Hận chồng tận xương tủy, nhưng không thể ly hôn

23/05/2020 - 09:10

PNO - Chị đang ở hoàn cảnh vô cùng khó xử, vì như người xưa nói “bỏ thì thương, vương thì tội”. Chị cố nén đau buồn để sống cho hết trách nhiệm.

“Tôi đã đọc bài báo Khi gà mái nổi giận đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM hồi tháng 3/2020, thấy hoàn cảnh nhân vật sao giống nhà tôi quá. Tôi cảm phục cách xử sự kiên quyết và dũng cảm của chị ấy, nhưng không thể học tập được. Dù hận chồng tận xương tủy, nhưng tôi không đang tâm bỏ chồng, vì anh ta là người tật nguyền”.

Đó là tâm sự của chị Nh. (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về hoàn cảnh gia đình mình. 39 tuổi mà “hai lần đò”, chị Nh. tưởng rằng sự lựa chọn thứ hai là khôn ngoan, khi ôm đứa con gái sáu tuổi về chung nhà với một người đàn ông tật nguyền. 

“Anh ấy điềm đạm, rất giỏi nghề chữa bệnh gia súc gia cầm, do người cha truyền lại cho”. Người đàn ông chỉ cao 80cm, suốt ngày nằm một chỗ ấy lại thông minh và hiểu biết. Chị đồng ý lấy anh vì thương mến và cảm phục. Người chồng trước dù lành lặn nhưng bạc tình, bạc nghĩa, cùng với gia đình bên nội luôn coi trọng tiền của hơn tình người, đã đẩy mẹ con chị vào hoàn cảnh hết sức khốn khổ, phải tìm đến giải pháp chia tay.

Anh chồng tật nguyền tuy sức khỏe hạn chế, hay bị đau ốm vặt, nhưng thực sự là người làm chủ kinh tế gia đình. Tám năm qua, anh đã giúp chị nuôi dạy con gái ăn học tử tế, chu đáo như người cha ruột. Cho tới khi chị sinh được với anh cậu con trai thì tình cảm cha dượng, con vợ có thay đổi. Anh không còn cưng chiều con bé như trước.

“Cơm có bữa, chợ có phiên”, không gì là viên mãn được. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Tiền bạc hai vợ chồng kiếm ra cũng nhiều. Anh vừa tư vấn, vừa chữa bệnh gia súc, gia cầm cho người ta. Chị tần tảo mấy sào ruộng, sào vườn, ấp gà con, nuôi gà thịt, vỗ béo đàn heo. Nếu như thi thoảng anh không bị nằm bệnh viện thì cũng dư dật được nhiều tiền.

Hồi cuối năm ngoái, anh ốm một trận “thập tử nhất sinh”, trái tim đau yếu của anh tưởng như ngừng đập. Chị bán hết heo gà chạy chữa cho chồng, may là anh mệnh lớn nên thoát chết, tuy sức khỏe không còn được như trước. Sau Tết, đại dịch COVID-19 làm đình trệ tất cả công việc, hai đứa con của chị cũng nghỉ học ở nhà chơi mấy tháng liền.

Trong những ngày này, chị phát hiện tội lỗi “tày trời” của chồng: anh đã để mắt tới con gái riêng của vợ. Con bé mới 14 tuổi, còn quá ngây thơ và không nghi ngờ gì cha dượng - vốn thương yêu nó từ nhỏ. Lợi dụng lúc nhờ con lấy cho ly nước, viên thuốc, đấm bóp lưng cho đỡ nhức mỏi, người cha dượng hư hỏng đã lộ mặt “yêu râu xanh”.

Từ những đụng chạm, sờ nắn có chủ ý, anh dụ dỗ con bé làm chuyện người lớn: “Mày chiều cha tí nhé? Rồi cha mua cho chiếc iPhone 7, tha hồ lên mạng”. Con bé thấy vậy thì sợ hãi bỏ đi, mãi mới dám kể lại với mẹ. Chị không tin, chờ dịp ghi âm lại được những lời sàm sỡ của chồng với con gái. Một buổi, chỉ có hai vợ chồng với nhau, chị đem chứng cớ ra nói thẳng với chồng: “Em lấy anh vì rất thương và nể phục. Giờ anh nên giữ cho em lòng kính trọng đó. Anh hãy buông tha con bé”.

Trái với dự đoán của chị, anh không tỏ ra ăn năn hối lỗi mà chối phăng, còn lu loa lên là chị vu khống, làm nhục anh. “Cô định làm cho tôi lên máu mà chết hả? Con ranh kia nứt mắt mà đã đú đởn rồi, chứ tôi nào dụ dỗ nó”. Thoắt cái, người chồng điềm đạm biến thành kẻ ngoa ngoắt, lật lọng đến không ngờ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Nh. nói dù rất cảm phục cách xử sự của nhân vật nữ trong bài báo Khi gà mái nổi giận, nhưng chị không thể bỏ chồng mà ôm con đi. Càng không đuổi được chồng ra khỏi nhà, vì ngôi nhà là do cha mẹ chồng để lại.

“Nếu anh ấy lỡ làm hại con bé rồi, tôi quyết chết cả hai vợ chồng. Nhưng sự việc chưa có gì nghiêm trọng, nên tôi đành chấp nhận tiếp tục sống chung. Bỏ chồng bây giờ, thiên hạ sẽ cho tôi là ruồng rẫy người tật nguyền, theo bồ bịch chẳng hạn. Với lại thằng út mới năm tuổi, nó cần có cha”.

Biện pháp tích cực của chị Nh. là nói con gái luôn tránh cha dượng một khoảng cách an toàn, từ chối mọi sự đề nghị chăm sóc như ngày trước. Cũng may là con gái chị đã lớn và khá hiểu biết. Nó động viên chị: “Mẹ đừng lo! Con sẽ biết cách bảo vệ mình. Ông ấy nằm một chỗ, chẳng làm gì được đâu”.

Chị đang ở hoàn cảnh vô cùng khó xử, vì như người xưa nói “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vốn bản chất hay thương người, chị cố nén nỗi đau buồn để sống cho hết trách nhiệm. Là phụ nữ, hãy biết tha thứ. Chị nói như vậy, và băn khoăn liệu có ai phản đối mình không? 

Phương Phương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI