Hạn chế rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Cần hài hòa, tránh gây sốc

18/08/2023 - 06:38

PNO - Trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/8, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trình bày tờ trình về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội ở kỳ họp thứ sáu vào tháng 10/2023.

Chọn rút 1 lần vì thời gian đóng quá dài

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm là làm thế nào hạn chế tình trạng người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần như thời gian qua. Lý giải về tình trạng này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian đóng BHXH quá dài, lên tới 20 năm: “Trong lúc khó khăn do đại dịch COVID-19, một số người buộc phải chọn cái trước mắt vì thấy sau 20 năm dài quá”. 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, để giảm tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần, cần chính sách hài hòa, tránh gây sốc cho người lao động - Ảnh: Huyền Anh
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, để giảm tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần, cần chính sách hài hòa, tránh gây sốc cho người lao động - Ảnh: Huyền Anh

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu phải đủ 20 năm hiện hành đã gây khó khăn và là một trong những nguyên nhân khiến người lao động chọn hưởng chế độ 1 lần. Do đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu. 

Theo ông, quy định này mở ra cơ hội cho một số nhóm đối tượng tham gia BHXH muộn, chẳng hạn những người 45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia hoặc tham gia không liên tục, làm công việc có tuổi nghề ngắn. Trong khi đó, người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn vẫn được hưởng lương hưu với tỉ lệ hưởng cao hơn, không thay đổi so với quy định hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm là đúng với tinh thần của Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết đã đưa ra lộ trình, thời gian đóng BHXH sẽ hướng đến 10 năm và có lộ trình trung gian là 15 năm. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo luật xác định thời điểm, lộ trình cụ thể để giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 10 năm.

Thẩm tra dự án luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho hay, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH xuống 15 năm. Điều này là cần thiết để khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH. Nhưng bà lưu ý, cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng và hưởng, khía cạnh kinh tế.

Do dự giữa 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Điểm mới của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là sửa đổi quy định về điều kiện rút BHXH 1 lần. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, đây là điều phức tạp, nhạy cảm. Hiện ở miền Nam, miền Trung, có tới 75% người nghỉ việc chọn rút BHXH 1 lần, đa số là công nhân. Do đó, phải đảm bảo hài hòa giữa vấn đề an sinh xã hội và giải quyết khó khăn trước mắt, không gây “sốc” cho người lao động.

Nhiều người lao động đến cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn (TPHCM) để rút bảo hiểm xã hội 1 lần - Ảnh: Thiên Ân
Nhiều người lao động đến cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Hóc Môn (TPHCM) để rút bảo hiểm xã hội 1 lần - Ảnh: Thiên Ân

Ông nêu 2 phương án để xin ý kiến của Quốc hội. Theo phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH 1 lần. Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1/7/2025) không được nhận BHXH 1 lần (trừ các trường hợp gồm: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng).

Theo phương án 2, sau 12 tháng mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nhưng người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Bà Nguyễn Thúy Anh nhận định, mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Có ý kiến ủng hộ phương án 1 để không gây xáo trộn cho những người đã tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực. Có ý kiến lại ủng hộ phương án 2 bởi cho rằng sẽ giúp người lao động có thêm chi phí giải quyết những khó khăn trước mắt. Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến công chúng, rà soát, cân nhắc thêm các phương án khác phù hợp hơn. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận “chưa thấy có phương án tối ưu”, nhưng ông thiên về phương án 2 bởi nó hài hòa giữa người đã, đang tham gia BHXH với người sẽ tham gia BHXH.

Về nội dung này, ông Phan Văn Anh - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam - đề xuất, ban soạn thảo cần có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa để hỗ trợ người lao động trước mắt. Ví dụ như ưu đãi tín dụng, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng cường biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giải đáp thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, nâng cao ý nghĩa của việc đóng BHXH để ngày càng có đông người hưởng lương hưu, giảm số người hưởng chế độ trợ cấp an sinh xã hội sau này. 

Khuyến khích đóng bảo hiểm để nhận lương hưu

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được soạn theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần. 

Cụ thể, người lao động được giảm điều kiện hưởng lương hưu (từ 20 năm xuống 15 năm), hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người đóng BHXH được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do Ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nêu mức đóng BHXH ở một số quốc gia để minh chứng, ngoài Trung Quốc và Singapore, mức đóng BHXH của Việt Nam đang cao hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, doanh nghiệp đóng 17%, người lao động 25%, cộng các khoản khác như BHYT thì lên đến 35%. Điều này ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông đề xuất giảm mức đóng BHXH ở mức người lao động 5%, doanh nghiệp 15%.

Ông cũng cho rằng, dự thảo luật đang “rất nghiêm khắc” với các doanh nghiệp khi bỏ quy định về việc chậm đóng BHXH. Theo đó, chỉ có 2 hiện trạng là doanh nghiệp đóng hoặc trốn đóng BHXH. Ông ủng hộ việc xử lý nghiêm người trốn đóng BHXH nhưng cũng mong ban soạn thảo khôi phục khái niệm chậm đóng. 

Quan tâm hơn chính sách thai sản dành cho nam giới

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được hưởng 2 triệu đồng cho 1 con mới sinh; nếu cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng chế độ này. Người lao động nam đang tham gia BHXH được nghỉ việc tối đa 5 ngày làm việc khi vợ sinh con. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam là 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, tăng 30 ngày so với quy định hiện hành trong trường hợp vợ phải phẫu thuật khi sinh con, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho rằng, cần quan tâm hơn chính sách thai sản đối với nam giới. Bà đề xuất nâng thời gian nghỉ việc, hưởng chế độ thai sản của lao động nam lên 6 tháng để phù hợp với những gia đình có người chồng đi làm xa, cần thời gian để chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong việc chăm sóc con cái.

Minh Quang 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI