy ra vụ tấn công cho thấy một người đàn ông liên tục đập đầu Hwang vào tường. Sau đó, anh ta kéo cơ thể bất tỉnh, đẫm máu của cô ra khỏi thang máy chung cư nơi cô đang ở.

Người đàn ông 30 tuổi, hung thủ trong đoạn phim nói trên, khai với cảnh sát rằng anh ta tức giận vì Hwang đã kể cho mọi người về mối quan hệ của họ. Sau vụ việc, người đàn ông đã bị bắt giữ nhưng sau đó được thả để chờ xét xử khi một tòa án cho rằng anh ta không có ý định đào tẩu.

Quá phẫn nộ khi kẻ sát nhân bị buộc tội ngộ sát mà không phải giết người, đồng thời không bị giam giữ, mẹ của nạn nhân đã công khai đoạn video giám sát ghi lại vụ tấn công. Bà cũng tiết lộ tên và ảnh của con gái cho giới truyền thông.

Mẹ của Hwang nói rằng, người đàn ông (được cho là đã nói dối với các dịch vụ cấp cứu rằng Hwang đã ngất xỉu và đập đầu xuống đất) đã mất quá nhiều thời gian để tìm sự trợ giúp sau vụ tấn công, đồng thời không cố gắng sử dụng các kỹ năng cứu hộ để sơ cứu cho con gái bà.

Mẹ nạn nhân sau đó đã nộp đơn khiếu kiện lên trang web của chính phủ Hàn Quốc (Nhà Xanh) vào ngày 25/8, nêu rõ các chi tiết của vụ tấn công và kêu gọi chính phủ ban hành một đạo luật mới để “trừng phạt nghiêm khắc” các hành vi bạo lực trong yêu đương. Tính đến ngày 1/9, đã có hơn 372.000 người cùng ký vào lá đơn này của bà.

Theo các nhà phân tích, việc công chúng Hàn Quốc ủng hộ mạnh mẽ lá đơn khiếu kiện nói trên phản ánh mong muốn của họ về sự thay đổi trong xã hội gia trưởng ở nước này, nơi đàn ông thường “xem bạn gái là một thành phần phụ thuộc và có nghĩa vụ phải phục tùng”, theo nhận xét của cảnh sát Kwack Dae-gyung - đồng thời là giáo sư khoa luật hình sự tại Đại học Dongguk.

 

Hình ảnh từ camera cho thấy Hwang Ye-jin (phải) bất tỉnh trên sàn nhà sau khi bị kẻ tấn công lôi ra khỏi thang máy
Hình ảnh từ camera cho thấy Hwang Ye-jin (phải) bất tỉnh trên sàn nhà sau khi bị kẻ tấn công lôi ra khỏi thang máy

“Những người đàn ông Hàn Quốc được nuôi dưỡng trong môi trường theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, trọng nam khinh nữ thường nổi cơn thịnh nộ và dùng bạo lực khi phụ nữ không làm theo ý họ”, giáo sư Kwack nói và cho biết nhiều người trong xã hội Hàn Quốc - bao gồm cả các điều tra viên và các quan chức tư pháp - vẫn xem bạo lực trong chuyện hẹn hò, yêu đương chỉ là “cuộc cãi vã bình thường của những người yêu nhau”, nên không cần phải can thiệp.

Cái chết của Hwang được nhiều người xem là điển hình cho nạn bạo lực trong tình yêu ở Hàn Quốc. Cách đây nhiều năm, một dự luật chống hành vi này đã được đề xuất nhưng chỉ dừng lại ở bước thảo luận trong quốc hội, chủ yếu vì thiếu sự thống nhất về khái niệm bạo lực trong tình yêu cũng như mức hình phạt dành cho những người có hành vi này.

Theo thống kê của cảnh sát Hàn Quốc, trong 3 năm qua, hơn 30.000 người ở nước này đã bị buộc tội bạo lực với bạn đời của họ, trong đó có khoảng 7.000 vụ liên quan đến hành vi bạo lực thể xác, 84 vụ tấn công tình dục và 10 vụ giết người.

Theo một cuộc khảo sát khác được thực hiện năm 2018, có 9/10 phụ nữ sống ở Seoul cho biết đã bị bạn tình nam lạm dụng và gây tổn thương, cả về thể chất hoặc tâm lý.

“Ngày càng có nhiều đơn tố cáo về các hành vi bạo lực trong tình yêu vì các nạn nhân hiện đã phản ứng nhanh và chủ động hơn trước. Nhưng các quan chức điều tra lại thường không can thiệp, vì cho rằng đó là những chuyện bình thường và không thụ lý hồ sơ”, Choi Seon-hye - Giám đốc của Korea Women’s Hot Line, một tổ chức chuyên giám sát các trung tâm tư vấn và giúp đỡ các nạn nhân còn sống sót sau bạo lực gia đình - nói với tờ Korea Times.

“Phản ứng của công chúng đối với đơn kiện của mẹ Hwang cho thấy ngày càng có nhiều người nhận thức rằng bạo lực hẹn hò không kém gì tội ác. Họ lo sợ điều tương tự có thể xảy ra với mình”, bà Kim Do-yeon - người đứng đầu Viện Bạo lực hẹn hò Hàn Quốc - nhận định và cho biết thêm, trong những năm gần đây, số cuộc gọi từ phụ nữ đến các trung tâm trợ giúp bạo lực gia đình đã tăng “theo cấp số nhân”.

“Phụ nữ từng phải chịu đựng trong im lặng vì sợ phản ứng dữ dội từ đàn ông và những hậu quả khác, nhưng họ đã bắt đầu lên tiếng. Đã đến lúc chúng ta cần đưa ra một đạo luật mạnh mẽ để trừng phạt những kẻ phạm tội một cách nghiêm khắc, đồng thời bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân”, bà Kim nói.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI