Hạn, mặn làm tôm chết, lúa thất mùa

17/02/2016 - 09:36

PNO - Hạn, mặn xâm lấn đồng bằng sông Cửu Long từ hơn hai tháng trước, đến nay đã trở nên gay gắt hơn.

Tôm chết, lúa thất mùa, đất nứt nẻ, người dân chỉ đủ nước ngọt cho những sinh hoạt tối thiểu… Sáng 17/2, tại TP.Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì một hội nghị để bàn giải pháp ứng phó với diễn biến phức tạp của hạn, mặn đang diễn ra ở khu vực này.

Ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu lo ngại cho biết, năm nay do mặn xâm nhập sớm nên độ mặn trên các ao nuôi có khả năng tăng cao, vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm. Hiện ở các vùng phía bắc tỉnh gồm H.Phước Long, Hồng Dân và một phần thị xã Giá Rai bị ảnh hưởng do thiếu nước mặn cục bộ phục vụ nuôi tôm, hàng trăm hec-ta nuôi tôm đang ngắc ngứ.

Còn tại Cà Mau, ở hai tiểu vùng II và III phía bắc tỉ nh (gồm hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, diện tích khoảng 120.000 ha) do khép kín, nên nước mặn không thể xâm nhập. Bà Trần Nguyệt Ảnh, ở H.Trần Văn Thời cho biết, hàng năm người nuôi tôm ở địa phương đều phải đối phó với việc thiếu nước nhưng chưa bao giờ hạn như năm nay, ba vuông tôm của gia đình bà đã có hiện tượng đỏ đầu, phát sinh bệnh, chết. Ông Lê Văn Tuấn, ngụ H.Thới Bình cho biết, hơn 2ha đất sản xuất lúa - tôm của gia đình bị thiệt hại cho thiếu nước và xâm nhập mặn tăng cao: “Không riêng gia đình tôi, nhiều hộ dân khác cũng lâm cảnh trắng tay”.

Han, man lam tom chet, lua that mua
Nhiều diện tích trông lúa bị ảnh hưởng bởi hạn nặng - Ảnh minh họa: Báo An Giang

Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết hạn, mặn đã gây thiệt hại nặng đến hoạt động sản xuất lúa đông xuân và làm thiếu nước sinh hoạt cho người dân ở các huyện phía đông của tỉnh.

Tính đến thời điểm này, đã có khoảng 660 ha lúa đông xuân tại H.Gò Công Đông và một phần diện tích lúa ở H.Gò Công Tây bị thiệt hại. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó phòng NN&PTNT H.Gò Công Đông, huyện đang phải đối mặt với hạn mặn gay gắt nhất từ trước đến nay. Để hỗ trợ bà con, huyện đã dẫn nước ngọt về 61 điểm công cộng phục vụ nhu cầu tối thiểu, còn việc sản xuất, nuôi trồng phải chịu tổn thất nặng.

Theo báo cáo của ngành NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tính đến đầu tháng 2/2016, tại các huyện An Biên, An Minh, 34.000 hec-ta lúa đã bị chết khiến 14.250 nông hộ trắng tay. H.Gò Quao cũng có đến cả chục ngàn hec-ta lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn.

Để đối phó với hạn, mặn, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tránh, chuyển như thay đổi thời gian xuống giống, khoan giếng để khai thác nước ngầm. Nhiều nơi áp dụng biện pháp nội đồng, chỗ cạn thì vét sâu, chỗ có cống thì sử dụng để trữ nước ngọt, chỗ không có cống thì dùng bạt cao su để ngăn nước mặn khi triều cường và xả mặn khi triều xuống.

Hiền Dung - Đông Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI