Hàn gắn những chia rẽ

25/11/2016 - 17:46

PNO - Ngay sau khi có kết quả bầu cử, hàng loạt tờ báo lớn của Mỹ cũng như thế giới cùng giật tít: “Nước Mỹ lo sợ!”, “Người dân hoang mang”…

Trước cuộc đua vào Nhà Trắng, nước Mỹ được ví như quả bóng căng đầy mâu thuẫn, chia rẽ sâu sắc với những vụ tấn công bạo lực, xung đột sắc tộc, xung đột lợi ích kinh tế... Lời lẽ trực diện trong cuộc vận động tranh cử của tỷ phú Donald Trump càng phơi bày rối rắm trong lòng nước Mỹ, đánh thẳng vào cảm xúc của người dân. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, hàng loạt tờ báo lớn của Mỹ cũng như thế giới cùng giật tít: “Nước Mỹ lo sợ!”, “Người dân hoang mang”…

Nhiều nhà bình luận phân tích, một trong những yếu tố mang đến chiến thắng cho ông Trump chính là cảm xúc từ thành phần người Mỹ da trắng bị lãng quên. Họ là những người cảm thấy an ninh, công ăn việc làm bị đe dọa bởi làn sóng người nhập cư. Chưa bao giờ vết thương trong lòng xã hội Mỹ cần sự xoa dịu, hàn gắn như lúc này.

Ngay trước thềm bầu cử, ông Derrick Johnson, Chủ tịch Hội Thăng tiến người da màu (NAACP) ở Mississippi chia sẻ câu chuyện một nhóm học sinh da trắng thắt thòng lọng quanh cổ cậu bạn da màu rồi ép bạn “diễu hành” với bước đi giật lùi. Nam sinh da màu ấy không bị thương nhưng thật sự khủng hoảng.

Han gan nhung chia re
Người dân Mỹ kêu gọi chống lại sự kỳ thị - ẢNH: GUARDIAN

Hậu bầu cử, sự việc dường như tồi tệ hơn. Chỉ trong tuần đầu tiên sau bầu cử, số vụ kỳ thị ở mức độ phạm tội báo về các đồn cảnh sát trên cả nước là gần 450 vụ. Ông John Draper, Giám đốc Cơ quan Ngăn chặn tự tử quốc gia cho biết, số cuộc điện thoại vào đường dây nóng nhờ hỗ trợ người có ý định tự tử tăng kỷ lục, trung bình mỗi giờ là 660 cuộc, gấp 2,5 mức thông thường.

Phần lớn cuộc gọi là đối tượng thuộc cộng đồng LGBT. Họ mất niềm tin, cảm thấy bị bỏ rơi, bị đe dọa trước kết quả bầu cử. Ông Donald Trump không trực tiếp phản đối cộng đồng LGBT nhưng tân Phó tổng thống Mỹ, ông Mike Pence lại cực kỳ bảo thủ, từng có những phát biểu “vùi dập” hôn nhân đồng giới.

Ban giám hiệu trường Southern Lehigh ở Pennsylvania (bang ông Trump giành chiến thắng với 20 phiếu đại cử tri) phải tổ chức họp khẩn sau khi phát hiện hàng loạt học sinh tấn công “hội đồng” các học sinh đồng giới, chế giễu bạn học da màu bằng câu nói xúc phạm hay biểu tượng bạo lực.

Tỷ phú Trump từng phát biểu công khai rằng sẽ cấm người theo đạo Hồi nhập cư vào Mỹ do nạn khủng bố ngày một tăng cao. Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông luôn bày tỏ thái độ phản đối đạo Hồi. Thông điệp ấy cùng thực tế có quá nhiều cuộc tấn công từ các phần tử cực đoan trên khắp thế giới tạo tâm lý bài xích người Hồi giáo, đặc biệt là nữ giới.

Ngay sau khi ông Trump tuyên bố thắng cử, nhiều phụ nữ Hồi giáo sống ở Mỹ chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ cân nhắc việc không mang khăn choàng đầu, cố không để lộ bất cứ “dấu tích” đạo Hồi nào vì không muốn trở thành mục tiêu tấn công của thành phần quá khích.

Anh Julio Puentes, gốc Mexico kể lại: “Lũ trẻ tấn công con tôi, văng tục và bảo nó hãy cút về quê hương cùng gia đình. Con tôi không dám đến trường vì sợ những lời miệt thị. Rất nhiều đứa trẻ cũng khổ sở như con tôi”. Hai kênh đường dây nóng Crisis Text Line và Trans Lifeline chuyên hỗ trợ, trấn an những người đang rối trí hậu bầu cử cũng phải tăng ca dồn dập.

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump từng phát biểu trong vận động tranh cử, rằng số nhân lực có bằng STEM (khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học) quá nhiều so với nhu cầu việc làm. Ông đề xuất, sẽ có giới hạn cho diện visa H-1B (giấy phép cho phép doanh nghiệp Mỹ thuê chuyên gia nước ngoài).

Đồng thời, ông liên tục dọa đuổi ba triệu người nhập cư trái phép đang sống ở Mỹ. Tuyên bố ngăn chặn người nhập cư trái phép của ông Trump cũng được cho là có liên quan đến dòng người ở các quốc gia Trung Mỹ cố bằng mọi giá tràn sang Mỹ trước thời điểm ông Trump chính thức nhậm chức.

Mới đây, chính quyền Mỹ phải triển khai thêm 150 cảnh sát tuần tra biên giới để giám sát một đoạn đường ở thung lũng Rio Grande, miền Nam Texas, kẽ hở cho bọn buôn người tổ chức vượt biên trái phép sang Mỹ.

Chưa kể cảm giác bất an trước thời cuộc đã lan sang những đứa trẻ. Chuyên viên tâm lý Quinn Gee cho biết, 3/4 khách hàng là các em từ 10-14 tuổi có tâm lý muốn tự tử do lo sợ cho tương lai bất định khi bố mẹ các em là người đồng giới hoặc là người nhập cư chưa có giấy tờ hợp pháp. Theo cô Quinn Gee, đây là thời điểm các nhân viên xã hội, người tình nguyện thắt chặt hơn nữa vòng tay hướng đến những đối tượng dễ bị tổn thương.

“Bây giờ là thời gian để nước Mỹ hàn gắn vết thương chia rẽ, chúng ta phải đoàn kết” - ông Donald Trump đã khẳng định như thế ngay sau khi có kết quả đắc cử. Khi làn sóng kỳ thị dâng cao sau bầu cử, ông Trump đã yêu cầu các đối tượng quá khích “hãy dừng lại!” và trấn an những ai đang chịu sự bủa vây của thông tin tiêu cực rằng “đừng sợ hãi”.

Chặng đường tranh cử cam go với những lời lẽ gây sốc đã qua. Điều mà tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 phải làm trước tiên chính là tìm lại sự cân bằng cho nước Mỹ vốn âm ỉ vết thương phân biệt chủng tộc.

Thiên Như (Theo Verge, Guardian, Euro News, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI