Hàn Quốc: Bài toán giữ gìn văn hóa truyền thống trước sức lan tỏa mạnh mẽ của Kpop

03/08/2020 - 11:08

PNO - Bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ, bản thân nghệ sĩ biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng cố gắng thay đổi, tiếp cận để thu hút nhiều khán giả hơn.

Nửa đầu năm 2020 đánh dấu sự thành công của ngành giải trí Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh lẫn sân khấu, đặc biệt là cách tạo nên xu hướng, bản sắc riêng.

Không chỉ với các loại hình nghệ thuật "thời thượng", khán giả dễ dàng nhận thấy xứ kim chi vẫn giữ gìn rất tốt những bản sắc văn hóa truyền thống từ pansori, nhạc gugak, múa mặt nạ cho đến những dòng nhạc xưa thịnh hành như trot hay newtro mang âm hưởng thập niên 90.

Pansori loại hình truyền thống lâu đời tại Hàn Quốc.
Pansori, loại hình truyền thống lâu đời tại Hàn Quốc.

Đi kèm với nỗ lực quảng bá của chính phủ, bản thân những loại hình truyền thống và các nghệ sĩ đã không ngừng đổi mới, tự tạo cơ hội tiếp cận công chúng sâu rộng hơn.

Đơn cử như pansori, hình thức kể chuyện truyền thống thường có một sorikkun (ca sĩ) truyền tải câu chuyện kết hợp với một gosu (tay trống), được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Pansori thường được trình diễn trong hoàng cung trước đây nên khá kén người nghe, dẫu vậy vẫn không ít ca sĩ trẻ say mê thể loại này.

“Tôi rất hào hứng khi thực hiện pansori với những người cùng thời, mặc trang phục đương đại vừa ca hát vừa nhảy múa. Tôi nhận ra rằng pansori không chỉ có hát mà còn là kể chuyện. Bất kỳ câu chuyện nào cũng có thể được kể dưới dạng pansori và nó đã khai sáng cho tôi. Tôi tin rằng pansori có sức mạnh và sức quyến rũ mọi người” - nữ ca sĩ Song Bo-ra hứng thú sau khi tiếp cận pansori.

Nữ ca sĩ Song Bo-ra trong phần trình diễn Pansori Hamlet.
Nữ ca sĩ Song Bo-ra trong phần trình diễn "Pansori Hamlet".

Tuy nhiên đam mê là chưa đủ, điều quan trọng nhất để giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa là phải khơi dậy sức sống, lan tỏa tình yêu dòng nhạc truyền thống đến với công chúng, nhất là giới trẻ. Nhận thức rõ vấn đề, hàng năm chính phủ Hàn Quốc đều tổ chức Lễ hội Nghệ thuật dân gian tại Khu Phức hợp thể thao Jamsil, Seoul. Trải qua hơn 6 thập kỷ, mỗi năm lễ hội đã thu hút hàng chục nhóm biểu diễn chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp trên toàn quốc, phục vụ liên tục cho hàng ngàn khán giả trong 2-3 ngày.

"Kể từ khi ra đời vào năm 1958, lễ hội đã đặt nền móng cho việc ban hành Di sản Văn hóa của Hàn Quốc, các đạo luật bảo vệ, nỗ lực duy trì, bảo tồn văn hóa lâu đời của dân tộc và giới thiệu đến thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Liên hoan Nghệ thuật dân gian thiếu niên quốc gia cũng được tổ chức song song cùng lễ hội từ năm 1994” - Kim Heon-seon, thành viên của Ủy ban Lễ hội nghệ thuật dân gian Hàn Quốc nói với Korea Times.

Màn diễn xướng pansori tập thể.
Màn diễn xướng pansori tập thể.

Các cơ quan chức năng xứ kim chi còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trình bày những sáng tạo của họ từ âm nhạc cung đình đến ca hát pansori và điệu múa dân gian. Tất cả đều được trình diễn tại phòng trưng bày nghệ thuật đương đại lớn của đất nước. Trong chương trình giao lưu văn hóa ở nước ngoài, chính phủ cũng không quên giới thiệu nghệ thuật truyền thống, dàn dựng buổi biểu diễn đặc sắc kéo dài từ 1-2 tiếng gồm diễn xướng pansori, múa quạt Buchaechum, múa mặt nạ Cheoyongmu, múa trống Jangguchum… Các tiết mục được biểu diễn bởi những nghệ sĩ giỏi nghề, tạo ấn tượng đẹp với bạn bè quốc tế, từ đó, thúc đẩy quảng bá văn hóa và du lịch đất nước. 

Để các loại hình nghệ thuật dân gian có thể phổ biến và gần gũi với đời sống cộng đồng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, ngày 30/12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cùng Quỹ Phát thanh Gugak (GBF) đã ra mắt kênh Gugak TV. Đây là kênh truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc dành riêng để phát sóng các loại hình văn hóa truyền thống. Thông qua Gugak TV, ngoài các chương trình biểu diễn, khán giả còn được các ca sĩ dày dặn kinh nghiệm trực tiếp chỉ cách học hát pansori và các bài hát dân gian.

"Gugak là tài sản văn hóa quý giá, chứa đựng bản sắc dân tộc của chúng ta. Tôi hy vọng rằng việc mở Gugak TV là một cơ hội đột phá nhằm phổ biến, thúc đẩy và công nghiệp hóa văn hóa truyền thống” - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Park Yang-woo nói.

BTS sử dụng vũ đạo mang phong cách Pungmul - một điệu nhảy cổ của Hàn - tròn bản hit Idol.
BTS sử dụng vũ đạo mang phong cách Pungmul - một điệu nhảy cổ của Hàn - trong bản hit Idol.

Có một điều khá thú vị, khi làn sóng Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) ngày càng tiệm cận và phổ biến với thế giới, cũng là lúc các nghệ sĩ thần tượng đình đám như Psy, G-Dragon (Bigbang), BTS, Song Mino (Winner)… đưa nghệ thuật trở về cội nguồn văn hóa quê hương, khi kết hợp pop, hip-hop với những giai điệu dân gian cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống.

Chẳng hạn, ca khúc Follow (Monsta X) cuốn hút nhờ taepyeongso, nhạc cụ gió truyền thống xứ Hàn; hay bản hit Idol (BTS) đầy huyền bí nhờ có sự đóng góp một phần công sức không nhỏ của pansori, kkwaenggwari (chiêng bằng đồng), gakgung (cung sừng) và janggu (trống truyền thống)… Nhờ sức hút của các ngôi sao Kpop, những người hâm mộ trẻ có thể tiếp cận và yêu mến các dòng nhạc có lịch sử lâu đời của dân tộc Hàn Quốc. Ngược lại, các nghệ sĩ cũng tạo được cho mình bản sắc riêng trong con đường âm nhạc của họ, chinh phục nhiều đối tượng khán giả hơn cả trong và ngoài nước.

Như lời nhận định của Kim Sung-min, trưởng nhóm của Quỹ Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Hàn Quốc: “Bây giờ là thời gian để hợp nhất và hòa hợp giữa các thể loại nghệ thuật khác nhau. Chúng tôi hy vọng loại hình biểu diễn pha trộn các thể loại nghệ thuật này có thể tạo cơ hội cho các nghệ sĩ tiến lên trong giai đoạn tiếp theo của sự sáng tạo”. 

Hàn Quốc chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Hàn Quốc chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Sự kết hợp giữa các thể loại âm nhạc truyền thống và hiện đại đã dần phổ biến ở xứ kim chi, thể hiện rõ nét nhất qua 3 nhóm nhạc SsingSsing, Coreyah và Leenalchi.

Dẫu vậy, bản thân các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc truyền thống vẫn còn không ít trăn trở về thu nhập, được đánh giá là chỉ đủ sống. "Các nhạc sĩ trong các ban nhạc và biểu diễn âm nhạc truyền thống đã quá quen với việc không thể thương mại hóa. Làm việc bán thời gian được coi là cần thiết để có thể duy trì tình yêu âm nhạc của họ” - 1 thành viên nhóm Leenalchi nói với Korea Times.

Hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) luôn trích ngân sách giúp đỡ cho các cá nhân, đoàn nghệ thuật dân gian. Điển hình như trong mùa dịch COVID-19, chính phủ đã phân bổ 31,9 tỷ won (tương đương 26,7 triệu USD) để hỗ trợ tiền lương cho 3.500 người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn gồm nhà hát, nhạc kịch và các buổi hòa nhạc cổ điển.

Những hình ảnh của các nghệ sĩ trình diễn pansori.
Những hình ảnh của các nghệ sĩ trình diễn pansori.

Bên cạnh sự hỗ trợ, để có sự chủ động trong kinh phí, đầu tư những sản phẩm chất lượng, hầu hết các nhóm nhạc truyền thống, ngoài biểu diễn ở các lễ hội, nhà hát, trung tâm văn hóa… họ còn giảng dạy, phát triển kênh YouTube nhằm tăng cường giao lưu trực tuyến với người hâm mộ, thử nghiệm các dòng nhạc khác nhau như pop để có hội trình diễn nhiều hơn, qua đó giúp tăng thu nhập.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI