Hạn, mặn "tấn công" giá thực phẩm

30/03/2016 - 07:45

PNO - Những cánh đồng lúa, mía chết cháy; những vườn rau không nhú nổi mầm; những ao cá khô trơ đáy... Sự tác động liên hoàn đã bắt đầu.

Han, man
Những cánh đồng mía chết khô ở Cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Trung Hiếu

Trong khi người dân miền Tây đang đối mặt với chồng chất khó khăn, thì tại TP.HCM, các bà nội trợ cũng than trời vì giá nhiều mặt hàng thực phẩm từ đồng bằng sông Cửu Long về TP.HCM đã tăng vọt. Những cánh đồng lúa, mía chết cháy; những vườn rau không nhú nổi mầm; những ao cá khô trơ đáy... Sự tác động liên hoàn đã bắt đầu.

Tăng từ nguồn cung

Theo nhiều chủ đại lý gạo ở TP.HCM, giá gạo các loại đã tăng trung bình 500-1.000đ/ kg từ mấy ngày nay, do tăng từ đầu mối cung cấp. Theo một số đầu mối thu mua lúa tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, giá lúa gạo liên tục tăng trong những ngày qua, ngay lúa phẩm cấp thấp nhất như IR 50404 mua tươi tại ruộng của nông dân cũng đã tăng lên mức 5.200- 5.250đ/kg, cao hơn gần 1.000đ so với đầu vụ. “Trong ba ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày giá 1kg lúa tăng thêm 50đ”, một thương lái nói.

Ông Trần Ngọc Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Vinh Phát (TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp của ông tham gia chương trình bình ổn giá mặt hàng gạo tại TP.HCM nhưng khá lâu rồi công ty mới điều chỉnh tăng giá mặt hàng này, dù mức tăng chỉ 200-300đ/kg.

Theo ông Trung, đây vốn là mặt hàng ít biến động nhất tại thị trường trong nước, đợt điều chỉnh giá này phản ánh rõ nhất tác động của tình hình hạn, mặn. Nguồn cung sụt giảm trong khi giá xuất khẩu tăng trong thời gian qua do các doanh nghiệp tập trung gom lúa để giao cho các hợp đồng xuất khẩu ký trước đó khiến giá gạo nội địa tăng theo. Bên cạnh đó, giá đường đã tăng hơn 10% trong thời gian ngắn do thiếu nguồ  nguyên liệu.

Không chỉ gạo, nhiều nhóm hàng thực phẩm tươi sống từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về TP.HCM cũng tăng đáng kể trong những ngày gần đây. Theo các tiểu thương chợ Bình Điền và một số chợ lẻ như chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu… có những mặt hàng giảm nhanh về số lượng trong khi giá tăng với tốc độ chóng mặt, chẳng hạn như chanh Bến Tre từ mức 15.000-20.000đ/kg cách đây hai - ba tuần hiện đã lên 35.000đ/ kg, tăng gần gấp đôi. Những loại rau, củ từ các tỉnh lên dù giá không tăng nhiều nhưng mẫu mã, theo đánh giá chung của nhiều đầu mối, là không được đẹp, do rau bị vàng, táp lá.

Mức tăng mạnh cũng thấy rõ ở một số loại thủy sản nước ngọt đánh bắt tự nhiên. Các loại cá đồng như cá lóc, trê, rô, hú... tăng trung bình từ 5.000- 15.000đ/kg. Một số cơ sở kinh doanh mặt hàng thủy sản tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết, lượng hàng thủy sản đánh bắt tự nhiên giảm khá nhanh dẫn đến giá bán tăng, có những loại như cá lóc đồng tăng tới 20.000đ/kg.

Nhiều loại cá nước ngọt nuôi như diêu hồng, hú, chim… cũng tăng theo do nhu cầu nhiều hơn. “Ngay cả cá tra, xưa giờ cao nhất cũng chỉ 32.000đ/kg, hiện lên 38.000- 40.000đ/kg”, một tiểu thương tại chợ Bình Điền nói.

Đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam xác nhận, giá đường đang tăng mạnh do nhiều diện tích mía tại các tỉnh thành bị chết.

Không nằm trong nhóm hàng tăng giá đợt này, nhưng theo một số doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm, nếu tình trạng hạn, mặn tiếp tục kéo dài như hiện nay, việc điều chỉnh giá chỉ là chuyện sớm muộn. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, giá trứng thu mua từ nông dân đã tăng nhưng không đáng kể nên công ty chưa điều chỉnh giá bán lẻ trên thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, muộn nhất trong vòng một tháng nữa giá trứng sẽ chịu ảnh hưởng nếu thời tiết không thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Trong trường hợp giá biến động mạnh hơn, công ty sẽ phải kiến nghị với Sở Tài chính xin điều chỉnh giá đúng theo cam kết của chương trình bình ổn giá…”, ông Thiện cho hay.

Han, man
Giá đường đã tăng hơn 10% trong thời gian ngắn do thiếu nguồn nguyên liệu

Thiệt hại đang bủa vây

Dù thừa nhận hạn, mặn đang khiến giá những mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên nhưng đại diện các ngành hàng đều khẳng định, khó xảy ra khả năng thiếu hụt nguồn cung dẫn đến sốt giá. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, tăng trưởng nông nghiệp quý I/2016 giảm 1,23%, sản lượng lúa giảm 700.000 tấn, trung bình mỗi hecta lúa đã sụt giảm 400kg, nguyên nhân giảm được đánh giá là do ngập mặn. Ông Trần Ngọc Trung cũng cho rằng, hiện mặt hàng lương thực đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tình hình thời tiết. Tuy nhiên, lượng gạo tại các doanh nghiệp tham gia bình ổn đang được duy trì ở mức ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI