Hạn chế gây xáo trộn khi đồng loạt chỉnh trang vỉa hè

03/04/2025 - 06:44

PNO - TPHCM đang vào đợt cao điểm chỉnh trang đô thị để hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trong đó có việc đồng loạt nâng cấp và cải tạo vỉa hè.

Lãnh đạo các quận khẳng định sẽ thúc đẩy việc thi công nhanh chóng, an toàn, hạn chế thấp nhất gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, buôn bán của người dân.

Công nhân thi công cải tạo một đoạn vỉa hè trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1
Công nhân thi công cải tạo một đoạn vỉa hè trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên các tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Mạc Đĩnh Chi, Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Pasteur của quận 1, công nhân đang khẩn trương tháo dỡ các hạng mục cũ, di dời các khối bê tông lớn, rải đá nền, đổ bê tông, bó vỉa, lát đá granite.

Nhìn vỉa hè đường Trần Cao Vân trước nơi làm việc đã được lát đá mới, chị Lê Bình Minh Thư so sánh: “Trước đây, vỉa hè nơi này bị xuống cấp, gạch bong tróc, nứt vỡ, nhiều đoạn loang lổ, nhếch nhác. Nay vỉa hè được lát lại bằng đá granite trông phẳng phiu, sạch đẹp hơn nhiều. Tôi mong vỉa hè được giữ sạch đẹp thật lâu, chứ để người ta chạy xe leo lề, bán đồ ăn, làm bãi giữ xe như trước thì vài bữa nữa lại xuống cấp, lại tốn tiền thay gạch, đá mới”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, người dân cũng có những điều chưa hài lòng quanh việc nâng cấp, cải tạo vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, gần công viên Tao Đàn - tỏ ra tiếc nuối, không vui khi thấy nhiều cây xanh lâu năm bị bật gốc, hư hại trong lúc thi công. Bà đề nghị các chủ dự án chỉnh trang vỉa hè phải hết sức chú ý bảo tồn cây xanh, nhất là những cây trăm tuổi.

Bà Thiên Ngân - chủ một quán ăn trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh - bức xúc về việc kinh doanh gặp bất lợi: “Những người thi công vỉa hè để vật liệu xây dựng ngổn ngang, chắn hết lối đi bộ, khách muốn ghé quán cũng không có chỗ để xe, chỗ nào cũng bụi bặm. Đầu năm buôn bán ế ẩm, vừa khởi sắc được chút thì bây giờ lại ế mà vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng. Chỉ mong họ làm xong lẹ để đường sá thông thoáng đặng mình còn làm ăn”.

Ông Nguyễn Hữu Định (đường Nguyễn Trãi, quận 1) so sánh: “Trước đây, vỉa hè được lát gạch nhám, đi lại an toàn, không sợ trơn. Giờ lát đá granite bóng loáng thế này, tôi nghi mưa xuống dễ té lắm. Tôi nghĩ ngành xây dựng nên chọn loại vật liệu phù hợp cho từng khu vực, không phải chỗ nào cũng lát đá hoa cương. Tôi cũng mong họ làm xong sớm chứ bây giờ bụi bặm quá, không ai dám ra đường tập thể dục”.

Năm 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 triển khai cải tạo 79 tuyến hẻm, chỉnh trang 37 tuyến vỉa hè, trong đó dự kiến hoàn thành thi công 15 tuyến hẻm và 3 tuyến vỉa hè trước ngày 30/4, các tuyến còn lại hoàn thành trước ngày 16/10.

Ông Phạm Quách Trường Giang - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 1 - cho biết, để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, UBND quận đã yêu cầu các đơn vị thi công tuân thủ đúng nội dung đã cam kết, huy động tối đa nhân lực, thiết bị để hoàn thành công trình đúng tiến độ, đặc biệt là hạn chế gây bất tiện cho người dân. UBND quận yêu cầu thực hiện các công đoạn đào nền, đổ bê tông vào ban đêm (từ 22g đến trước 5g sáng hôm sau); lát đá, bó vỉa vào ban ngày; hoàn tất từng đoạn vỉa hè trong vòng không quá 3 ngày để tránh gây cản trở việc sinh hoạt, kinh doanh của dân.

Hiện tại, UBND quận 5 triển khai gói thầu thi công cải tạo vỉa hè trên 6 tuyến đường gồm Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Mạc Thiên Tích, Phước Hưng, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, dự kiến hoàn thành công trình trước ngày 30/4/2025. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 5 cùng đơn vị tư vấn giám sát thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhà thầu tưới nước để hạn chế bụi; vận chuyển xà bần ngay sau khi cào bóc, lát đá ngay để tránh ảnh hưởng việc đi lại của người dân; lắp đặt biển cảnh báo, dây phản quang và cử người điều phối giao thông khi thi công vào ban đêm; dọn dẹp vệ sinh, trả lại mặt bằng trước 6g sáng hôm sau.

Đưa công tác quản lý vỉa hè về một đầu mối

Kiến trúc sư, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn góp ý, để công tác chỉnh trang vỉa hè đạt hiệu quả bền vững, cần nâng tầm quy trình quản lý đô thị theo hướng bài bản hơn. Nên nhân cơ hội sắp xếp lại bộ máy hành chính để đưa công tác quản lý vỉa hè về một đầu mối thống nhất. Một vỉa hè bao gồm nhiều thành phần như lối đi bộ, hạ tầng cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, cây xanh… do đó cần một cơ quan chủ trì toàn diện, chịu trách nhiệm về quy trình thi công, giám sát và duy tu.

Ông cũng cho rằng, với những đoạn, tuyến vỉa hè còn tốt thì không nên bóc lên, lát gạch đá mới, gây lãng phí nguồn lực. Việc cải tạo cần dựa trên nguyên tắc rõ ràng, phân định đâu là tuyến cần làm mới, đâu là tuyến cần duy tu. Vật liệu lát vỉa hè phải đồng bộ và có quy chuẩn phù hợp từng khu vực, tránh lát đá ở nơi chưa ổn định hạ tầng, gây lãng phí và thiệt hại. Chất liệu gạch, đá để lát phải có độ nhám phù hợp, theo thiết kế mẫu và danh mục quy chuẩn sử dụng vật liệu vỉa hè trên toàn thành phố.

Đặc biệt, việc chỉnh trang vỉa hè không được xâm hại đến cây xanh, bảng hiệu hay hệ thống hạ tầng hiện hữu. Ở những tuyến vỉa hè không thể lát gạch, có thể tráng xi măng như cách làm ở các thành phố trên thế giới. Sau khi hoàn thiện vỉa hè, cần dùng vạch kẻ để phân định các khu vực để xe và lối đi bộ để ngăn tình trạng tái lấn chiếm, góp phần duy trì công năng và vẻ đẹp vỉa hè lâu dài.

Chấn chỉnh việc thi công xâm phạm tới cây xanh

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM, hiện có 58 tuyến đường ở các quận 1, 5, 6, 11, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Củ Chi thi công vỉa hè, có ảnh hưởng đến an toàn cây xanh. Tình trạng chung là nhà thầu đào bóc vỉa hè bằng xe cơ giới dẫn đến va quẹt thân cây, gây dập, đứt rễ cây. Bên cạnh đó, một số vỉa hè hạ cốt nền sâu khiến gốc cây lồi lên, nhiều rễ cây bị phơi lộ trong thời gian dài do việc đào bóc hàng loạt và chậm tái lập mặt nền.

Tính đến nay, có hơn 2.100 cây xanh bị ảnh hưởng, phải cắt cành do tác động từ việc cải tạo vỉa hè. Trong đó, 90 cây bị xâm hại nghiêm trọng ở phần rễ, gốc bị nghiêng, nguy cơ ngã đổ nên trung tâm đã phải chặt hạ. Trung tâm kiến nghị Thanh tra Sở Giao thông Công chánh phối hợp Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan việc bảo vệ cây xanh trong quá trình thi công, đồng thời khuyến cáo, nhắc nhở các địa phương chấn chỉnh chủ đầu tư, nhà thầu và có biện pháp chế tài đơn vị vi phạm.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cảnh báo về những tác động đến hệ sinh thái nếu không cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố cây xanh. Theo ông, 1 cây lớn cần hàng chục năm để phát triển, cho nên, nếu xâm phạm đến cây xanh khiến phải chặt bỏ hàng loạt thì hậu quả khó lường, không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Theo ông, nếu vỉa hè xuống cấp nghiêm trọng, cần cải tạo để đảm bảo an toàn cho người đi bộ thì nên làm, nhưng nếu chỉ vì yếu tố thẩm mỹ mà ảnh hưởng đến cây xanh thì nên cân nhắc cẩn trọng.

Ông cho rằng, giải pháp hợp lý là khảo sát kỹ từng cây, thiết kế vỉa hè phù hợp để giữ lại tối đa số cây đang có. Trong trường hợp buộc phải thay đổi, nên ưu tiên việc di dời cây thay vì chặt bỏ. Đồng thời, phải có kế hoạch trồng lại cây thay thế với chủng loại phù hợp nhằm duy trì vai trò sinh thái tương đương.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI