Hạn, mặn - điệp khúc của đất chín rồng: Mùa rơm nắng

28/02/2016 - 10:11

PNO - Cái thời người nông dân tươi cười khoan khoái trên ruộng vàng đâu còn nữa, nó như cánh cò trong ca dao đã bay mất xa lắc xa lơ rồi...

Một mùa đốt đồng mới hôm nào như đang trở thành ký ức, bởi rơm rạ đâu còn nữa, họ phải vay tiền sang tận Campuchia mua rơm để cầm hơi cho bò, vì đó là cả gia sản của họ, Một mớ bòng bong, nghịch lý đến khó tin ở vùng hạn, mặn. Không thể bỏ gối chờ chết, họ loay hoay, quờ quạng tìm cứu súc vật kèm theo những câu hỏi mà câu trả lời như trôi tuột, không lời vọng.

Rơm cũng phải... nhập khẩu!

Không phải là hoang mạc, nhưng sự thoi thóp và tàn lụi màu xanh trên những cánh đồng đã dự báo sự khốc liệt sẽ ngoài tưởng tượng. Có thể đọc được điều đó trong ánh mắt lo sợ của những nông dân miền Tây. Nhiều nơi, rơm cũng không còn, bởi lúa đã chết hết.

Tôi nhớ ông Bốn Canh ở Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, dù có buông câu như hờn dỗi chia lìa với ruộng, thì những người nông dân như ông vẫn cố gắng gượng bám đất, bởi ruộng đâu chỉ là ruộng; rời nó, họ sẽ chết: “Lúa đó, mọc lú bú như gang tay, dẹo dặt, không cắt được. Chỗ đã có đòng thì đắng, bò nó chê, chán muốn bỏ luôn, nhưng biết làm sao, phải ráng mà làm vụ tới để kiếm rơm cho bò chứ sao anh”. Làm không phải cho mình mà để cho bò.

Han, man - diep khuc cua dat chin rong: Mua rom nang
Cả tháng rồi bà con phải mua nước

Dân miền Tây luôn nôn nao mùi khói đốt đồng. Tôi nhớ đọc trong bút ký của Võ Đắc Danh, có đoạn anh tả mùa len trâu, đi qua đồng chó ngáp, luôn thủ trong người nhúm muối ớt, gặp chỗ đốt đồng đêm qua còn ấm nóng, gạt đống tro ra, là con rắn to bự chảng cháy đen co quắp, lột da, bẻ ngang xương, lôi “bảo bối” muối ra là đã sẵn mồi.

Sau này tôi hỏi, Võ Đắc Danh kể lúc đó là đốt chuột, cho rơm cháy bất tận mút mùa, đến bờ sông gặp nước là hết cháy… Khói đốt đồng là “chân trời cũ” trong ký ức đời người, là hoài niệm ngổn ngang, mơ màng, thậm chí lịm đi trong nỗi nhớ của kẻ tha hương. Mùi rơm rạ vàng thơm sữa non, mùi cây cỏ quyện thành một thứ vị, mà kẻ yếu đuối khi xa xứ chiều hôm hay buồn nghĩ nửa đêm trở mình có thể gọi tên nó là nước mắt. Nhưng giờ, kẻ ở nhà cũng không thấy được mùi khói lẫn ánh lửa đêm trong ngàn ngạt gió.

Khi tôi đứng ở cống lớn ngăn mặn ở vàm Mương Đào, ấp 9, xã Ân Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, hỏi một ông đang cúng ghe, là chỗ đằng kia người ta khuân cái thùng như thùng phuy để làm chi, thì ông trả lời ngao ngán: “Để hầu mấy con bò”. Một chiếc thuyền lớn chất đầy rơm đậu ngay cạnh bờ vàm. Mấy người thanh niên khuân xuống, trên bờ có xe đón chở.

Chị Nguyệt, chủ đò cho hay, bà con không còn rơm cho bò, nên chị chạy qua Campuchia để mua. “Ghe này chất được một ngàn cục, chừng 27 triệu, em bán lại khoảng 24-25 ngàn/ cục, lời năm ngàn/cục”. “Sao đi xa quá?”. “Chỗ nào nữa mà mua, cữ trước em xuống Long An, nhưng nay hết rồi”. Anh Tư Cần, đang bốc cục rơm lên vai, e hèm: “May còn mua được rơm để nó ăn, nó mà chết thì mình cũng bỏ của”. “Bán hết không chị?”. “Hết liền đó anh, người ta đặt hết rồi”. Rơm dưới ruộng thì hết. Rơm trên bờ phải… nhập khẩu. Ê ẩm và nghịch lý biết bao!

Tôi nhấc thử. Một cục khoảng 15kg. Mùi thơm thảo lẫn nhọc nhằn ruộng đồng tràn ngập trí nhớ. Ai đó nói nhẹ như rơm. Sai rồi, giờ nó đang trĩu nặng đây, ít ra là đang trì kéo trên gương mặt sạm nắng của chị Võ Thị Ngân. Rơm chất sau xe máy, cao lút đầu chị. “Nhà em có 13 con bò, phải đi vay 10 triệu mua rơm”. “Mùa tới nếu mặn còn, ruộng bỏ hoang, lấy gì trả?”. “Thì bán bò - chị cười như mếu - không dám cho ăn hai lần/ngày, hết, tiền đâu mà mua, nên cho ăn một bữa hơi nhiều hơn chút”.

“Giờ anh hỏi tính sao thì thiệt là chưa biết, cứ tới đâu hay tới đó, cầm cự mà”, anh Tư gạt mồ hôi ròng ròng. Nắng như đốt như thiêu lời khản đặc vì thiếu nước uống. Hình như tôi thấy rơm đang cháy, khói ngùn ngụt chân trời, những vòng khói đắng chát vẽ khuôn mặt buồn rầu những người cần lao tan trong biếc xanh ngăn ngắt không gợn mây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI