Hạn chế luân chuyển cán bộ tiếp công dân khi không cần thiết

04/03/2022 - 20:35

PNO - Ngày 4/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM có buổi giám sát tại Thanh tra và Ban Tiếp công dân TPHCM về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn TPHCM từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021.

Tại đây, Trưởng phòng 1 Thanh tra TPHCM Huỳnh Thị Thúy Diễm đề xuất: “Quy định luân chuyển cán bộ định kỳ giúp ích cho việc phòng, chống tham nhũng nhưng với công tác tiếp công dân và một số vị trí khác không liên quan lắm đến phòng chống tham nhũng thì nên xem xét lại, không nên cứ máy móc 5 - 3 năm luân chuyển một lần vì phải đào tạo lại cán bộ thạo việc rất mất thời gian”.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại buổi tiếp công dân vào cuối tháng 11/2021.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại buổi tiếp công dân vào cuối tháng 11/2021 - Ảnh: Tường Lam

Bà Huỳnh Thị Thúy Diễm nêu thực tiễn: “Khi đọc đơn của công dân, nhiều khi đọc hết 5 - 7 trang vẫn không hiểu họ viết gì. Có những vụ việc liên quan đến đất đai nhà cửa thời gian kéo dài, hồ sơ làm 10 - 20 lần. Người mới vào đọc hồ sơ cả tháng cũng chưa hiểu hết thì chất lượng tham mưu sẽ không cao. Đào tạo cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thành thạo việc mất rất nhiều thời gian. Cán bộ phải có kỹ năng mới xác định và xử lý đúng nội dung vụ việc. Chứ nhiều khi đọc không phân biệt nổi vấn đề, thì chất lượng xử lý đơn không đảm bảo, chuyển đơn lòng vòng không đúng địa chỉ…”.

Trưởng ban Tiếp công dân TPHCM Nguyễn Ngọc Cường cũng cho rằng, việc giảm biên chế không thể cào bằng khi việc cứ tăng thêm mà nhân sự cứ giảm, không đủ người làm thì việc tồn đọng càng nhiều vừa mệt mỏi vừa gây thêm bức xúc cho người dân.

Trưởng Ban Tiếp công dân TPHCM Nguyễn Ngọc Cường nêu thực trạng việc giảm biên chế gây áp lực nặng cho đội ngũ làm công tác tiếp công dân.
Trưởng ban Tiếp công dân TPHCM Nguyễn Ngọc Cường kiến nghị về việc điều chỉnh Luật Tiếp công dân sát với thực tiễn, giảm áp lực cho đội ngũ, tăng hiệu quả công việc

Ông Nguyễn Ngọc Cường cho biết, ngoài các lượt công dân đến riêng lẻ, Ban Tiếp công dân TPHCM cũng đã tiếp 807 đoàn đông người với hơn 27.000 lượt công dân. Có trường hợp, mời 10 người vào phòng tiếp, còn 284 người ở bên ngoài, tiếp đến 13g vẫn chưa xong. Thái độ người dân lại rất bức xúc, nếu cán bộ tiếp dân không có đủ bản lĩnh và kỹ năng thì có thể sẽ làm tăng sự bức xúc đó...

Với tính chất công việc ở một đô thị lớn phức tạp như TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Cường kiến nghị điều chỉnh Luật Tiếp công dân theo cơ chế mở, cho phép người đứng đầu được ủy quyền hoặc phân công cho cấp phó trong thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả việc tiếp xúc, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo sát nội dung, nguyện vọng cho người dân đặt ra.

Bên cạnh đó, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Tiếp công dân về những hành vi bị nghiêm cấm và một trong số các hành vi đó thường xuyên xảy ra tại nơi tiếp công dân là “đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ” và những trường hợp gây mất an ninh, trật tự tại cơ quan nhà nước…

Việc tiếp các đoàn đông người gây áp lực lớn cho người tiếp công dân (Ảnh minh họa).
Việc tiếp các đoàn đông người gây áp lực lớn cho người tiếp công dân (Ảnh minh họa)

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình với các kiến nghị cần có quy chế đặc biệt về việc tiếp dân của người đứng đầu ở những TP đông dân, nhiều việc như TPHCM. “Nhiều việc phó chủ tịch có thể ký thay chủ tịch thì tại sao lại không tiếp dân thay được? Vì vậy, không nên quá máy móc quá trong việc này”, ông nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Việt Nam đã xem văn bản điện tử có hiệu lực pháp lý như bản giấy. Vậy tại sao đơn khiếu nại, tố cáo bằng pdf, gửi qua email lại không được chấp nhận. Thậm chí việc lưu trữ sẽ dễ hơn, việc trả lời cho người dân qua thư điện tử cũng nhanh hơn. Ở nước ngoài, phán quyết của tòa gửi bằng bản mềm, có ngay lập tức. TP cần áp dụng mạnh dạn việc này, để liên thông dễ dàng hơn…”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI