Hạn chế rác thải nhựa: Mưa dầm mới thấm lâu

19/11/2021 - 11:00

PNO - Hội LHPN Q.7 vừa tổ chức ngày hội Sống xanh với nhiều hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của người dân trong ứng xử với môi trường.

 Hoạt động thu hút nhiều gia đình trên địa bàn tham gia. 

"Vườn rau ao cá" từ phế thải

Từ hai bình nước uống loại 20 lít, mấy cái chai nhựa, một đoạn ống nước và một chiếc máy bơm mini với kích thước nằm gọn trong lòng bàn tay, gia đình chị Lê Thị Diễm Phúc (P.Phú Mỹ, Q.7) đã mang đến ngày hội Sống xanh một mô hình “Vườn rau ao cá thu nhỏ” khiến cho những ai tham dự đều phải quan tâm, thích thú vì tính ứng dụng cao, dễ thực hiện và không tốn kém.

Lê Quốc Huy, 17 tuổi, con trai chị Diễm Phúc, thay mẹ thuyết minh về mô hình. Chỉ vào những cái chai nhựa trồng đủ loại rau cải, hành lá xanh tốt theo dạng tháp tầng, Huy nói: “Những cái chai nhựa này tiện lợi và giá thành rẻ nên được sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên, vì nó quá rẻ nên theo thói quen, dùng xong chúng ta lại vứt đi. Từng ngày, rác thải nhựa tăng lên, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi người có thể có nhiều cách để góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, như gia đình con, chọn cách tái chế lại những vật liệu cũ, chai nhựa”. 

mô hình “vườn rau ao cá”
Mô hình “vườn rau ao cá” của gia đình chị Lê Thị Diễm Phúc

Để có những bụi hành lá, cải xoăn, rau dền xanh tốt, Huy cùng ba mẹ và em gái dành thời gian, phân công nhau gieo hạt, chăm sóc cây từ một tháng trước. Mỗi tầng rau đều được nối kết với nhau bằng những đoạn ống nước hai chiều: hút và xả. Bình nước lớn 20 lít sẽ thay thế hồ chứa, và máy bơm mini có chức năng hút nước từ tầng đáy lên đỉnh tháp rồi xả qua từng tầng xuống dưới. Nước xả dẫn vào hồ chứa thứ hai cũng là bình nước 20 lít. Đó là ao cá của gia đình.

Huy giải thích thêm, khi nuôi cá, khó tránh khỏi việc thức ăn, chất thải từ cá làm bẩn nước. Nhưng vận dụng hệ thống tưới tiêu đơn giản như trên, ta vừa cung cấp nước và chất dinh dưỡng cho cây theo mỗi tầng máng. Dòng nước tuần hoàn rồi đổ vào ao, cung cấp ô-xy cho cá thêm một lần nữa. “Mô hình không chỉ giúp tái chế, mà còn giúp chúng ta có một không gian sống xanh - sạch - đẹp. Đó là một mô hình khá thiết thực với môi trường”, Huy khẳng định.

Để chứng minh làm ra mô hình không khó, cũng chẳng tốn kém nếu biết sử dụng những vật dụng dư thừa từ nhựa, xốp, chị Diễm Phúc đã đưa những người quan tâm tham quan một vòng mảnh vườn trên ban công nhà mình thông qua hình ảnh. Gói gọn trong khoảng 8m2, nhưng mảnh vườn ấy ngập màu xanh của mồng tơi, rau dền, rau lang, rau muống, các loại rau thơm, đậu rồng, đậu bắp, và cả hoa hồng, hoa lan. Nước tưới tiêu sau cùng đổ về ao cá, khiến mảng ban công đầy rau xanh ấy luôn khô ráo, sạch sẽ.

Là giáo viên mầm non, mùa dịch này, chị Phúc bày mô hình dự thi ra làm khiến các con rất thích. “Mô hình làm cho gia đình khắng khít hơn khi mỗi ngày ơi ới hỏi nhau chuyện gieo hạt, nẩy mầm, ra lá, cũng như đến khi thu hoạch rau. Hoạt động cũng hình thành trong các con tôi ý thức bảo vệ môi trường rõ ràng hơn từng ngày”, chị Phúc phấn khởi.

Rồi ngày hái quả cũng đến sớm trong mùa dịch, khi gia đình chị không cần phải ra ngoài mua rau. Rau ăn không hết nên còn mang chia sẻ cho hàng xóm. Vì tính thực tế trong cuộc sống nên chị Phúc quyết định đưa mô hình “vườn rau ao cá” của gia đình mình dự thi. Chị nhắn nhủ: “Làm vườn rau, chúng tôi gần như không tốn kém gì nhiều ngoài hạt giống. Ở nhà sử dụng chai lọ gì thì hãy gom lại cất hết, hoặc hàng xóm vứt thì mình nhặt lấy để dùng, đừng mua thêm”. 

Cần kiên trì những hoạt động chiều sâu

Chị Đinh Thị Tuyết Đào, ở P.Tân Hưng, Q.7, dí ngón tay vào chiếc áo len đang mặc rồi tự tin với chúng tôi: “Cái áo đẹp mà, phải không?”.

Chiếc áo chị đang mặc có dạng cổ thuyền, tông màu trầm, hài hòa, do chị tự đan lấy từ những mẩu len vụn dư góp nhặt. Chị là một thợ đan móc chuyên nghiệp, nên những vật dụng chị mang theo bên mình, gần như đều là sản phẩm do chị đan lấy. 

Chiếc mũ màu đen tuyền thả thêm nhánh hoa duyên dáng, chiếc túi xách có thể dùng đựng những vật dụng cần thiết khi ra ngoài, thậm chí có thể dùng đi chợ mà chị mang đến hội thi trông rất bắt mắt và gây bất ngờ với nhiều người. Ngoài công đan móc, chất liệu làm nên những vật dụng ấy chị không tốn tiền mua. “Mùa dịch này, người ta sử dụng, cũng như vứt bỏ túi ni-lông nhiều lắm. Tôi đã thu gom và dùng nó làm nên những vật dụng cho gia đình”, chị nói và chỉ vào chiếc túi xách phối màu nhã nhặn.

Để làm nên chiếc túi xách ấy, chị cắt những túi ni-lông thành những sợi dài rồi sắp xếp, đan móc thành một chiếc túi chắc chắn để tự tin sử dụng mỗi khi đi đâu. Còn chiếc mũ rộng vành màu đen tuyền được chị đan từ những cuộn dây băng cát-sét cũ được gom góp và giữ lại hơn mười năm nay. 

Chiếc túi xách xinh xắn, hữu dụng được chị Đinh Thị Tuyết Đào đan từ những chiếc túi ni-lông vứt bỏ
Chiếc túi xách xinh xắn, hữu dụng được chị Đinh Thị Tuyết Đào đan từ những chiếc túi ni-lông vứt bỏ

Từ mũ, áo cho đến bình cắm hoa, hộp đựng bánh kẹo dùng trong gia đình, chị đều tận dụng đồ nhựa đã qua sử dụng. Hũ khô gà đã dùng hết, hay hộp kem, chị không vứt bỏ mà luôn giữ lại, để từ bàn tay khéo léo của mình chị sẽ biến chúng thành một vật dụng hoàn toàn mới có tính thẩm mỹ cao.

“Thế nhưng, tái sử dụng đồ nhựa, đồ cũ, không phải là điều dễ dàng thực hiện với số đông, nếu không kiên trì với những hoạt động có chiều sâu, đa dạng hình thức tuyên truyền, thưởng phạt, bởi thói quen tiêu dùng của người Việt, không dễ thay đổi nếu không tác động lâu dài”, chị Đào không giấu sự trăn trở.

Là một người tâm huyết với hoạt động bảo vệ môi trường, năm 2019, chị có dự án xóa bỏ chai nhựa bằng cách kêu gọi mọi người dùng bình hoặc ly giữ nhiệt. Để khuyến khích người dùng, chị cũng đưa ra thị trường sản phẩm túi đựng bình - ly giữ nhiệt với nhiều mẫu mã đẹp và lạ, có thể thêu tên lên túi để tạo dấu ấn. Chị cũng giới thiệu mẫu túi đi chợ tiện lợi trong một cuộc thi liên quan đến môi trường do Hội LHPN Việt Nam phát động.

Dự án có vẻ khả quan và được mọi người hưởng ứng, bởi sản phẩm của chị được quan tâm và đặt hàng khá nhiều. Tuy nhiên, dự án của chị chỉ là một hành động rất nhỏ trong một chiến dịch lớn cần nhiều người chung tay với những cách thức khác nhau. “Để điều chỉnh, hạn chế thói quen sử dụng rác thải nhựa ở người dân, Nhà nước cần có chế tài, thưởng phạt; đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của Hội Phụ nữ, bởi qua thực tế, vai trò ấy đã được chứng minh khi phát động được nhiều hoạt động thu hút người dân tham gia và hưởng ứng. Nhưng để thay đổi thói quen, cần hành trình mười năm, hai mươi năm hoặc hơn nữa. Do đó, chúng ta cần kiên trì với nhiều hoạt động có chiều sâu, thường xuyên và thật sự mang tính ứng dụng trong cuộc sống”, chị Đào nêu ý kiến. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI